Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phương pháp kéo giãn cột sống cổ và những điều cần biết

Ngày 20/02/2024
Kích thước chữ

Kéo giãn cột sống là gì? Những ai nên áp dụng và những ai không nên áp dụng phương pháp này? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây để tìm lời giải đáp cụ thể hơn nhé!

Kéo giãn cột sống cổ là phương pháp vật lý trị liệu được ứng dụng hiệu quả trong việc điều trị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau cổ vai gáy,... Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về phương pháp điều trị không cần dùng thuốc này nhé!

Phương pháp kéo giãn cột sống cổ là gì?

Phương pháp kéo dãn cột sống đã có lịch sử phát triển lâu đời từ giữa thế kỷ 18. Lần đầu tiên vào năm 1862, Edwin Smith đã áp dụng kỹ thuật này với mục đích điều chỉnh cột sống cổ bị biến dạng, lệch vẹo do còi xương. Đây là bước tiến quan trọng, mở ra hướng đi mới cho việc điều trị các vấn đề liên quan đến cột sống. Sau đó vào năm 1933, W. Gayle Crutchfield đã tiếp tục phát triển và mở rộng phương pháp này.

Phương pháp kéo giãn cột sống cổ và những điều cần biết 4
Phương pháp kéo dãn cột sống đã có lịch sử phát triển từ rất lâu đời

Ngày nay, kỹ thuật kéo giãn cột sống đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi trong việc điều trị và bảo tồn đối với những bệnh lý liên quan đến cột sống. Phương pháp này mang lại một số tác dụng như:

  • Giảm áp lực lên cột sống cổ: Thao tác kéo dãn cột sống giúp mở rộng khoảng cách giữa các đốt sống. Từ đó sẽ làm giảm áp lực và tạo ra không gian để tăng tính di động của cột sống.
  • Thư giãn cơ và mô mềm: Lực kéo giãn làm mềm và thư giãn cơ bắp, gân, dây chằng, giúp giảm đau và khả năng di chuyển của bệnh nhân.
  • Giảm áp lực lên dây thần kinh: Bằng cách giảm áp lực lên cột sống, kỹ thuật này cũng đồng thời giúp giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó làm giảm kích thích lên dây thần kinh, giảm đau và tăng tuần hoàn máu.
  • Giảm tình trạng phình lồi đĩa đệm: Kéo giãn cột sống giúp giảm áp lực lên đĩa đệm, cải thiện tình trạng thoát vị và giảm tình trạng phình lồi đĩa đệm gây ra sự chèn ép lên các cấu trúc lân cận.

Các phương pháp kéo giãn cột sống cổ phổ biến hiện nay

Dưới đây là một số phương pháp kéo giãn cột sống cổ phổ biến mà bạn có thể tham khảo như:

Kéo giãn cột sống cổ liên tục

Kéo giãn cột sống cổ liên tục là kỹ thuật mà lực kéo không có sự thay đổi trong suốt thời gian kéo. Ưu điểm của hình thức này là phương tiện kéo giãn đơn giản, dễ dàng áp dụng ở nhiều nơi và có chi phí khá rẻ.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khó xác định được lực kéo phù hợp với thể trạng của người bệnh. Nếu lực kéo ban đầu được chọn vừa đủ, sau đó nó có thể trở nên nặng hơn. Ngược lại, nếu chọn lực kéo ban đầu vừa phải, thì lực kéo đó có thể không đủ để mang lại hiệu quả ở giai đoạn đầu tiên.

Phương pháp kéo giãn cột sống cổ và những điều cần biết 2
Kéo giãn cột sống cổ liên tục sẽ không có sự thay đổi lực trong suốt thời gian kéo

Kéo giãn cột sống cổ liên tục bao gồm có hình thức như kéo bằng lực tự trọng, kéo bằng lực đối trọng hoặc kết hợp với thủy trị liệu.

Kéo giãn cột sống cổ dạng xung lực

Kéo giãn cột sống dạng xung lực là kỹ thuật dựa trên hai loại lực chính là lực nền và lực kéo. Trong quá trình kéo giãn, lực nền cần được duy trì. Sau đó, lực kéo được tăng lên trong một thời gian ngắn trước khi trở lại lực nền. Phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, phù hợp với thể trạng của từng người bệnh và đảm bảo an toàn.

Với kỹ thuật kéo giãn cột sống cổ, lực nền tối thiểu phải đạt 10% so với trọng lượng cơ thể của người bệnh. Lực kéo cần lớn hơn lực nền và tăng dần qua mỗi lần kéo tiếp theo, với mức lực kéo khởi đầu ở khoảng 20% rồi tăng dần và tối đa không quá 30% so với trọng lượng của cơ thể.

Thời gian duy trì lực kéo hoặc lực nền từ 15 - 30 giây. Độ dốc lên và xuống phải được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý. Nếu người bệnh bị đau cấp tính, lực kéo cần được điều chỉnh tăng hoặc giảm từ từ.

Thời gian mỗi lần kéo cần được tăng lên qua từng buổi, từ 15 - 25 phút và chỉ nên kéo tối đa 2 lần/ngày. Sau khi kéo giãn, người bệnh cần phải nằm nghỉ ít nhất 30 phút trước khi đứng dậy.

Lưu ý: Lực kéo và thời gian kéo được đề xuất ở trên chỉ là ước tính và bác sĩ sẽ điều chỉnh quy trình kéo giãn cột sống cổ phù hợp với từng trường hợp cụ thể của người bệnh.

Đối tượng nên và không nên áp dụng phương pháp kéo giãn cột sống cổ

Phương pháp kéo giãn cột sống cổ có thể áp dụng trong một số trường hợp như:

  • Thoái hóa cột sống đi kèm hội chứng thoát vị đĩa đệm nặng (vẹo cổ và có phản ứng cơ);
  • Thoái hóa cột sống đi kèm hội chứng rễ thần kinh;
  • Thoái hóa cột sống đi kèm với hội chứng cơ thang;
  • Thoái hóa cột sống đi kèm với hội chứng bả vai - cánh tay;
  • Thoái hóa cột sống sau chấn thương (trừ trường hợp bị gãy đốt trục và đốt đội);
  • Thoái hóa cột sống đi kèm với hội chứng động mạch sống và có triệu chứng lâm sàng ở mức vừa;
  • Thoái hóa cột sống đi kèm với hội chứng tim và những hội chứng nội tạng khác.
Phương pháp kéo giãn cột sống cổ và những điều cần biết 3
Phương pháp kéo giãn cột sống cổ có thể áp dụng trong nhiều trường hợp

Bên cạnh đó, phương pháp này thường chống chỉ định đối với các trường hợp như sau:

  • Tủy bị chèn ép và bị tổn thương, bệnh về ống tủy;
  • Người bị lao cột sống, u ác tính và viêm tấy áp xe ở vùng lưng;
  • Người bị bệnh loãng xương, cao huyết áp giai đoạn 2 và 3, cơ cứng động mạch não;
  • Người bị chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng;
  • Người bị viêm đa khớp dạng thấp và hội chứng đuôi ngựa;
  • Người bị thoái hóa cột sống, viêm cột sống dính khớp có các cầu xương nối với các đốt sống;
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang có kinh nguyệt;
  • Cơn đau tăng lên đi kèm với chóng mặt sau khoảng 1 - 2 lần kéo giãn.

Nhìn chung, kéo giãn cột sống cổ là phương pháp điều trị bảo tồn không dùng thuốc với những bệnh lý liên quan đến cột sống. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích mà không cần phải xâm lấn đến cơ thể của người bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin