Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào hiệu quả và an toàn nhất

Ngày 17/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân. Thoát vị đĩa đệm cổ có thể gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để giúp người bệnh thoát khỏi cảm giác khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Thoát vị đĩa đệm cổ là một vấn đề lâm sàng quan trọng và gây nhiều khó khăn cho người bệnh. Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cổ, các triệu chứng và cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ?

Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cổ thường xuất phát từ các yếu tố sau đây:

  • Tuổi tác: Sự hao mòn của đĩa đệm cổ theo thời gian là một nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị. Đối với người trẻ, đĩa đệm chứa nhiều nhân nhầy, nhưng khi họ lớn tuổi, lượng nhân nhầy này giảm đi, làm cho đĩa đệm trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương khi có các chuyển động hoặc vặn cổ.
  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị thoát vị đĩa đệm cổ, người khác trong gia đình có khả năng cao mắc bệnh này do yếu tố di truyền.
  • Lối sống không lành mạnh: Thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, thiếu vận động và dinh dưỡng không đủ cũng góp phần làm suy giảm sức khỏe đĩa đệm cổ. Mọi người cần tránh xa hoặc từ bỏ những thói quen xấu này.
  • Chấn thương hoặc tai nạn: Các lực lớn tác động vào cột sống có thể gây thoát vị đĩa đệm cổ. Những chất nhầy bên trong đĩa đệm có thể bị đẩy ra ngoài, gây chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ thần kinh xung quanh.
  • Tư thế sai: Tư thế sai cùng với vận động không phù hợp có thể tạo áp lực lớn lên cột sống cổ. Người lao động bốc vác hoặc phải chịu lực lớn lên cột sống cổ cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào hiệu quả và an toàn nhất 1
Thoát vị đĩa đệm cổ là một vấn đề lâm sàng quan trọng và gây nhiều khó khăn cho người bệnh

Các dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Các dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể diễn tiến theo từng cấp độ khác nhau. Dưới đây là mô tả về các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:

  • Đau nhức cổ diện rộng, thường bắt đầu ở một hoặc hai đốt sống cổ rồi lan tới vùng bả vai, cánh tay hoặc sau đầu.
  • Tê tay và chân, khối thoát vị có thể gây tê từ cổ ra toàn thân, sau đó lan đến cánh tay.
  • Hạn chế vận động của cổ và cánh tay, khó cúi ngửa hoặc quay cổ.
  • Yếu cơ, có thể khiến người bệnh đi lại không vững và dáng đi xiêu vẹo.
  • Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như đau ở một bên lồng ngực, táo bón, khó tiêu, khó thở.

Nhận biết sớm các triệu chứng và xác định bằng các xét nghiệm cận lâm sàng là quan trọng để bệnh nhân có thể được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tốt nhất hiện nay là gì?

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể được tiến hành thông qua các phương pháp nội khoa vật lý trị liệu và phẫu thuật. Dưới đây là mô tả chi tiết về các phương pháp điều trị:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm, làm mềm cơ, giảm đau thần kinh: Dùng để giảm triệu chứng đau và viêm.
  • Corticoid kết hợp vật lý trị liệu: Được sử dụng trong trường hợp nặng kèm theo vật lý trị liệu để giảm viêm và đau.

Vật lý trị liệu

Bệnh nhân sẽ được áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu: Sóng ngắn, sóng dài, siêu âm, xoa bóp và kéo giãn cột sống cổ. Các phương pháp này giúp giảm đau, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu và làm giảm căng thẳng cơ.

Lưu ý: Không tự ý thực hiện kéo giãn tại nhà hoặc ở những nơi không có giấy phép về tập phục hồi chức năng để tránh chấn thương.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào hiệu quả và an toàn nhất 2
Kéo giãn cột sống cổ giúp giảm đau, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu và làm giảm căng thẳng cơ

Điều trị ngoại khoa

Sau 6 - 8 tuần điều trị nội khoa không hiệu quả các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị sau đây:

Phẫu thuật lấy đĩa đệm lối trước:

  • Lấy đĩa đệm lối trước: Loại bỏ đĩa đệm và kèm hàn xương liên thân đốt, có hoặc không có nẹp cổ trước.
  • Sử dụng đĩa đệm động tạo hình khớp đốt sống cổ: Thay thế đĩa đệm bị thoát vị bằng đĩa đệm nhân tạo.

Tiếp cận lối sau:

  • Giải ép bản sống lối sau: Mở lỗ giữa các đốt sống để giải phóng áp lực và tạo không gian cho dây thần kinh.
  • Giải ép bản sống lỗ khoá: Loại bỏ một phần nhỏ bản sống để giải phóng áp lực lên dây thần kinh.

Phẫu thuật cắt đĩa đệm, cố định, hàn xương liên thân đốt lối trước (ACDF):

  • Lợi ích: Loại bỏ chồi xương và đĩa đệm, hàn xương vào khoang đĩa đệm, làm vững cột sống và lấy thoát vị đĩa đệm.
  • Nhược điểm: Bất động tầng hàn xương có thể làm tăng chịu lực tầng kế cận.

Giải ép cột sống cổ lối sau:

  • Kỹ thuật này bao gồm cắt bỏ bản sống và mõm gai để làm rộng ống sống cổ.
  • Thường chỉ định trong các trường hợp bệnh lý đĩa đệm hay gai xương nhiều tầng kèm theo bệnh lý tủy sống hoặc thoát vị đĩa đệm nặng.

Mở lỗ liên hợp lối sau chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

  • Kỹ thuật này giải ép rễ thần kinh bằng việc tạo một lỗ nhỏ ở bản sống để làm rộng đường ra của rễ thần kinh.
  • Mở lỗ liên hợp lối sau thường được chỉ định cho những trường hợp bệnh lý một rễ thần kinh do mảnh rời đĩa đệm "mềm" phía sau bên chèn ép.
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào hiệu quả và an toàn nhất 3
Phẫu thuật là một trong những cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hiệu quả nhất

Những lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Các lưu ý sau đây do bác sĩ đề xuất có thể giúp bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và đảm bảo họ có một quá trình phục hồi tốt hơn:

  • Tránh nằm gối cao vừa phải và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ khi trời lạnh.
  • Bổ sung canxi, kẽm, vitamin D3 và K2 để cải thiện sức khỏe xương khớp.
  • Hạn chế xách vật nặng và uống đủ nước hàng ngày.
  • Sau điều trị, tránh ngồi quá lâu một chỗ và vận động cột sống cổ vài, tay.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng cách nào các bạn đã biết rồi phải không? Việc chăm sóc hậu phẫu và quyết định về phẫu thuật nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Sớm nhận được sự chẩn đoán và điều trị phù hợp có thể giúp người bệnh nhanh chóng giảm đau, tái khôi phục sự linh hoạt và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: Phương pháp mổ vi phẫu thoát vị đĩa đệm có những ưu điểm gì?

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm