Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nước muối có tác dụng gì? Lưu ý khi dùng nước muối hàng ngày

Ngày 09/10/2024
Kích thước chữ

Nước muối là một dung dịch đơn giản nhưng lại mang đến nhiều công dụng bất ngờ. Nước muối được dùng trong cuộc sống với nhiều mục đích khác nhau từ sát khuẩn, làm đẹp, chữa bệnh… Vậy cụ thể nước muối có tác dụng gì?

Trong tủ thuốc gia đình, nước muối luôn là sản phẩm không thể thiếu. Tuy có thành phần đơn giản nhưng nước muối lại có nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe. Từ việc làm sạch vết thương, súc miệng, nhỏ mũi cho đến các ứng dụng trong làm đẹp chúng ta đều có thể sử dụng nước muối. Vậy nước muối có tác dụng gì để trở thành một bí kíp chăm sóc sức khỏe tự nhiên được nhiều người tin dùng?

Nước muối là gì? Thành phần của nước muối

Nước muối là một dung dịch đơn giản nhưng vô cùng hữu ích, được tạo thành từ việc thêm muối vào nước. Tùy thuộc vào tỉ lệ muối và nước, chúng ta có thể tạo ra các loại nước muối với nồng độ khác nhau, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Như đã nói ở trên, thành phần chính của nước muối là natri clorua (NaCl) và nước. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, người ta có thể thêm vào nước muối một số thành phần khác như iốt, kali... để tăng cường hiệu quả.

Chúng ta có thể phân chia nước muối thành các loại như:

  • Nước muối sinh lý: Là dung dịch nước muối có nồng độ muối tương đương với nồng độ muối trong máu người.
  • Nước muối biển: Được lấy từ biển, chứa nhiều khoáng chất hơn so với nước muối sinh lý.
  • Nước muối pha tại nhà: Được pha chế tại nhà với tỉ lệ muối và nước tùy ý.

Từ thời cổ đại, nước muối đã được con người sử dụng để bảo quản thực phẩm, làm sạch vết thương, dùng làm thuốc chữa bệnh. Các nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại đã sử dụng nước muối trong y học và đời sống hàng ngày. Ở nhiều nền văn hóa, nước muối được xem như một phương thuốc dân gian để chữa trị nhiều loại bệnh.

Nước muối có tác dụng gì? Lưu ý khi dùng nước muối hàng ngày 1
Bạn có thể tự pha nước muối tại nhà một cách dễ dàng

Nước muối có tác dụng gì trong y tế?

Các loại nước muối trong y tế có nhiều tác dụng như:

Tác dụng sát khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng

Nước muối có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp làm sạch vết thương và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng. Nó cũng giúp làm dịu da bị tổn thương, giảm sưng viêm và thúc đẩy quá trình lành thương. Khi bị trầy xước hoặc vết thương nhỏ, việc rửa sạch vết thương bằng nước muối sẽ giúp làm sạch vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nước muối tốt cho răng miệng và họng

Nước muối có tác dụng gì trong chăm sóc răng miệng và họng? Nước muối giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng và họng, giảm viêm họng và các triệu chứng khó chịu như đau rát, sưng đỏ. Các ion trong nước muối giúp làm dịu niêm mạc họng, giảm đau rát và tạo cảm giác dễ chịu. Nó còn giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn gây mùi hôi trong miệng. Súc miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày giúp ngăn ngừa các bệnh về răng miệng và cải thiện hơi thở.

Nước muối giúp làm sạch và thông thoáng đường thở

Nước muối giúp làm loãng chất nhầy, loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây dị ứng, giúp thông thoáng đường thở. Loại nước này còn giúp làm giảm các triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi do viêm mũi dị ứng gây ra. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên giúp làm sạch mũi, đặc biệt hữu ích cho những người bị viêm mũi dị ứng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm.

Nước muối có tác dụng gì? Lưu ý khi dùng nước muối hàng ngày 2
Nước muối được dùng để chăm sóc sức khỏe theo nhiều cách khác nhau

Nước muối dùng để vệ sinh mắt

Nước muối giúp loại bỏ bụi bẩn, dị vật và các chất tiết ra từ mắt, giảm tình trạng ngứa, đỏ mắt và mỏi mắt. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau khi tiếp xúc với khói bụi hoặc hóa chất giúp làm sạch mắt và giảm kích ứng.

Nước muối dùng chữa bệnh ngoài da

Nước muối có thể được sử dụng để làm sạch và giảm viêm cho một số bệnh ngoài da như eczema, vẩy nến. Ngâm chân bằng nước muối ấm giúp giảm mồ hôi chân và giảm mùi hôi chân.

Uống nước muối để bù muối cho cơ thể

Uống nước muối có tác dụng gì? Khi bị tiêu chảy, nôn mửa, cơ thể bị mất nước kèm muối và các chất điện giải khác. Uống nước muối sinh lý giúp bù nước và điện giải cho cơ thể. Một số người cần truyền muối biển để bù muối kịp thời.

Nước muối có tác dụng gì trong làm đẹp?

Bên cạnh những công dụng tuyệt vời trong y tế, nước muối còn là một "thần dược" tự nhiên trong làm đẹp, giúp bạn sở hữu làn da khỏe mạnh và mái tóc óng mượt. Trong chăm sóc tóc, nước muối giúp loại bỏ gàu và làm sạch da đầu, giảm ngứa và kích ứng da đầu. Nước muối giúp cân bằng độ pH của da đầu, giúp tóc chắc khỏe và óng mượt hơn.

Nước muối có tác dụng gì? Lưu ý khi dùng nước muối hàng ngày 3
Nước muối có tác dụng gì đến đây bạn đã biết rồi chứ?

Trong chăm sóc da, nước muối giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết trên da, làm thông thoáng lỗ chân lông. Các ion trong nước muối có tác dụng se khít lỗ chân lông, giúp da săn chắc và mịn màng hơn. Nước muối có tính kháng khuẩn, giúp làm giảm tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ do mụn gây ra. Đồng thời, nó còn giúp làm dịu da bị kích ứng, giảm ngứa và bong tróc.

Lưu ý khi sử dụng nước muối hàng ngày

Mặc dù nước muối mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Nồng độ muối ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng nước muối. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, chúng ta cần pha nước muối với nồng độ phù hợp. Ví dụ: Nước muối sinh lý (0,9%) thường được sử dụng để nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa vết thương, trong khi nước muối đậm đặc hơn có thể được sử dụng để ngâm chân hoặc làm sạch, sát trùng.
  • Không nên tự ý sử dụng nước muối cho các vết thương hở lớn, đặc biệt là các vết thương sâu hoặc nhiễm trùng.
  • Nếu sử dụng nước muối quá đậm đặc hoặc thời gian sử dụng quá lâu có thể gây kích ứng da, nổi mẩn đỏ.
  • Lạm dụng nước muối có thể gây rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể. Một số trường hợp muốn truyền nước muối cần có chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn.
Nước muối có tác dụng gì? Lưu ý khi dùng nước muối hàng ngày 4
Truyền nước muối cần có chỉ định của bác sĩ

Ai cần hạn chế dùng nước muối qua đường uống?

Ngoài tìm hiểu nước muối có tác dụng gì, bạn cũng nên biết mình có thuộc nhóm đối tượng cần hạn chế tiêu thụ nước muối qua đường uống hay không. Một số nhóm người cần đặc biệt chú ý đến việc hạn chế muối trong chế độ ăn uống của mình bao gồm:

  • Người mắc bệnh tim mạch như cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim nên hạn chế dùng nước muối đường.
  • Ở người suy thận, thận không thể loại bỏ hết lượng natri dư thừa, gây tích tụ nước trong cơ thể, tăng huyết áp và làm nặng thêm tình trạng bệnh thận.
  • Việc tiêu thụ nhiều nước muối có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận nên người có sỏi thận cũng cần hạn chế tiêu thụ nước muối.
  • Ở bệnh nhân xơ gan, gan bị tổn thương làm giảm khả năng điều hòa lượng natri trong cơ thể, dẫn đến phù nề. Họ không nên uống nước muối.

Qua những thông tin trên đây, có lẽ bạn đã biết nước muối có tác dụng gì. Nước muối mang đến những công dụng tuyệt vời trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Hãy tận dụng những lợi ích mà nước muối mang lại để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình một cách tốt nhất. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, chúng ta cần sử dụng nước muối chuẩn khoa học. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin