Rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng không? Biện pháp điều trị bệnh
Ánh Vũ
09/04/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Rối loạn chuyển hóa là một vấn đề sức khỏe đang ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại trong xã hội hiện đại. Vậy rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng hay không? Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và giải đáp thắc mắc trên nhé!
Rối loạn chuyển hóa là một trong các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại, bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch và các vấn đề về xương khớp. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ làm rõ vấn đề rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng không và cung cấp thêm những thông tin để giúp các độc giả hiểu rõ hơn.
Tiêu chí chẩn đoán rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa là một nhóm các bệnh lý có liên quan đến quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng không hiệu quả, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hay đột quỵ. Cụ thể như sau:
Vùng bụng thừa cân: Vòng eo ở nam giới từ 102cm trở lên và từ 88cm ở nữ giới.
Chỉ số HDL-C trong máu: < 40 mg/dL đối với nam giới và < 50 mg/dL đối với nữ giới. HDL-C được xem là một loại cholesterol tốt, được hình thành từ lipid và protein, có tác dụng giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch và đột quỵ.
Triglyceride trong máu tăng: Từ 150 mg/dL trở lên lúc đói. Triglyceride là một loại chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chỉ số đường huyết khi đói: Nếu mức đường huyết lúc đói > 100 mg/dL trở lên thì được xem là tiền tiểu đường, nếu > 125 mg/dL thì được xem là tiểu đường type 2 do kháng insulin.
Huyết áp: Từ 130 mmHg trở lên đối với huyết áp tâm thu, từ 85 mmHg trở lên đối với huyết áp tâm trương.
Rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng
Các yếu tố được nêu trên đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và đột quỵ. Người có từ 3 yếu tố trở lên sẽ được chẩn đoán bị rối loạn chuyển hóa, từ đó cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc phải các bệnh lý được nêu trên. Tuy nhiên, có một thắc mắc được đưa ra rằng “Rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng không?”.
Rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng hay không?
Rối loạn chuyển hóa gây béo phì hay không? Theo các chuyên gia y tế cho biết, rối loạn chuyển hóa có mối liên hệ mật thiết với bệnh béo phì, tuy nhiên không hoàn toàn chính xác khi nói rằng rối loạn chuyển hóa gây béo phì.
Thực tế, tình trạng thừa cân hay béo phì chỉ được xem là một trong các yếu tố dẫn đến hiện tượng rối loạn chuyển hóa. Do đó, việc quản lý chặt chẽ trọng lượng cơ thể cũng như duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa. Vậy yếu tố nào làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa?
Nhiều người thắc mắc rối loạn chuyển hóa gây béo phì có đúng hay không
Yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra và những yếu tố này có thể tác động tích lũy hoặc kết hợp với nhau, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa và béo phì. Dưới đây là một số yếu tố chính làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, bao gồm:
Di truyền: Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các bệnh lý chuyển hóa. Nếu gia đình có người mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, hoặc cao huyết áp, nguy cơ mắc các vấn đề chuyển hóa và béo phì sẽ cao hơn. Các gen di truyền có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và khả năng cơ thể đốt cháy calo.
Lối sống thiếu vận động: Thói quen lười vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Khi cơ thể không được vận động đủ, khả năng tiêu hao năng lượng giảm đi, dẫn đến tình trạng tích trữ mỡ thừa và béo phì.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đường, và tinh bột tinh chế có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa. Những thực phẩm này làm gia tăng lượng đường trong máu, từ đó gây tăng cường tích lũy mỡ và giảm khả năng đốt cháy calo của cơ thể.
Bệnh lý nền: Một số bệnh lý như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa gây béo phì. Những bệnh lý này ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone hoặc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, khiến cơ thể dễ dàng tích tụ mỡ thừa.
Căng thẳng kéo dài: Tình trạng stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể, đặc biệt là cortisol, làm gia tăng cảm giác thèm ăn và làm giảm khả năng đốt cháy mỡ. Điều này có thể dẫn đến việc tăng cân và rối loạn chuyển hóa.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể kích thích việc ăn uống, từ đó dẫn đến tăng cân như thuốc loạn thần, chống trầm cảm, bệnh tự miễn…
Chế độ ăn uống không lành mạnh là yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Điều trị rối loạn chuyển hóa như thế nào?
Mặc dù không thể nói rối loạn chuyển hóa gây béo phì là hoàn toàn đúng nhưng béo phì được xem là một yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể. Do đó việc kiểm soát cân nặng để tránh nguy cơ béo phì là một trong những biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa. Đồng thời cần kết hợp với các biện pháp dưới đây để điều trị rối loạn chuyển hóa hiệu quả, cụ thể như sau:
Thay đổi lối sống
Một trong những phương pháp quan trọng nhất để điều trị rối loạn chuyển hóa là thay đổi lối sống. Những thay đổi này không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn giúp cải thiện chức năng chuyển hóa của cơ thể. Các yếu tố quan trọng trong thay đổi lối sống bao gồm:
Chế độ ăn uống hợp lý: Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối là điều kiện tiên quyết để điều trị rối loạn chuyển hóa. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và tinh bột tinh chế, đồng thời tăng cường rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, kiểm soát mức đường huyết và giảm mỡ thừa.
Tăng cường vận động thể chất: Vận động đều đặn không chỉ giúp đốt cháy calo mà còn cải thiện chức năng tim mạch và quá trình chuyển hóa. Các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc các bài tập tăng cường cơ bắp giúp tăng cường trao đổi chất, duy trì cân nặng lý tưởng và hỗ trợ sự cân bằng hormone trong cơ thể.
Giảm căng thẳng: Stress kéo dài có thể làm gia tăng mức cortisol trong cơ thể, dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và tích trữ mỡ. Các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, hít thở sâu và các hoạt động giải trí có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và hỗ trợ quá trình chuyển hóa hiệu quả hơn.
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quá trình chuyển hóa của cơ thể. Thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng đốt cháy calo và thay đổi hormone điều chỉnh cảm giác đói, dẫn đến tăng cân và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa.
Tăng cường vận động thể chất giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và quá trình chuyển hóa
Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, khi thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát rối loạn chuyển hóa hoặc các bệnh lý nền đã phát triển, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị. Thuốc được sử dụng để điều chỉnh các chỉ số sức khỏe, cải thiện khả năng chuyển hóa và giảm các yếu tố nguy cơ. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
Thuốc điều trị tiểu đường: Metformin là một trong những thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị tiểu đường type 2, giúp cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin và giảm mức đường huyết. Các thuốc khác như thiazolidinedione cũng có thể được chỉ định tùy theo tình trạng của người bệnh.
Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu:Statin hay Ezetimibe là các nhóm thuốc được sử dụng để giảm mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Những người có rối loạn chuyển hóa thường có mức cholesterol cao, vì vậy việc sử dụng statin có thể giúp giảm thiểu nguy cơ các bệnh lý tim mạch.
Thuốc điều trị béo phì: Trong trường hợp béo phì nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm cân để giúp giảm hấp thu chất béo trong đường tiêu hóa, từ đó hỗ trợ quá trình giảm mỡ thừa.
Thuốc điều trị huyết áp cao: Những người mắc rối loạn chuyển hóa thường có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Các thuốc như thuốc ức chế men chuyển (ACEi), thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta… có thể được sử dụng để kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Rối loạn chuyển hóa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch, huyết áp và đái tháo đường. Có nhiều yếu tố dẫn đến rối loạn chuyển hóa, bao gồm cả thừa cân - béo phì chứ không phải rối loạn chuyển hóa gây béo phì. Việc duy trì lối sống lành mạnh là biện pháp hạn chế nguy cơ dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm