Phác đồ điều trị gout và một số lưu ý về thay đổi lối sống cho bệnh nhân gout
Ngày 07/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh gout, một dạng viêm khớp phổ biến, ngày càng trở thành mối lo ngại lớn đối với nhiều người. Đặc trưng bởi những cơn đau nhói và sưng tấy ở các khớp, gout không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, việc áp dụng đúng phác đồ điều trị gout là rất cần thiết.
Phác đồ điều trị gout đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, ngăn ngừa các đợt tái phát và bảo vệ các khớp khỏi tổn thương lâu dài. Phác đồ này thường bao gồm các phương pháp điều trị y tế, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý. Hiểu và áp dụng đúng phác đồ điều trị không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị độc giả thông tin chi tiết về phác đồ này.
Mục tiêu của phác đồ điều trị gout
Mục tiêu chung trong điều trị gout bao gồm:
Giảm nhanh triệu chứng của cơn gout cấp bằng các biện pháp không dùng thuốc như chườm lạnh và sử dụng thuốc kháng viêm.
Dự phòng tái phát các cơn gout cấp lâu dài bằng cách duy trì nồng độ acid uric trong máu ở mức cho phép.
Mục tiêu điều trị cho cơn gout cấp tính là giảm đau nhanh chóng và hiệu quả, duy trì chức năng khớp, ngăn ngừa biến chứng, tránh các phản ứng có hại khi điều trị, đảm bảo điều trị kinh tế-hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Mục tiêu điều trị dự phòng tái phát (hay điều trị tăng acid uric máu) là làm giảm đáng kể nồng độ acid uric trong máu, giảm khả năng kết tinh acid uric tại khớp và mô mềm.
Phác đồ điều trị gout hiện nay
Một số thuốc điều trị gout cấp trong phác đồ điều trị gout bao gồm:
Colchicin: Colchicin có hiệu quả trong việc chống viêm và giảm đau do gout cấp và mạn tính. Tuy nhiên, khi sử dụng colchicin trong phác đồ điều trị gout cấp, cần lưu ý không nên dùng liều cao vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Có thể sử dụng các NSAIDs không cần kê đơn như ibuprofen và naproxen, hoặc các NSAIDs mạnh hơn như indomethacin và celecoxib, cần có đơn thuốc từ bác sĩ. Lưu ý: Nhóm thuốc này chống chỉ định với người bị viêm loét dạ dày tá tràng và suy thận. NSAIDs có thể được sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp với colchicin trong phác đồ điều trị gout.
Corticoid: Được chỉ định để làm giảm viêm và đau trong phác đồ điều trị gout. Corticoid có thể được sử dụng đường uống cho tác dụng toàn thân, nhưng thường chỉ được dùng ngắn ngày và khi các thuốc khác không hiệu quả. Corticoid cũng có thể được tiêm vào khớp bị ảnh hưởng.
Ngoài điều trị các cơn đau cấp tính do gout gây ra, một số loại thuốc cũng được sử dụng để dự phòng các biến chứng:
Thuốc ức chế tổng hợp acid uric (febuxostat và allopurinol): Giúp cơ thể hạn chế sản sinh ra acid uric, thường được chỉ định khi tình trạng viêm khớp đã giảm, sau khoảng 1 đến 2 tuần sử dụng colchicin.
Thuốc tăng thải acid uric (probenecid): Được sử dụng để cải thiện khả năng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cần thận trọng vì probenecid có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đau dạ dày, sỏi thận.
Pegloticase: Đây là một loại porcine uricase - enzym được FDA chấp thuận để điều trị gout khi dùng các thuốc hạ acid uric không đạt được hiệu quả. Pegloticase có khả năng chuyển đổi urat kém tan sang dạng dễ tan hơn để bài tiết qua nước tiểu.
Các phương pháp điều trị gout được chỉ định tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và triệu chứng cụ thể. Bạn nên tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đối với điều trị cơn gout cấp, thì phác đồ sẽ dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), colchicin và corticoid (dạng uống, tiêm trong khớp hoặc tiêm bắp) là những lựa chọn hàng đầu trong điều trị cơn gout cấp.
Nếu bệnh nhân không thể sử dụng các thuốc dạng uống như NSAID, colchicin hoặc corticoid dạng uống, corticoid dạng tiêm (tiêm trong khớp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp) được khuyến cáo sử dụng. Chất ức chế IL-1 chỉ nên cân nhắc khi các thuốc trên bị chống chỉ định hoặc không đủ hiệu quả trong việc kiểm soát cơn gout cấp.
Trong trường hợp cơn gout cấp ảnh hưởng nhiều khớp, đặc biệt là các khớp lớn, colchicin có thể được dùng kết hợp với NSAID hoặc corticoid dạng uống. Chú ý: Việc phối hợp NSAID và corticoid toàn thân cần được tránh vì có thể làm tăng độc tính trên dạ dày.
Một số lưu ý về thay đổi lối sống cho bệnh nhân gout
Dưới đây là một số lưu ý về thay đổi lối sống cho bệnh nhân gout:
Ăn những thực phẩm chứa ít purin: Nên tiêu thụ các thực phẩm chứa dưới 50% purin như thịt lợn nạc, lườn gà, trứng, sữa ít béo. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có chức năng đào thải axit uric như cherry, dâu tây, cải bẹ xanh, cam, và lá sake.
Hạn chế tiêu thụ thịt, tôm, cá: Người có trọng lượng dưới 50kg nên ăn không quá 100g, trong khi người từ 60kg trở lên không nên ăn quá 150g mỗi ngày.
Chất béo: Nên sử dụng các loại dầu như dầu oliu, dầu lạc, và dầu vừng. Hạn chế hoặc tránh dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, thực phẩm chiên rán và mỡ động vật.
Tinh bột và carbohydrate: Những thực phẩm chứa tinh bột và carbohydrate như mì, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc và gạo là quan trọng vì chúng chứa lượng purin an toàn và giúp giảm nồng độ acid uric trong nước tiểu.
Cách chế biến: Ưu tiên các món hấp, luộc và hạn chế món chiên, xào nhiều dầu mỡ.
Uống nước: Uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric, nên uống nước khoáng kiềm và đảm bảo lượng nước tối thiểu 40ml/kg cân nặng mỗi ngày.
Vitamin C: Bổ sung 500 - 1000mg vitamin C hàng ngày.
Giảm cân từ từ: Giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Tuy nhiên, việc giảm cân quá nhanh có thể dẫn đến hình thành sỏi thận và tinh thể trong cơ thể, gây đau khớp. Hãy giảm cân một cách hợp lý và khoa học thông qua chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với vận động thể chất phù hợp.
Nghỉ ngơi khi cơn gout cấp xuất hiện: Khi cơn gout cấp gây đau khớp nghiêm trọng, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động để tránh làm khớp viêm nặng hơn. Dành thời gian nghỉ ngơi là cách quan trọng để giảm đau và ngăn ngừa tình trạng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ: Khi thăm khám, bệnh nhân nên trao đổi chi tiết với bác sĩ về các triệu chứng gặp phải và tần suất của các cơn gout cấp. Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc chống viêm không steroid dạng uống và corticoid tiêm trực tiếp vào khớp. Những loại thuốc này giúp giảm sưng tấy và đau hiệu quả do gout.
Việc áp dụng đúng phác đồ điều trị gout là chìa khóa để quản lý và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh gout hiệu quả. Phác đồ điều trị không chỉ bao gồm việc sử dụng các loại thuốc chống viêm và giảm đau mà còn cần kết hợp với thay đổi lối sống hợp lý và chế độ ăn uống khoa học. Tuân thủ phác đồ điều trị gout, theo dõi tình trạng sức khỏe định kỳ, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tái phát, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cá nhân của bạn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.