Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sỏi thận 12mm có phải mổ không? Quy trình tán sỏi ngoài cơ thể

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi thận là bệnh lý đường tiết niệu khá thường gặp. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể dễ bị mất nước, từ đó tăng nguy cơ có sỏi kết tinh tại thận. Tùy thuộc vào kích thước viên sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu xem sỏi thận 12mm có phải mổ không qua bài viết dưới đây.

Nhiều bệnh nhân thắc mắc không biết sỏi thận 12mm có phải mổ không. Thực tế, sỏi 12mm có kích thước tương đối lớn, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả cao. Thay vì phẫu thuật, bác sĩ thường lựa chọn phương án tán sỏi ngoài cơ thể, kết hợp cùng chế độ uống khoa học và hợp lý, để điều trị dứt điểm viên sỏi 12mm.

Mức độ nguy hiểm của sỏi thận

Đối với thắc mắc "sỏi thận 12mm có phải mổ không?", thì sỏi thận 12mm có kích thước tương đối lớn, nếu để lâu trong cơ thể sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Với kích thước lên đến tận 12mm thì sỏi khó có thể được bài tiết ra ngoài theo đường tiểu. Việc sử dụng thuốc điều trị cũng chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của sỏi tiết niệu, chứ không làm viên sỏi hoàn toàn biến mất.

Nếu cứ để viên sỏi ở lâu trong cơ thể, có thể người bệnh sẽ gặp phải một số biến chứng sức khỏe như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Thận bị co giãn, ứ nước hay áp xe thận.
  • Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ.
  • Suy thận cấp và mạn tính.

Chính vì nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như trên, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm khi có các triệu chứng sỏi tiết niệu. Nếu để tình trạng bệnh sỏi thận kéo dài, kích thước viên sỏi to dần, thì phương pháp tán sỏi công nghệ cao sẽ không hiệu quả. Lúc này, phẫu thuật mổ lấy sỏi là bắt buộc. Mặc dù phẫu thuật mổ nội soi sỏi thận diễn ra rất nhanh, nhưng lại gây đau nhiều và cần nhiều thời gian để bình phục.

Sỏi thận 12mm có phải mổ 01
Sỏi thận nếu không được điều trị sớm có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Sỏi thận 12mm có phải mổ không?

Giải đáp thắc mắc “sỏi thận 12mm có phải mổ không” thì câu trả lời là chưa cần thiết. Tán sỏi ngoài cơ thể được đánh giá là lựa chọn an toàn, phù hợp nhất khi điều trị sỏi thận 12mm. Cụ thể hơn, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể mang đến một số lợi ích như:

  • Không cần mổ vẫn làm sạch sỏi.
  • Không đau, không để lại sẹo
  • Bạn có thể ra về sau khi tiến hành tán sỏi.
  • Không ảnh hưởng đến công việc do không cần xin nghỉ dài ngày.
  • Tiết kiệm thời gian, chi phí rẻ hơn so với các phương pháp khác.
  • An toàn, tỷ lệ biến chứng khi thực hiện thấp.

Tán sỏi ngoài cơ thể thường được các bác sĩ chỉ định khi sỏi thận có kích thước bé hơn 1.5cm hoặc sỏi niệu quản bé hơn 1cm, nằm ở vị trí 1/3 phía trên và sát đài bể thận.

Sỏi thận 12mm có phải mổ 02
Giải đáp thắc mắc "sỏi thận 12mm có phải mổ không?"

Tán sỏi ngoài cơ thể như thế nào?

Nguyên lý tán sỏi ngoài cơ thể

Tán sỏi ngoài cơ thể được tiến hành dựa trên nguyên tắc dùng sóng xung kích điện từ, tác động vào viên sỏi làm cho nó vỡ thành những mảnh nhỏ hơn. Các vụn sỏi này sau đó sẽ trôi ra ngoài khi bạn đi tiểu sau khoảng 2 tuần.

Bệnh nhân không cần chuẩn bị quá nhiều trước quá trình tán sỏi. Tán sỏi ngoài cơ thể thường sẽ mất khoảng 30 đến 45 phút một ca. Bệnh nhân chỉ cần nằm thư giãn trên bàn của máy tán sỏi, thực hiện theo hướng dẫn của điều dưỡng và bác sĩ.

Quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể

Quy trình tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể bao gồm các bước:

  • Người bệnh nằm trên bàn của máy tán sỏi trong tư thế thoải mái, thở đều và giữ tâm trạng bình tĩnh.
  • Điều dưỡng viên sau đó sẽ bôi gel và giúp bệnh nhân điều chỉnh vùng hông lưng sao cho phù hợp với phần bóng nước của máy.
  • Bác sĩ tiến hành xác định vị trí của viên sỏi với sự hỗ trợ của X-quang và siêu âm, sau đó bắt đầu phát sóng xung kích.
  • Theo dõi bệnh nhân trong quá trình tán sỏi, để kịp thời xử trí.
  • Hoàn thành tán sỏi. Bệnh nhân được điều dưỡng giúp ngồi dậy, vệ sinh vùng hông có dính gel ban đầu.
  • Bác sĩ kiểm tra sức khỏe, kê toa thuốc và hẹn lịch tái khám.

Đối với trường hợp sỏi thận mềm, chỉ cần tán sỏi 1 lần là xong. Tuy nhiên, sỏi cứng hơn thì có thể bạn cần phải tán sỏi 2 - 3 lần tùy tình hình. Thông thường thì, bệnh nhân sẽ quay lại tái khám sau 1 đến 2 tuần để kiểm tra đã hết sỏi vụn hay chưa.

Chăm sóc cơ thể sau tán sỏi thận

Tuân thủ điều trị

Người bệnh không cần kiêng quá nhiều thực phẩm sau khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể. Tuy vậy, một số lưu ý dưới đây giúp quá trình bình phục của bạn nhanh hơn:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày (từ 2 đến 3 lít), việc này làm tăng đào thải các mảnh vụn sỏi thận ra bên ngoài.
  • Dùng thuốc theo bác sĩ hướng dẫn.
  • Tái khám đúng như lịch đã hẹn.

Ở một số bệnh nhân, sau khi tiến hành tán sỏi có thể sẽ đau ở vùng hông, thắt lưng hoặc nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt. Đây là các biểu hiện thường gặp của cơ thể khi tán sỏi ra ngoài, sẽ sớm biến mất nên bạn không cần quá lo lắng.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt

Vậy là bạn đã biết được sỏi thận 12mm có phải mổ không? Câu trả lời là chưa cần thiết, lựa chọn tán sỏi ngoài cơ thể sẽ là phương án điều trị phù hợp hơn.

Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần ghi nhớ một số lưu ý trong chế độ ăn uống và sinh hoạt để nhanh chóng phục hồi:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Đặc biệt sau khi vận động mạnh, mất nhiều mồ hôi, trong những ngày nắng nóng,...
  • Bổ xung chất xơ và vitamin thông qua các loại trái cây mọng nước.
  • Giảm tiêu thụ muối trong các món ăn, hạn chế ăn mặn.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh chế biến sẵn.
  • Hạn chế rượu bia, đồ uống có gas,...
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Sỏi thận 12mm có phải mổ 03
Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể thanh lọc các mảnh vỡ sỏi thận còn sót lại

Bài viết đã giải đáp cho bạn thắc mắc sỏi thận 12mm có phải mổ không. Sỏi thận bệnh nguy hiểm cần phải được phòng ngừa và điều trị dứt điểm từ sớm, nhằm ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thận. Bạn có thể phòng ngừa sỏi thận đơn giản bằng cách uống đủ nước mỗi ngày và thường xuyên rèn luyện thể thao.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm