Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Những thang đo trầm cảm có độ chính xác cao, đáng tin cậy

Ngày 15/06/2024
Kích thước chữ

Trầm cảm là căn bệnh tâm lý nguy hiểm và đang có dấu hiệu gia tăng gần đây. Nhận biết được các dấu hiệu cũng như cách đo trầm cảm chính xác sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phòng tránh, điều trị bệnh. Để có thể đo lường mức độ trầm cảm, người bệnh hãy sử dụng thang đo trầm cảm.

Thang đo trầm cảm là công cụ được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức độ trầm cảm chung được hướng dẫn bởi các bác sĩ, chuyên gia. Điểm tổng sau khi làm thang đo trầm cảm sẽ cho biết mức độ của hội chứng trầm cảm. Để biết thêm một số thông tin về những thang đo trầm cảm có độ chính xác cao, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé.

Tổng quan về căn bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một dạng bệnh rối loạn tâm thần. Thật không may rằng nó đang trở nên phổ biến trên thế giới. Bệnh thường khiến cho người bệnh có tâm trạng chán nản, mất đi niềm vui, mục tiêu sống hay mất đi sự hứng thú với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài.

Trầm cảm có thể khiến cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng, bao gồm các mối quan hệ với người thân, gia đình, bạn bè hay cộng đồng xã hội. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm, tuy nhiên những người từng bị lạm dụng, mất người thân hay trải qua quá nhiều những biến cố, cú sốc trong cuộc đời thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn so với đàn ông.

Hiện nay, trầm cảm đang trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết ở những nước chưa hoặc đang phát triển. Những nơi bị suy giảm kinh tế, điều kiện sống còn nhiều khó khăn là nguyên nhân lớn nhất tạo ra rào cản trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và dù nền y học đã phát triển hơn rất nhiều, những phương pháp điều trị rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu đã mang lại hiệu quả nhưng phần lớn người dân có thu nhập thấp, trung bình vẫn không được điều trị bệnh một cách thỏa đáng.

Những thang đo trầm cảm có độ chính xác cao, đáng tin cậy1
Trầm cảm là bệnh tâm lý nguy hiểm, đang có dấu hiệu gia tăng

Khi nào bạn nên thực hiện kiểm tra trầm cảm?

Hãy luôn chú ý đến sức khỏe tâm thần của bản thân và những người thân xung quanh. Nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu dưới đây trong một khoảng thời gian dài không thuyên giảm, hãy thực hiện test trầm cảm.

  • Bị mất hứng thú, niềm vui trong các hoạt động mà ngày trước bản thân từng rất yêu thích.
  • Luôn cảm thấy buồn bã, lo lắng, căng thẳng, stress.
  • Luôn cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi, bất lực.
  • Có cảm giác vô vọng về tương lai của bản thân.
  • Tự hạ thấp giá trị của bản thân.
  • Bị rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng làm việc.
  • Khó để tập trung, đưa ra quyết định hoặc ghi nhớ.
  • Có những thay đổi bất ngờ về cân nặng.
  • Bắt đầu xuất hiện những ý nghĩ làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.

Trầm cảm rất khác với những biến động cảm xúc thông thường. Một người bị trầm cảm sẽ trải qua cảm giác chán nản, cáu kỉnh, trống rỗng, mất đi niềm vui trong một khoảng thời gian dài. Những trạng thái tiêu cực này có thể kéo dài cả ngày và từ ngày này qua ngày khác, khoảng từ 2 tuần trở lên và không có dấu hiệu cải thiện.

Các giai đoạn trầm cảm cũng được phân loại bao gồm trầm cảm giai đoạn nhẹ, trung bình và nặng. Để có thể phân loại bệnh trầm cảm, bác sĩ sẽ dựa vào số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tác động tiêu cực của bệnh lên đời sống cá nhân của người bệnh.

Những thang đo trầm cảm có độ chính xác cao, đáng tin cậy2
Có thể test trầm cảm định kỳ như một cách theo dõi sức khỏe tâm thần

Những thang đo trầm cảm đáng tin cậy

Nếu nghi ngờ bản thân có bệnh, bạn có thể thực hiện test một số thang đo trầm cảm đáng tin cậy tại nhà. Có rất nhiều thang đo có độ chính xác cao, đánh giá được các triệu chứng trầm cảm được nhiều chuyên gia sử dụng như:

Thang đo trầm cảm PHQ - 9

Đây là mẫu bảng câu hỏi ngắn gọn giúp đánh giá các triệu chứng trầm cảm. Thang đo trầm cảm PHQ - 9 thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hoảng sợ,...

Ban đầu, PHQ ra đời như một công cụ đánh giá có tên là PRIME-MD được rất nhiều các chuyên gia y tế sử dụng để chẩn đoán về sức khỏe tâm thần. Vì phần lớn, đánh giá này chỉ giúp kiểm tra mức độ trầm cảm nên số 9 trong tên của thang đo chính là tham chiếu đến 9 câu hỏi để đánh giá tiêu chí trầm cảm. Bạn đọc có thể thực hiện bài test PHQ định kỳ như một cách để theo dõi và đánh giá sức khỏe tâm thần của chính mình.

Thang đo trầm cảm DASS 21

Thang đo trầm cảm DASS 21 chính là dạng rút gọn của DASS 42 - thang đo lường các trạng thái cảm xúc tiêu cực bao gồm lo lắng, căng thẳng, trầm cảm,... Đây là thang đo phù hợp với các cơ sở lâm sàng giúp hỗ trợ theo dõi kết quả, chẩn đoán bệnh và cả các cơ sở phi lâm sàng giúp sàng lọc sức khỏe tâm thần.

Thang đo DASS 21 là một công cụ được các chuyên gia đánh giá là rất hữu ích trong việc đánh giá kết quả bệnh và còn có thể được sử dụng để đánh giá xem mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh.

Điểm số của từng thang điểm được phân thành 5 mức độ nghiêm trọng khác nhau là bình thường, nhẹ, trung bình, nặng và cuối cùng là cực kỳ nghiêm trọng.

Bài test trầm cảm Beck

Bài test trầm cảm Beck được sử dụng rất phổ biến với 21 mục có công dụng đo lường thái độ, triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm. Bài test này không chỉ được sử dụng để đánh giá bệnh trầm cảm mà còn để sàng lọc trầm cảm trong thực hành lâm sàng cho thanh thiếu niên và cả những người trưởng thành.

Những thang đo trầm cảm có độ chính xác cao, đáng tin cậy3
Làm các bài test tâm lý theo hướng dẫn của các chuyên gia, bác sĩ

Trên đây là một số thang đo trầm cảm uy tín giúp bạn đánh giá trạng thái sức khỏe tâm thần hiện tại để có thể đưa ra các phương pháp điều trị khi cần thiết. Đừng chủ quan với những vấn đề về tâm lý, chúng có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn, nguy hiểm hơn là cả sức khỏe và mạng sống. Mong rằng những thông tin được đề cập trong bài viết sẽ giúp bạn đọc có thể chăm sóc thật tốt cho sức khỏe tâm thần của mình và cả những người thân yêu.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin