Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phù do suy tim: Cơ chế sinh bệnh, đặc điểm và phương pháp điều trị

Ngày 21/08/2023
Kích thước chữ

Suy tim là một hội chứng lâm sàng rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trong các bệnh lý có liên quan đến tim mạch. Tình trạng suy tim gây ra nhiều triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, ứ dịch, phù… Trong đó, phù do suy tim là triệu chứng điển hình ở những bệnh nhân tim mạch.

Phù do suy tim còn được gọi với cái tên là phù do ứ máu. Tình trạng này xảy ra do sự tăng áp lực của tĩnh mạch chủ đến các tĩnh mạch ngoại biên, khiến cho thành mạch bị tổn thương làm tăng tính thấm của thành mạch và gây phù. Vậy bệnh phù tim có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị cho bệnh phù do suy tim như thế nào?

Cơ chế sinh bệnh phù do suy tim

Suy tim là một hội chứng lâm sàng xảy ra khi tim bị suy yếu khiến cho cung lượng tim không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho quá trình chuyển hóa ở các mô trong cơ thể. Từ đó gây ra các triệu chứng mệt, khó thở cả khi nghỉ ngơi và vận động, ứ dịch, giảm vận động, phù chân, phù phôi…

Phù do suy tim là một triệu chứng rất phổ biến và hay gặp trên lâm sàng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ. Có 2 cơ chế chính gây ra bệnh phù do suy tim, cụ thể là:

Phù do suy tim liên quan đến khả năng bơm và hút máu bị suy giảm

Khi tim bị suy, chức năng co bóp của tim sẽ kém đi khiến cho một bên hoặc cả hai bên tâm thất bị giảm khả năng bơm máu. Đồng thời, làm giảm khả năng hút máu từ các cơ quan khác trong cơ thể về tim. Lúc này, một lượng máu sẽ bị ứ đọng tại các tĩnh mạch ngoại biên, dẫn đến thành mạch máu bị tổn thương khiến cho dịch thoát ra các mô xung quanh và gây ra tình trạng phù nề.

Tình trạng phù do suy tim thường biểu hiện rõ nhất ở mắt cá chân, cẳng chân và bàn chân. Ngoài ra, tình trạng phù cũng có thể biểu hiện ở phổi hoặc bụng, khiến cho người bệnh thường xuyên thấy khó thở.

Phù do suy tim: Cơ chế sinh bệnh, đặc điểm và phương pháp điều trị 1
Phù do suy tim có liên quan đến khả năng bơm máu đi và hút máu về tim bị suy giảm

Phù do suy tim liên quan đến chức năng thận bị giảm khả năng đào thải

Khi tim hoạt động kém hiệu quả khiến cho lưu lượng máu giàu oxy cung cấp và nuôi dưỡng các cơ quan không đủ, trong đó có cả thận. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương cho thận, làm giảm khả năng đào thải dịch và các chất độc tố ra khỏi cơ thể. Và đây chính là một trong những yếu tố gây phù do suy tim, khiến người bệnh tăng cân.

Đặc điểm của phù do suy tim so với phù do các bệnh lý khác

Dưới đây là những đặc điểm phù do suy tim để giúp người bệnh có thể phân biệt được với tình trạng phù do các bệnh lý khác, cụ thể như sau:

  • Tình trạng phù do suy tim có những đặc điểm tương đối điển hình như tính chất phù là phù mềm, màu trắng, ấn lõm và không đau.
  • Bệnh phù thường biểu hiện khởi đầu ở 2 chi dưới, phù không rõ ràng và hay gặp ở mắt cá chân 2 bên. Đôi khi, dấu hiệu phù ở bàn chân được người bệnh nhận thấy khi mang giày, dép chật hơn so với bình thường.
  • Triệu chứng phù do suy tim thường xuất hiện về chiều hoặc khi người bệnh đứng lâu và sẽ giảm dần khi ho nằm xuống nghỉ ngơi. Biểu hiện phù trong suy tim cũng có thể xuất hiện vào sáng sớm khi người bệnh vừa ngủ dậy.
  • Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng hơn, dấu hiệu phù sẽ rõ ràng hơn, mức độ và vị trí phù tăng lên, đôi khi người bệnh có thể bị phù toàn thân và xuất hiện cả ngày. Tình trạng phù sẽ không thuyên giảm nếu không được điều trị.
  • Bên cạnh đó, ngoài triệu chứng phù, bệnh nhân suy tim còn gặp phải nhiều triệu chứng điển hình khác trong suy tim như khó thở khi gắng sức và khi nằm đầu thấp. Ở giai đoạn muộn của bệnh, người bệnh sẽ thấy khó thở thường xuyên hơn ngay cả khi nghỉ ngơi, mệt mỏi thường xuyên, tĩnh mạch cổ nổi, ho khan
Phù do suy tim: Cơ chế sinh bệnh, đặc điểm và phương pháp điều trị 2
Phù do suy tim có tính chất là phù mềm, ấn lõm không đau

Điều trị tình trạng phù do suy tim như thế nào?

Bệnh phù tim có nguy hiểm không? Câu trả lời là có, tuy nhiên bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được. Tình trạng phù do suy tim sẽ càng làm tăng áp lực hơn cho tim, dẫn đến trái tim phải hoạt động với cường độ cao hơn và khiến cho bệnh suy tim càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vòng tuần hoàn này sẽ lặp lại liên tục và gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, điều trị tình trạng phù trong bệnh suy tim là việc rất quan trọng và cần thiết, bao gồm việc sử dụng thuốc thuốc cũng như thay đổi lối sống.

Dùng thuốc lợi tiểu

Bệnh nhân bị phù do suy tim cần phải sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị. Theo các nghiên cứu, thuốc lợi tiểu có tác dụng giúp giảm triệu chứng phù và là loại thuốc được lựa chọn hàng đầu trong phác đồ điều trị bệnh suy tim.

Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tăng khả năng bài tiết nước tiểu ở thận, từ đó giúp người bệnh loại bỏ bớt được lượng dịch cũng như lượng muối dư thừa trong cơ thể ra bên ngoài. Bên cạnh đó, thuốc lợi tiểu còn có tác dụng ức chế quá trình tái hấp thu natri và nước tại ống thận, kháng lại hormon aldosteron, nhờ đó hạn chế được tình trạng dư thừa dịch trong cơ thể.

Chỉ định của mỗi loại thuốc lợi tiểu là khác nhau, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của từng đối tượng cụ thể mà đưa ra loại thuốc phù hợp hoặc kết hợp thuốc với nhau khi cần. Các nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng gồm có:

  • Lợi tiểu quai: Indapamid, Furosemid…
  • Lợi tiểu Thiazid: Hydrochlorothiazide, Chlorothiazide…
  • Lợi tiểu kháng aldosteron: Spironolacton, Triamterene…

Thuốc lợi tiểu sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn gây ảnh hưởng đến các chất điện giải như tăng hoặc hạ kali. Thuốc lợi tiểu nên được sử dụng vào buổi sáng, hạn chế dùng vào buổi tối để tránh gây ra tình trạng tiểu đêm, khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc lợi tiểu gây hạ kali máu (nhóm lợi tiểu quai và nhóm lợi tiểu Thiazid) thì người bệnh cần bổ sung các loại thực phẩm giàu kali trong chế độ ăn uống. Một số thực phẩm giàu kali như cải bắp, cải bó xôi, súp lơ…

Khi sử dụng nhóm thuốc lợi tiểu kháng aldosteron sẽ gây ra hiện tượng tăng Kali máu, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu kali và nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, cá, sữa, phô mai… để bảo vệ tế bào cơ tim khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa các bệnh tim mạch khác.

Phù do suy tim: Cơ chế sinh bệnh, đặc điểm và phương pháp điều trị 3
Furosemid là thuốc lợi tiểu thường được dùng cho bệnh nhân phù do suy tim

Chế độ ăn hạn chế muối

Bản chất của muối là natri, do đó việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng tình trạng giữ nước trong cơ thể, phù sẽ càng rõ ràng hơn. Chính vì thế, hạn chế tối đa lượng muối được đưa vào cơ thể là một trong những yêu cầu tiên quyết trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân suy tim.

Bệnh nhân suy tim nên ưu tiên chế biến món ăn bằng phương pháp luộc hoặc hấp, chủ động ăn nhiều thịt cá, rau xanh, hoa quả tươi… Đồng thời, hạn chế các món ăn mặn, chứa nhiều gia vị như đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp, dưa muối, cà muối, các loại mắm…

Tập luyện thể dục - thể thao vừa sức

Phù do suy tim là tình trạng ứ trệ dịch tuần hoàn trong cơ thể. Do đó, người bệnh nên tăng cường vận động, hoạt động thể chất nhằm lưu thông tuần hoàn trong khắp cơ thể.

Tuy nhiên, người bệnh bị suy tim chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức như yoga, đạp xe, đi bộ… Không nên luyện tập quá sức để tránh tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.

Phù do suy tim: Cơ chế sinh bệnh, đặc điểm và phương pháp điều trị 4
Tập luyện vừa sức giúp lưu thông tuần hoàn trong cơ thể và cải thiện tình trạng phù

Tóm lại, phù do suy tim là một tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh cần được điều trị thích hợp để giảm triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Nếu việc dùng thuốc và thay đổi lối sống mà tình trạng phù không thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác thì người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ điều trị thích hợp nhất nhằm hạn chế suy tim nặng hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.