Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước giếng khoan có sạch không? Có dùng để uống được không?

Ngày 29/09/2024
Kích thước chữ

Ở nhiều vùng nông thôn, nước giếng khoan là nguồn nước phổ biến. Tuy nhiên, những người thường xuyên dùng nguồn nước này cảm thấy lo lắng không biết nước giếng khoan có sạch không, có uống được không? Có cách nào lọc được nước giếng sạch và an toàn cho sức khỏe không?

Hiện nay, một số vùng nông thôn vẫn sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề được đặt ra như nước giếng khoan có an toàn không, nước giếng khoan có sạch không và nếu muốn dùng nước giếng khoan có cần thiết phải lọc không. Hãy cùng tìm câu trả lời cho các vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.

Nước giếng khoan là gì?

Trước khi tìm hiểu nước giếng khoan có sạch không, bạn cần hiểu rõ nước giếng khoan là gì. Nguồn nước ngầm ở sâu trong lòng đất gọi là nước giếng khoan. Hiện nay, ở khu vực nông thôn, nước giếng khoan vẫn là nguồn nước sinh hoạt chính của cả gia đình vì những vùng đất này có vị trí thuận tiện để đào giếng.

Nước giếng khoan sẽ có những thành phần và đặc điểm khác nhau tùy theo vị trí địa lý, độ sâu, địa hình và thổ nhưỡng. 

Nước giếng khoan có sạch không? Có dùng để uống được không? 1
Nước giếng khoan là nguồn nước ngầm ở sâu trong lòng đất và cũng là nước sinh hoạt ở nông thôn

Các thành phần chính trong hầu hết các nguồn nước giếng khoan bao gồm:

  • Độ pH: Là nồng độ ion H+ trong nước giếng khoan. Độ pH=7 là nước giếng khoan trung tính, độ pH dưới 7 là nước giếng khoan mang tính axit.
  • Các hóa chất, hợp chất hữu cơ: Là các chất thải và hóa chất độc hại có trong nước do các hoạt động sinh hoạt và sản xuất công nghiệp gây ra. Các hóa chất này ngấm vào mạch nước ngầm sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Độ cứng của nước: Là hàm lượng các muối của canxi và magie tồn tại ở trong nước giếng khoan.
  • Vi khuẩn: Có hai loại vi khuẩn tiêu biểu trong nước giếng khoan là vi khuẩn E. coli và Coliform. Đây là các vi khuẩn gây hại đến đường tiêu hóa cũng như sức khỏe của con người.
  • Kim loại nặng: Sắt, chì, thủy ngân, magie, nhôm,... là các kim loại nặng ở trong nước giếng khoan. Do đặc tính thổ nhưỡng của đất hoặc do các hoạt động khai thác kim loại từ ngành công nghiệp dẫn đến nước giếng khoan bị nhiễm kim loại nặng.

Như vậy, do nước giếng khoan chứa các kim loại nặng và các hóa chất, hợp chất hữu cơ có hại nên thường có màu và mùi lạ. Vì thế, bạn sẽ thấy nước giếng khoan thường có màu đỏ vàng, đỏ cam, mùi tanh. Để có thể sử dụng được nguồn nước này, bạn cần tìm kiếm các giải pháp xử lý nước phèn giếng khoan hiệu quả.

Nước giếng khoan có sạch không? Có uống được không?

Những người sử dụng nước giếng khoan sẽ đối mặt với nhiều vấn đề như nước giếng khoan có sạch không, nước giếng khoan có uống được không? Có thể sử dụng nước giếng khoan hàng ngày không?

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, hiện nay nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước giếng khoan là rất lớn do các nhà máy, xí nghiệp thải thuốc trừ sâu, rác thải sinh hoạt, nước thải ra ngoài môi trường, từ đó ngấm sâu vào lòng đất và hòa tan vào nguồn nước giếng khoan. Người dân sử dụng nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nước giếng khoan có sạch không? Có dùng để uống được không? 2
Nước giếng khoan hiện nay nhiễm mặn, nhiễm sắt, mangan và nhiễm asen

Nước giếng khoan hiện đang gặp phải những vấn đề sau đây:

  • Nước giếng khoan nhiễm mặn: Hiện tượng nước giếng khoan bị nhiễm mặn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây như tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau,... Tại các vùng này, khi gặp hạn mặn, người dân thường phải mua nước ngọt từ nơi khác để phục vụ cho sinh hoạt.
  • Nước giếng khoan nhiễm mangan, sắt: Khi nước giếng nhiễm sắt và mangan sẽ có đặc điểm chung là mùi tanh. Nếu để một thời gian dài, nước sẽ có màu vàng và trên bề mặt nổi váng màu vàng. Sử dụng nước nhiễm sắt, mangan ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và trực tiếp đến sức khỏe con người. Dấu hiệu của nước nhiễm mangan ở cấp độ nhẹ là khi pha trà, nước trà sẽ chuyển sang màu đen, khi pha cà phê sẽ làm mất vị cà phê.
  • Nước giếng khoan nhiễm asen: Nhiều người vẫn chưa hiểu được tường tận định nghĩa về ngộ độc asen cũng như nước nhiễm asen là thế nào. Đây là một chất cực kỳ độc hại đối với cơ thể. Do đó, nguồn nước giếng khoan nhiễm asen sẽ gây hại trực tiếp đến sức khỏe của người dùng. Đặc biệt nếu lượng asen trong nước không quá cao, bạn sẽ không thấy biểu hiện ngay lập tức. Hàm lượng asen sẽ tích tụ dần dần trong cơ thể và ủ bệnh trong 10 - 15 năm.

Nguyên nhân khiến nước giếng khoan bị ô nhiễm

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến nước giếng khoan bị ô nhiễm:

  • Các khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý.
  • Nông nghiệp phát triển, lượng thuốc trừ sâu đi vào môi trường đất và nước tăng cao.
  • Bỏ nước thải, rác thải sinh hoạt lung tung ngoài môi trường mà không qua xử lý.

Với những nguyên nhân trên, không chỉ nguồn nước mà môi trường sống bị ô nhiễm rất lớn. Vì vậy, cần phải có biện pháp xử lý hiệu quả để nguồn nước sinh hoạt, nước uống đảm bảo luôn đạt chuẩn.

Sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm sẽ gặp tác hại gì?

Nếu bạn thắc mắc nước giếng khoan có tốt không? Câu trả lời là dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của người dùng:

  • Uống nước giếng khoan nhiễm chì, mangan, sắt, asen,… sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh về da và sử dụng nước này lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày, khi sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm để giặt quần áo sẽ làm chúng bị xỉn màu, ố vàng, thô ráp, nhanh hỏng.
  • Sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm để tắm, bạn sẽ bị khô da, viêm da, khô tóc, vàng răng,...
Nước giếng khoan có sạch không? Có dùng để uống được không? 3
Nước giếng khoan bị ô nhiễm gây nên các bệnh về da như viêm da, khô da

Cách hạn chế tình trạng ô nhiễm nước giếng khoan

Sau đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm nước giếng khoan:

  • Dùng nắp bảo vệ lỗ khoan.
  • Khoan giếng nước cách các khu vực xả thải hoặc các hệ thống nước thải gia đình lân cận trên 30m.
  • Kiểm tra lỗ khoan thường xuyên để kiểm tra chất lượng nguồn nước.
  • Ngăn chặn nước thải ngấm vào đất kế lỗ khoan.
  • Không xả rác, nước thải bừa bãi ra ngoài môi trường.
  • Lọc nước giếng khoan để nguồn nước an toàn khi dùng.

Những cách làm trên chỉ giúp hạn chế tình trạng nguồn nước nhiễm bẩn để sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt trong gia đình như tắm rửa. Bạn không nên sử dụng nguồn nước giếng khoan để uống trực tiếp vì có hại cho sức khỏe.

Máy lọc nước nào lọc được nước giếng?

Nếu muốn sử dụng nước giếng khoan để uống, bạn có thể chọn một số máy lọc nước sau đây:

Máy lọc nước RO: Đây là loại máy lọc nước dùng màng lọc RO để tách các tạp chất, kim loại nặng, vi khuẩn, asen, nitrat, nitrit,... trong nước giếng khoan. Máy lọc nước RO mang đến nguồn nước uống sạch và ngon. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng lọc tối ưu, máy lọc nước RO cần sử dụng điện và thay màng lọc thường xuyên. 

Nước giếng khoan có sạch không? Có dùng để uống được không? 4
Máy lọc nước Nano dùng công nghệ nano để diệt khuẩn và khử trùng

Máy lọc nước Nano: Đây là loại máy lọc nước dùng công nghệ Nano để khử trùng và diệt khuẩn trong nước giếng khoan. Máy lọc nước Nano không tiêu tốn điện, có thể giữ lại các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, máy lọc nước Nano không thể tách được kim loại nặng và các chất hóa học trong nước giếng khoan.

Vì vậy, để có thể tách được kim loại nặng và mùi hôi nặng trong nước giếng khoan thì chỉ có máy lọc nước RO có thể lọc nước giếng khoan hiệu quả, cả nguồn nước bị nhiễm chua, bị nhiễm phèn khác.

Tóm lại, sau khi tham khảo bài viết trên bạn đã biết nước giếng khoan có sạch không, có uống được không? Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, những ai đang dùng nước giếng khoan có thể áp dụng giải pháp lọc nước.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin