Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ không phải ai cũng biết

Ngày 02/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong suốt thai kỳ vẫn luôn là chủ đề quan tâm của rất nhiều độc giả. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ mang đến cho mẹ bầu và thai nhi nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Vậy mẹ bầu cần lưu ý những gì trong chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ?

Ba tháng đầu thai kỳ coi là thời kỳ vàng cho quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Chính vì thế, việc đảm bảo dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ là vô cùng cần thiết. Trước khi tìm hiểu những lưu ý về dinh dưỡng cho mẹ bầu trong ba tháng đầu thai kỳ, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu tầm quan trọng của dinh dưỡng trong giai đoạn này bạn nhé.

Tầm quan trọng của việc đảm bảo dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ

Các chuyên gia cho biết, giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Hệ thống thần kinh của trẻ sẽ bắt đầu phát triển vào tuần thứ 4 của thai kỳ và đến tuần thứ 6, song song với quá trình hình thành não và tủy sống, hệ tuần hoàn và các cơ quan nội tạng khác cũng phát triển. Hầu hết các bộ phận trên cơ thể của thai nhi như mắt, mũi, chân, tay… đều sẽ hoàn thiện trước khi bước sang tuần thứ 13 của thai kỳ.

Thai nhi cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất như canxi, sắt, axit folic, vitamin D… trong giai đoạn này để có thể phát triển một cách toàn diện. Việc mẹ bầu không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất này có thể gây dị tật thai nhi, thai suy dinh dưỡng, thậm chí là sảy thai.

Chính vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh và bé yêu có điều kiện phát triển toàn diện thì mẹ bầu cần được xây dựng một chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ khoa học, đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất thiết yêu.

Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ không phải ai cũng biết 1
Dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thai nhi

Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ

Trong ba tháng đầu thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng lên đáng kể. Cụ thể:

  • Năng lượng: Cùng với sự phát triển của thai nhi thì nhu cầu năng lượng của mẹ bầu cũng thay đổi đáng kể. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần được cung cấp khoảng 2300 - 2400 kcal/ngày.
  • Axit folic: Để giảm nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sống trong bào thai, trong 3 tháng đầu, mẹ bầu cần được bổ sung axit folic. Mẹ có thể bổ sung dưỡng chất này thông qua các loại thực phẩm như thịt gia cầm, rau có màu xanh thẫm, ngũ cốc… Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bổ sung thêm axit folic thông qua viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Protein: Đây cũng là một dưỡng chất rất quan trọng và không thể thiếu, giúp đảm bảo sự phát triển của mô bào thai, thúc đẩy sự tăng trưởng mô vú và tử cung, tăng cường sản sinh máu giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần được cung cấp khoảng 85 - 90 gam protein mỗi ngày. Mẹ có thể bổ sung dưỡng chất này thông qua các thực phẩm giàu protein như đậu, trứng, sữa, thịt bò nạc, thịt gà…
  • Sắt: Để phòng ngừa thiếu máu, mẹ bầu cần được cung cấp khoảng 36 - 40 mg sắt mỗi ngày. Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm có hàm lượng sắt cao như thịt đỏ, các loại hạt, tim cật… vào thực đơn ăn uống hàng ngày, mẹ bầu còn có thể bổ sung sắt thông qua viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vitamin A: Mỗi ngày, mẹ bầu cần được cung cấp đủ 600 mcg vitamin A. Loại vitamin này được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, gan động vật, củ quả có màu vàng và đỏ…
  • Canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D là 2 dưỡng chất không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ xương và răng của thai nhi. Cùng với việc bổ sung thêm canxi thông qua các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, trứng, sữa… mẹ nên tắm nắng sớm để có thể tăng cường hấp thu vitamin D hiệu quả.
  • Vitamin C: Vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu đồng thời giúp cho hệ xương của bé chắc khỏe hơn. Mẹ có thể bổ sung vitamin C thông qua các loại rau, củ, quả.
  • Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần bổ sung vào chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ các nguyên tố vi lượng như magie, kẽm, i ốt, vitamin nhóm B, DHA/EPA…
Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ không phải ai cũng biết 2
Axit folic là dưỡng chất cần thiết mà mẹ bầu cần bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ

Những loại thực phẩm mẹ bầu cần tránh trong ba tháng đầu thai kỳ

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu không thận trọng trong vấn đề ăn uống, mẹ bầu có thể sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề sức khoẻ không đáng có, trong đó bao gồm nguy cơ sảy thai. Dưới đây là một số loại thực phẩm mẹ bầu cần tránh trong ba tháng đầu thai kỳ:

  • Dứa: Dứa có chứa các bromelain có khả năng gây co thắt ở phụ nữ mang thai và dẫn đến sảy thai. Chính vì thế, việc mẹ bầu ăn hoặc uống nước ép dứa trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến thai bị chết lưu.
  • Cua: Không chỉ có hàm lượng cao cholesterol không tốt cho sức khỏe, cua còn có thể gây co tử cung, xuất huyết bên trong, thậm chí là khiến thai chết lưu. Chính vì thế, phụ nữ mang thai cần hạn chế ăn cua trong giai đoạn nhạy cảm 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Đu đủ: Các enzyme có trong đu đủ xanh hoặc đu đủ ương được chứng minh là có thể dẫn đến các cơn co thắt tử cung và mẹ bầu ăn đu đủ trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai.
  • Chùm ngây: Tuy là nguồn cung cấp vitamin, sắt và kali dồi dào song chùm ngây lại chứa alpha sitosterol có thể gây sảy thai. Chính vì thế, trong ba tháng đầu mẹ bầu cần tránh xa loại rau này.
  • Hải sản có hàm lượng thuỷ ngân cao: Một số loại hải sản có hàm lượng thuỷ ngân cao được khuyến cáo là không tốt cho phụ nữ có thai bao gồm cá kiếm, cá thu, cá ngừ… Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể ăn tôm, cá hồi, cá cơm… bởi chúng có hàm lượng thuỷ ngân nhỏ và được chứng minh là an toàn đối với thai kỳ.
  • Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… mẹ cũng cần tránh bởi các chất này sẽ làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai.
  • Muối: Để dự phòng nguy cơ tai biến khi sinh, mẹ bầu nên chủ động giảm muối trong thực đơn ăn uống của mình, nhất là các thai phụ đang bị tăng huyết áp, phù hoặc đang gặp phải tình trạng nhiễm độc thai nghén.
Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ không phải ai cũng biết 3
Ăn dứa trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến mẹ bị sảy thai

Bí kíp ăn uống giúp mẹ và bé luôn đủ dinh dưỡng

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu đều phải đối mặt với các triệu chứng ốm nghén. Việc ốm nghén khiến mẹ bầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ăn và về lâu dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Để việc ăn uống không còn là nỗi ám ảnh đối với mẹ bầu và thai nhi vẫn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển, các mẹ nên:

  • Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày. Ngoài 3 bữa chính, các mẹ có thể bổ sung xen kẽ các bữa phụ. Điều này không chỉ giúp cải thiện triệu chứng buồn nôn do ốm nghén mà còn cải thiện chất lượng ăn uống của mẹ bầu.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, khẩu phần ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau để giảm cảm giác chán ăn cho mẹ bầu.
  • Cùng với đó, mẹ bầu cũng nên uống đủ nước mỗi ngày đồng thời kết hợp tập thêm một số các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga dành cho bà bầu, thiền… để giúp cho hoạt động tiêu hoá được tốt hơn, giảm các triệu chứng ốm nghén từ đó giúp mẹ ăn ngon miệng hơn.
Những điều cần lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ không phải ai cũng biết 4
Tập các bài tập yoga dành riêng cho bà bầu sẽ giúp mẹ cải thiện hoạt động tiêu hoá

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Có thể thấy rằng dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ vô cùng quan trọng và mẹ bầu cần phải hết sức lưu ý vấn đề này để có thể có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm