Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? Những điều cần lưu ý

Ánh Vũ

11/03/2025
Kích thước chữ

Não bộ là cơ quan vô cùng quan trọng của cơ thể người, chính vì thế hiện nay có không ít độc giả có thói quen sử dụng thuốc bổ não, đặc biệt là thuốc bổ não dạng tiêm nhằm mục đích tăng cường hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn không nên quá lạm dụng loại thuốc này bởi việc lạm dụng thuốc bổ não có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Một câu hỏi đặt ra: Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não?

Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? Chắc hẳn đây vẫn là câu hỏi của không ít độc giả. Để giúp độc giả giải quyết câu hỏi này, trước hết, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về thuốc bổ não dạng tiêm bạn nhé.

Sơ lược về thuốc bổ não dạng tiêm

Thuốc bổ não dạng tiêm hay còn được biết đến với tên gọi khác là thuốc hướng não. Đây là loại thuốc được tiêm vào cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng não bộ. Các thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh.

Các loại thuốc bổ não tiêm thường được chia thành ba nhóm chính như sau:

  • Nhóm thuốc giúp tăng sử dụng oxy của tế bào não: Những thuốc này giúp cải thiện sự hoạt động của tế bào não bằng cách tăng cường khả năng sử dụng oxy. Ví dụ như Piracetam, Cerebrolysin và Citicoline…
  • Nhóm thuốc làm giãn mạch máu não: Những thuốc này giúp cải thiện lưu thông máu trong não, có tác dụng giãn mạch và tăng cường sự cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não. Ví dụ như Cavinton và Cinnarizin…
  • Nhóm kết hợp cả hai tác dụng trên như Phezam, kết hợp giữa Piracetam và Cinnarizin, giúp vừa tăng sử dụng oxy của tế bào não vừa giãn mạch máu não.

Lý do thuốc bổ não dạng tiêm được ưu tiên sử dụng trong một số trường hợp là vì hoạt chất được đưa trực tiếp vào máu, giúp thuốc phát huy tác dụng nhanh chóng và hiệu quả hơn so với các dạng thuốc uống.

Cùng chuyên gia giải đáp thắc mắc: Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? 1
Thuốc bổ não dạng tiêm là gì?

Thuốc bổ não dạng tiêm có công dụng gì?

Thuốc bổ não dạng tiêm có nhiều công dụng quan trọng đối với sức khỏe não bộ, đặc biệt khi đối mặt với các vấn đề thần kinh, căng thẳng và suy giảm trí nhớ. Dưới đây là một số công dụng chính của thuốc bổ não dạng tiêm, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Tăng cường tuần hoàn máu lên não: Thuốc bổ não dạng tiêm giúp cải thiện lưu thông máu trong não, hỗ trợ cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào thần kinh, giúp hoạt động não bộ hiệu quả hơn.
  • Giảm căng thẳng và lo âu: Thuốc bổ não dạng tiêm giúp giảm stress, lo âu từ đó giảm các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi.
  • Cải thiện trí nhớ và giấc ngủ: Thuốc bổ não dạng tiêm có thể giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và giảm thiểu các vấn đề về trí nhớ. Ngoài ra, loại thuốc này còn hỗ trợ giấc ngủ sinh lý, giúp người dùng ngủ ngon hơn, giảm triệu chứng mất ngủ.
  • Phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật thần kinh: Đối với những người vừa trải qua phẫu thuật thần kinh, thuốc bổ não dạng tiêm có thể hỗ trợ phục hồi nhanh chóng và giảm thiểu các biến chứng sau phẫu thuật
  • Tăng sức đề kháng và cải thiện tâm lý: Thuốc bổ não dạng tiêm giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và cải thiện trạng thái tâm lý của người sử dụng, giúp họ cảm thấy thoải mái và ổn định hơn.

Nhờ những công dụng này giúp thuốc bổ não dạng tiêm trở thành sự lựa chọn hữu hiệu cho những người gặp phải các vấn đề về sức khỏe thần kinh, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng, mệt mỏi và suy giảm chức năng não bộ.

Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não?

Thuốc bổ não dạng tiêm thường được chỉ định để cải thiện tình trạng sức khỏe não bộ và hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến chức năng não. Tùy vào từng loại thuốc bổ não và tình trạng sức khỏe cụ thể, việc sử dụng thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu. Vậy những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não?

Với câu hỏi những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não, các chuyên gia cho biết, thuốc bổ não nên được tiêm trong các trường hợp dưới đây:

  • Rối loạn trí nhớ và độ tập trung.
  • Những người cần duy trì sự tập trung cao độ, đặc biệt trong các công việc đòi hỏi khả năng tư duy và sự tỉnh táo liên tục.
  • Những người bị suy giảm trí nhớ do các bệnh lý như nhồi máu não, bệnh mạch máu não, thoái hóa hoặc Alzheimer…
  • Các trường hợp mắc bệnh não cấp tính như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, đột quỵ cấp tính.
  • Những người gặp các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình, đau đầu, chóng mặt hoặc mất ngủ.
Cùng chuyên gia giải đáp thắc mắc: Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? 2
Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não

Tác hại của việc sử dụng thuốc bổ não không đúng cách

Khi sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm, nếu không tuân thủ đúng chỉ định hoặc lạm dụng thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm không đúng cách, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Sốc phản vệ: Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không xử lý kịp thời. Sốc phản vệ có thể xảy ra sau khi tiêm thuốc bổ não.
  • Sưng đỏ và mẩn ngứa tại vị trí tiêm: Một số người có thể gặp phải phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm gây sưng, đỏ và mẩn ngứa.
  • Dị ứng và rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng như đau vùng thượng vị, nôn mửa, tiêu chảy có thể xảy ra do thuốc gây rối loạn tiêu hóa hoặc phản ứng dị ứng.
  • Buồn ngủ và ngủ gà gật: Một số thuốc bổ não có thể gây cảm giác buồn ngủ, khiến người sử dụng cảm thấy mệt mỏi hoặc ngủ gà gật.
  • Ảnh hưởng đến người mắc bệnh tiểu đường: Nếu tiêm thuốc bổ não không đúng cách có thể gây rối loạn nồng độ insulin trong cơ thể và điều này ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc dùng chung thuốc bổ não với kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Co giật: Trong một số trường hợp hiếm, thuốc bổ não có thể gây co giật, đặc biệt là khi sử dụng không đúng liều lượng hoặc không theo chỉ định của bác sĩ.
Cùng chuyên gia giải đáp thắc mắc: Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? 3
Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa khi sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

  • Chỉ tiêm thuốc bổ não khi đã được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định. Việc tự ý sử dụng thuốc bổ não có thể gây hại cho sức khỏe.
  • Trước khi tiêm, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm, bao gồm thông tin về tác dụng, liều dùng, chỉ định và chống chỉ định để tránh những rủi ro không mong muốn.
  • Tuyệt đối không tự tiêm thuốc bổ não hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Không lạm dụng tiêm thuốc bổ não nhiều hơn so với liệu trình điều trị của bác sĩ, vì việc tiêm quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Những người có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc, suy thận nặng, suy gan hoặc xuất huyết não không nên sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm.
  • Sau khi tiêm thuốc bổ não, bạn nên tránh điều khiển giao thông hoặc làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, vì thuốc có thể gây cảm giác buồn ngủ, run tay hoặc ngủ gà gật.
Cùng chuyên gia giải đáp thắc mắc: Những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não? 4
Chỉ sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm khi có chỉ định từ bác sĩ

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh việc sử dụng thuốc bổ não dạng tiêm mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về chủ đề này đồng thời giải đáp được thắc mắc những trường hợp nào nên tiêm thuốc bổ não. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian đón đọc các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin