Rối loạn giấc ngủ là tình trạng bất thường về thời gian cũng như chất lượng của giấc ngủ. Ngày nay, rối loạn giấc ngủ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, tình trạng này thường xảy ra sau độ tuổi 40. Nhưng hiện nay, càng ngày có càng nhiều người ở độ tuổi 20-30 đã bị rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ thường liên quan đến các bệnh lý hoặc do áp lực cuộc sống, công việc. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tại sao rối loạn giấc ngủ ở người trẻ ngày càng gia tăng?
Áp lực công việc, học tập
Cuộc sống hiện đại ngày nay luôn khiến người trẻ bận rộn với công việc, học hành. Họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, quay cuồng với công việc. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ.
Sử dụng điện thoại, máy tính thường xuyên
Sóng của điện thoại, máy tính có thể làm nhức, mỏi mắt,... dẫn tới khó ngủ, mất ngủ Thói quen sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,... trước khi đi ngủ đã trở nên phổ biến ở người trẻ. Đây là một thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Bởi vì sóng do điện thoại, máy tính gây ra có thể làm nhức, mỏi mắt,... dẫn tới khó ngủ, mất ngủ.
Không chỉ vậy, việc sử dụng điện thoại, máy tính một cách thường xuyên, trong thời gian dài còn có thể gây ảnh hưởng không tốt cho hệ thần kinh.
Sử dụng chất kích thích thường xuyên
Cà phê, trà, thuốc lá,... là những chất kích thích mà giới trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều. Nicotin có trong khói thuốc hay caffeeine trong cà phê có khả năng mang đến cảm giác hưng phấn, tỉnh táo cho cơ thể và ngăn cơn buồn ngủ tạm thời. Tuy nhiên, về lâu dài, đây lại chính là “kẻ thù” của não bộ và giấc ngủ, sinh ra chứng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học
Việc ăn quá no trước khi ngủ sẽ làm cho bạn khó ngủ hơn Việc thức khuya để học tập, làm việc hay chơi game sẽ khiến cơ thể nảy sinh cảm giác đói và thèm ăn đêm. Việc ăn quá no trước khi ngủ sẽ làm cho bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Nguyên nhân là do khi ăn no cơ thể sẽ tăng cường làm việc để có thể tiêu hóa lượng thức ăn đã nạp vào.
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ liên quan đến các bệnh lý
Khi cơ thể mắc phải các bệnh lý, giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự đau đớn, khó chịu do bệnh tật gây ra có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra tình trạng mất ngủ.
Bên cạnh đó, khi sử dụng các loại thuốc trong điều trị mỡ máu, đái tháo đường, hay trầm cảm... thì bệnh nhân có thể gặp những rối loạn trong giấc ngủ do tác dụng phụ của thuốc gây nên.
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ nguy hiểm như thế nào?
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng học tập và lao động. Bởi vì giấc ngủ chập chờn sẽ khiến họ mệt mỏi khi thức dậy, dễ cáu gắt, bực bội, đồng thời làm giảm trí nhớ và sự tập trung.
Không chỉ vậy, về lâu dài, những bất thường trong giấc ngủ còn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người trẻ tuổi.
Tăng huyết áp
Giấc ngủ bị rối loạn làm cho người bệnh trở nên căng thẳng, khiến nhịp tim cũng như huyết áp tăng. Những người bị mất ngủ kéo dài có thể mắc bệnh tăng huyết áp mãn tính. Kèm theo đó là nguy cơ cao gặp phải tình trạng nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ. Có một số trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não, hay đột tử trong đêm rất nguy hiểm.
Những người bị rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể mắc bệnh tăng huyết áp mãn tính Trầm cảm
Các chuyên gia y tế cho biết tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não. Chỉ cần một đêm bị mất ngủ đã có thể làm thay đổi chức năng hoạt động của não. Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây rối loạn tâm thần. Những người không ngủ đủ từ 7-8 tiếng/ngày, có nhiều nguy cơ mắc chứng trầm cảm.
Đái tháo đường, béo phì
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ làm chậm quá trình trao đổi chất. Từ đó làm tăng lượng đường trong máu, và dẫn đến việc gia tăng nguy cơ bệnh béo phì. Việc “ăn đêm” cũng làm cho các chất dinh dưỡng nạp vào không được chuyển hóa, gây nên tình trạng tích tụ mỡ trong cơ thể.
Ung thư
Trong khi ngủ, cơ thể sẽ sản xuất ra hormone melatonin, có tác dụng chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u. Ở những người bị rối loạn giấc ngủ, lượng hormone này trong cơ thể giảm đi rất nhiều. Điều này khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ ung thư cao hơn.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Anh vào năm 2008 cho thấy, những người phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ một ngày có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Còn theo nghiên cứu của Harvard, việc ngủ ít hơn 6 tiếng một đêm sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ở đại trực tràng .
Không những thế, rối loạn giấc ngủ ở người trẻ, đặc biệt là tình trạng mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc. Đồng thời làm giảm khả năng thích ứng của người bệnh trong cuộc sống.
Như vậy, rối loạn giấc ngủ ở người trẻ là một hiện tượng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như khả năng học tập và làm việc của người bệnh. Để hạn chế những tác động do chứng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ gây nên, bạn cần phải duy trì lối sống tích cực, khoa học và nên thường xuyên khám sức khỏe để phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý. Hy vọng bài viết này sẽ là một lời cảnh tỉnh, giúp bạn bỏ đi những thói quen có hại cho giấc ngủ của mình.
Xem thêm:
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp