Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến hiện nay

Ngày 19/05/2024
Kích thước chữ

Có nhiều bệnh và tình trạng khác nhau gây ra đau nhức các khớp ở tay, chân cũng như các vị trí khác trên cơ thể, một trong số đó có thể kể đến viêm khớp vảy nến. Vậy làm thế nào để chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến?

Viêm khớp vảy nến là một bệnh mãn tính, không đồng nhất, cơ chế bệnh sinh chưa được biết rõ, mặc dù các yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch đóng vai trò chính. Viêm khớp vảy nến có thể diễn biến lâm sàng thuyên giảm một thời gian và việc phân biệt nó với các bệnh khớp khác đôi khi rất khó khăn. Việc chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến hiện nay vẫn còn là một thách thức trong y khoa và bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề trên.

Cần làm gì để chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến?

Viêm khớp vảy nến có thể được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm như các loại viêm khớp khác và thường được xem như là một chẩn đoán loại trừ. Tuy nhiên, viêm khớp vảy nến có những đặc điểm và triệu chứng đặc biệt giúp bác sĩ của bạn đưa ra chẩn đoán chính xác. Các triệu chứng sau có thể có trên người bị viêm khớp vảy nến:

  • Mệt mỏi toàn thân.
  • Đau, sưng tấy ở gân và dây chằng.
  • Ngón tay và ngón chân bị sưng.
  • Cứng, đau, nhức, sưng và đau ở một hoặc nhiều khớp.
  • Phạm vi chuyển động giảm.
  • Cứng khớp buổi sáng.
  • Đỏ và đau mắt, chẳng hạn như viêm kết mạc.
Thách thức trong chẩn đoán và điều trị viêm khớp vẩy nến 1
Các khớp bị ảnh hưởng trong viêm khớp vảy nến

Trong quá trình khám, để chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến, bác sĩ có thể:

  • Kiểm tra các khớp xem có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ hoặc đau không.
  • Kiểm tra móng tay của bạn xem có bị rỗ trên bề mặt (dấu đinh ghim) hay dấu giọt dầu), bong tróc, móng ngả màu vàng, dày dễ mủn và các dấu hiệu bất thường khác không.
  • Nhấn vào lòng bàn chân và xung quanh gót chân để kiểm tra các khu vực nhạy cảm để khám thần kinh cảm giác.

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác định chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến. Nhưng một số loại xét nghiệm có thể loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút.

Xét nghiệm về hình ảnh

Một số xét nghiệm hình ảnh dùng để chẩn đoán viêm khớp vảy nến có thể kể đến như:

  • Chụp X-quang: Có thể giúp xác định chính xác những thay đổi ở khớp xảy ra trong bệnh viêm khớp vảy nến nhưng không xảy ra trong các tình trạng viêm khớp khác.
  • MRI: Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của cả mô cứng và mô mềm trong cơ thể. MRI có thể được sử dụng để kiểm tra các vấn đề về gân và dây chằng ở bàn chân và lưng của bạn.

Xét nghiệm khác

Ngoài những xét nghiệm về hình ảnh, một số xét nghiệm khác có thể được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán viêm khớp vảy nến như:

  • Yếu tố thấp khớp (RF): Yếu tố gây viêm khớp dạng thấp (RF) là một kháng thể thường có trong máu của những người bị viêm khớp dạng thấp nhưng thường không có trong máu của những người bị viêm khớp vảy nến. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ phân biệt giữa hai tình trạng trên.
  • Kiểm tra chất lỏng khớp, dịch khớp: Sử dụng kim để bác sĩ có thể lấy một mẫu chất lỏng nhỏ ra khỏi một trong các khớp bị ảnh hưởng, thường là đầu gối. Tinh thể axit uric trong dịch khớp có thể cho thấy bạn bị bệnh gút chứ không phải viêm khớp vảy nến. Cũng có trường hợp đồng mắc cả bệnh gút và viêm khớp vảy nến.

Điều trị viêm khớp vẩy nến bằng cách nào?

Không có cách chữa trị nào cho bệnh viêm khớp vảy nến. Điều trị tập trung vào việc kiểm soát tình trạng viêm ở các khớp bị ảnh hưởng để ngăn ngừa đau khớp và tàn tật cũng như kiểm soát vấn đề bong tróc ở da. Một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc theo toa gọi là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD).

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khớp nào bị ảnh hưởng. Bạn có thể phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm được phương pháp điều trị giúp bạn giảm đau, hiệu quả và ít tác dụng phụ.

Thách thức trong chẩn đoán và điều trị viêm khớp vẩy nến 2
Điều trị viêm khớp vảy nến bằng thuốc

Các loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp vảy nến bao gồm:

  • NSAID: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm viêm cho những người bị viêm khớp vảy nến nhẹ. Các thuốc NSAID bao gồm ibuprofen và naproxen natri. Các tác dụng phụ có thể bao gồm kích ứng dạ dày, các vấn đề về tim và tổn thương gan và thận.
  • Thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh thông thường (DMARD): Những loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến và giúp các khớp cũng như các mô khác khỏi bị tổn thương vĩnh viễn. Thuốc được sử dụng phổ biến nhất là methotrexate, những loại khác bao gồm leflunomide và sulfasalazine. Các tác dụng phụ có thể bao gồm tổn thương gan, ức chế tủy xương, viêm phổi và xơ hóa phổi.
  • Tác nhân sinh học: Còn được gọi là chất điều chỉnh phản ứng sinh học, nhắm vào các con đường khác nhau của hệ thống miễn dịch bao gồm adalimumab, certolizumab, etanercept, golimumab, Infliximab, ustekinumab, secukinumab, ixekizumab, guselkumab và abatacept. Những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • DMARD tổng hợp trúng đích: Tofacitinib (Xeljanz) có thể được sử dụng nếu DMARD thông thường và tác nhân sinh học không có hiệu quả. Liều tofacitinib cao hơn có thể làm tăng nguy cơ đông máu trong phổi, các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim và ung thư.
  • Thuốc uống mới hơn như Apremilast: Làm giảm hoạt động của một loại enzyme trong cơ thể kiểm soát hoạt động viêm trong tế bào. Apremilast được sử dụng cho những người bị viêm khớp vảy nến nhẹ đến trung bình không muốn hoặc không thể điều trị bằng DMARD hoặc tác nhân sinh học. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và đau đầu.

Phẫu thuật và các phương thức điều trị khác

Phục hồi chức năng và tập vật lý trị liệu có thể giảm đau và giúp thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn. Liệu pháp xoa bóp cũng có thể giúp giảm đau cho bệnh nhân. Ngoài ra, tiêm steroid vào khớp bị ảnh hưởng cũng là một cách trị liệu giúp làm giảm viêm và giảm đau tại khớp.

Phẫu thuật thay khớp sẽ được cân nhắc khi bệnh nhân có khớp bị tổn thương nặng do viêm khớp vảy nến, có thể thay thế bằng khớp nhân tạo làm bằng kim loại và nhựa để phục hồi khớp, khắc phục tổn thương trên.

Thách thức trong chẩn đoán và điều trị viêm khớp vẩy nến 3
Có nhiều cách để chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến

Tóm lại, viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn, viêm mãn tính đặc trưng bởi các khớp bị viêm, việc chẩn đoán và điều trị viêm khớp vảy nến vô cùng phức tạp. Nếu bạn có các triệu chứng đã đề cập ở trên hoặc nghi ngờ mình bị viêm khớp vảy nến, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhất. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin