Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước dừa mát hay nóng và những thận trọng khi uống nước dừa

Ngày 30/09/2024
Kích thước chữ

Nước dừa từ xưa nay vẫn được sử dụng làm thức uống giải khát, nấu ăn và làm bánh. Bài viết giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc cho câu hỏi nước dừa mát hay nóng và một số thận trọng khi uống nước dừa.

Nước dừa chứa rất nhiều carbohydrate và ion điện giải như natri, kali và magie. Chính nhờ lượng chất lỏng và điện giải có nhiều trong nước dừa làm nhiều người tin rằng nó có thể sử dụng để ngăn ngừa mất nước và bù khoáng cho cơ thể. Nước dừa cũng có thể được dùng như một loại nước uống hàng ngày, vậy nước dừa mát hay nóng?

Nước dừa mát hay nóng?

Nước dừa là thức uống rất được yêu thích, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng. Nước dừa thường được mọi người sử dụng như một biện pháp bù nước, bù khoáng, đặc biệt trong trường hợp cơ thể bị mất nước do tiêu chảy, tập luyện thể thao, thời tiết oi ả,...

Câu trả lời cho câu hỏi “nước dừa mát hay nóng” là nước dừa có tính mát. Theo Đông y, nước dừa thuộc về âm, có công dụng làm mát, giải nhiệt. Nước dừa chứa ít calo và chất béo, tuy vậy lại giàu chất lỏng, vitamin, carbohydrate và các khoáng chất khác như natri, kali, canxi, magie và phốt pho.

Trên thực tế, hàm lượng kali (ion giúp cân bằng điện giải của cơ thể) trong nước dừa cao gần gấp đôi lượng có trong quả chuối. Sự cân bằng điện giải trong cơ thể giúp thúc đẩy hoạt động hiệu quả của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ cơ và hệ miễn dịch, từ đó hỗ trợ hoạt động hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất và phát triển.

Nước dừa mát hay nóng 01
Nước dừa mát hay nóng?

Nước dừa có giúp bù điện giải?

Nhiều bạn đọc phân vân nước dừa mát hay nóng thì giờ đã có câu trả lời. Tuy vậy, nếu lạm dụng nước dừa có thể làm cơ thể tụt huyết áp, yếu gân cơ. Vậy uống nhiều nước dừa có thật sự tốt?

  • Bù nước khi tiêu chảy: Một vài nghiên cứu kết luận rằng việc uống nước dừa có thể giúp ngăn ngừa mất nước ở những trẻ em đang bị tiêu chảy nhẹ. Tuy vậy, nghiên cứu vẫn chưa đưa ra đủ bằng chứng để so sánh hiệu quả của nước dừa với các đồ uống bù điện giải khác.
  • Mất nước do tập thể dục: Nước dừa giúp bù nước sau khi tập luyện thể thao, nên được một số người thích vận động và vận động viên sử dụng. Mặc dù có hương vị thơm ngon và thanh mát, nước dừa dường như không hiệu quả bằng các loại nước uống ngăn ngừa mất nước ở vận động viên chuyên nghiệp.
  • Nước dừa tốt cho người huyết áp cao: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, uống một lượng nước dừa vừa phải có thể giúp giảm và ổn định chỉ số huyết áp.
  • An toàn với trẻ em: Nước dừa được chứng minh là an toàn đối với trẻ em, do vậy mẹ hoàn toàn có thể cho bé yêu uống thường xuyên. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều nước dừa trong ngày cần được kiểm soát để tránh lạm dụng.
Nước dừa mát hay nóng 02
Uống một lượng nước dừa vừa phải có thể giúp ổn định chỉ số huyết áp

Thận trọng khi uống nước dừa

Nước dừa rất tốt cho sức khỏe nếu như uống với lượng vừa phải mỗi ngày. Tuy nhiên, uống nhiều nước dừa có thể gây đầy bụng (mặc dù ít gặp), giảm huyết áp hay tăng kali máu, gây ra một số vấn đề trên thận và nhịp tim.

  • Uống nước dừa trong thai kỳ: Theo bác sĩ sản khoa, từ tháng 4 đến 6 trong thai kỳ (tức là thai 13 tuần đến 24 tuần) là thời điểm tốt nhất để uống nước dừa. Không nên sử dụng trước tuần thai 12 do đây là thời điểm thai nhi mới hình thành, nước dừa có tính mát nên dễ gây ra hiện tượng sảy thai. Mẹ bầu cũng cần hạn chế nước dừa trong các tháng cuối thai kỳ vì có thể gây ra hiện tượng dư ối, ảnh hưởng sinh đẻ.
  • Xơ nang: Một số bệnh nhân mắc xơ nang cần uống thêm nước hoặc thuốc để làm tăng nồng độ muối, do bệnh này làm giảm nồng độ muối trong cơ thể. Trong khi đó, nước dừa lại chứa ít natri và rất giàu kali. Đây là lý do giải thích cho việc nước dừa không phải là lựa chọn lý tưởng nếu bạn đang bị xơ nang.
  • Nước dừa làm tăng kali máu: Như bạn cũng đã biết câu trả lời cho câu hỏi nước dừa mát hay nóng. Nước dừa có tính mát, giúp thanh nhiệt và cung cấp lượng kali lớn cho cơ thể. Do đó, không nên uống nhiều nước dừa nếu như bạn có nồng độ kali huyết cao.
  • Nước dừa và huyết áp: Nước dừa có thể làm hạ huyết áp, đặc biệt nguy hiểm ở người có huyết áp thấp. Do vậy, lời khuyên sức khỏe cho những người có huyết áp thấp là không nên uống nước dừa.
  • Nước dừa và bệnh thận: Thận là cơ quan giúp bài tiết chất lỏng và điện giải ra khỏi cơ thể nếu như chúng vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, ở những người có bệnh thận, khả năng lọc và bài tiết ion đặc biệt là ion kali của thận có thể bị suy giảm. Khi đó, uống nước dừa chứa nhiều kali có thể gây thêm áp lực lọc cho thận. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ việc bạn có được uống nước dừa hay không, nếu như bạn đang có bệnh lý tại thận.
nuoc-dua-mat-hay-nong-03.jpg
Một số lưu ý khi uống nước dừa bạn đọc cần biết

Bài viết đã giải đáp thắc mắc cho bạn đọc về câu hỏi “nước dừa mát hay nóng” và một số thận trọng khi uống nhiều nước dừa. Hiện nay nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác được xem là uống nước dừa bao nhiêu là đủ và tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, lời khuyên cho bạn đọc là không nên lạm dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dù cho đó là bất cứ thứ gì, bởi vì tiêu thụ quá nhiều lúc nào cũng dẫn đến các tác dụng phụ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin