Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt rét kéo dài bao lâu và dấu hiệu nhận biết của bệnh?

Ngày 28/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Người bệnh sốt rét thường thắc mắc sốt rét kéo dài bao lâu và khi nào thì khỏi bệnh. Thời gian ủ bệnh sốt rét và thời gian điều trị sẽ khác nhau do phụ thuộc vào loại ký sinh trùng mà người bệnh mắc phải.

Thời gian ủ bệnh sốt rét kéo dài trung bình từ 9 đến 30 ngày, thậm chí đến một năm và tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét mà thời gian này có thể thay đổi. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu mọi thông tin về bệnh sốt rét như triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, sốt rét kéo dài bao lâu, cách phòng chống…

Bệnh sốt rét là gì?

Trước khi tìm hiểu sốt rét kéo dài bao lâu, bạn cần hiểu rõ về căn bệnh này. Mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm sốt rét, thậm chí một người có thể bị nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét. Hơn nữa, miễn dịch sốt rét là ngắn và không đầy đủ, vì vậy có khả năng bị tái nhiễm ngay nếu không được điều trị triệt để và phòng ngừa hiệu quả.

Một người khỏe mạnh đi vào và ở trong vùng sốt rét đang lưu hành, dễ có nguy cơ bị muỗi Anopheles cái chích để truyền ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium) và gây bệnh nếu không phòng ngừa tốt. Muỗi Anopheles là trung gian truyền bệnh sốt rét cho người trong điều kiện tự nhiên, mang thể thoa trùng ở tuyến nước bọt, sau đó đốt máu người khỏe mạnh (thường vào ban đêm), thể thoa trùng phát triển trong cơ thể người và truyền bệnh sốt rét.

Sốt rét kéo dài bao lâu và dấu hiệu nhận biết của bệnh? 1
Sốt rét kéo dài bao lâu thì khỏi là thắc mắc của nhiều người mắc bệnh này

Như vậy, bệnh học sốt rét lây truyền qua đường máu qua các con đường sau đây:

  • Chủ yếu do muỗi truyền;
  • Do truyền máu dự trữ đã bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có thể vừa gây bệnh trực tiếp hay vừa truyền bệnh cho người nhận máu trong ít nhất 1 tháng;
  • Truyền bệnh từ mẹ sang con thông qua nhau thai bị tổn thương;
  • Bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét.

Bệnh sốt rét kéo dài bao lâu?

Vậy, sốt rét kéo dài bao lâu? Thời kỳ ủ bệnh sốt rét là thời gian từ khi muỗi mang mầm bệnh chích và truyền sang người khỏe mạnh cho đến khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện. Thời kỳ này sẽ tương ứng với giai đoạn phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong tế bào gan, cũng như chu kỳ phát triển trong hồng cầu.

Về nguyên tắc, những ký sinh trùng non chỉ sau một chu kỳ sẽ phá vỡ hồng cầu để đưa ký sinh trùng vào máu, và khi đó bệnh nhân bắt đầu bị sốt.

Trên thực tế, ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu thường phải trải qua 2 hoặc 3 chu kỳ phát triển mới xảy ra những cơn sốt khởi phát lần đầu tiên. Mỗi chủng loại ký sinh trùng sốt rét sẽ có thời gian ủ bệnh sốt rét khác nhau, cụ thể như sau:

  • P.falciparum: Thời gian ủ bệnh từ 8 - 16 ngày, trung bình 12 ngày;
  • P.vivax: Thời gian ủ bệnh từ 10 - 20 ngày, trung bình 14 ngày;
  • P.ovale: Thời gian ủ bệnh từ 12 - 20 ngày, trung bình 14 ngày;
  • P.malariae: Thời gian ủ bệnh từ 18 - 35 ngày, trung bình 21 ngày.

Tuy nhiên, riêng chủng loại ký sinh trùng sốt rét P.vivax, P.ovale và P.malariae, thời gian ủ bệnh sốt rét có thể kéo dài tới vài tháng, vài năm hay thậm chí là xuất hiện hàng chục năm sau đó. Nguyên nhân là do:

  • Sau khi chủng loại P.vivax và P.ovale xâm nhập vào cơ thể, sẽ ký sinh trong gan, chúng có các thoa trùng phát triển chậm trong tế bào gan, thường gọi là thể ẩn hoặc thể ngủ;
  • Chủng loại P. malariae phát triển chậm trong hồng cầu.
Sốt rét kéo dài bao lâu và dấu hiệu nhận biết của bệnh? 2
Mỗi chủng loại ký sinh trùng sốt rét sẽ có thời gian ủ bệnh sốt rét khác nhau

Ngoài ra, nếu nhiễm sốt rét do truyền máu nhưng không qua trung gian muỗi đốt thì thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào số lượng ký sinh trùng trong máu truyền vào. Do ký sinh trùng được truyền ở thể vô tính (không phải giao bào) trong hồng cầu nên nhìn chung trường hợp này có thời gian ủ bệnh sốt rét thường ngắn, chỉ kéo dài vài ba ngày.

Biến chứng của bệnh sốt rét

Những người bị tái phát sốt rét nhiều lần dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Rối loạn chức năng gan: Bệnh nhân hay bị rối loạn tiêu hóa, gầy yếu, cholesterol giảm, chảy máu chân răng, dễ chảy máu cam,...
  • Viêm gan mạn: Gan to, có bờ sắc, bệnh nhân mệt mỏi, ăn chậm tiêu gây rối loạn tiêu hóa, viêm gan mạn. Xơ gan tiến triển sau khi viêm gan, lách xơ.
  • Lách to: Là một biểu hiện đặc trưng của bệnh sốt rét.
  • Cường lách: Những người bị sốt rét trong giai đoạn sơ nhiễm khi hết sốt, hết ký sinh trùng thì lách có thể co nhỏ lại nếu điều trị và phòng bệnh tốt.
  • Viêm cầu thận: Tắc mạch do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum gây ra dẫn đến viêm cầu thận.
  • Tổn thương ở phổi dẫn đến tình trạng phù phổi cấp khiến bệnh nhân bị suy hô hấp.
  • Trẻ em bị sốt rét gặp hội chứng thận hư.
  • Phù nề: Do suy dinh dưỡng gây phù ở hai chân và mặt, protein máu thấp, da bụng dày,...
  • Gây thiếu máu: Đây là triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh sốt rét do các ký sinh trùng sốt rét phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu. Số lượng hồng cầu bị ký sinh và thời gian kéo dài của bệnh sẽ quyết định mức độ thiếu máu.
  • Một số biến chứng khác như hạ đường máu, thiếu axit folic trong máu, đau và viêm dây thần kinh,...

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt rét

Để nhận biết bạn có đang nhiễm phải bệnh sốt rét không, hãy dựa vào các dấu hiệu dưới đây:

Sốt cao, rét run

Khi bị sốt rét, một trong những triệu chứng phổ biến là sốt cao lặp lại nhiều lần, nhiệt độ cơ thể của người bệnh ít nhất là 38,9 độ C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên sau khi người bệnh bị muỗi đốt khoảng từ 10 - 15 ngày.

Bệnh sốt rét còn có triệu chứng cơ bản khác là đổ mồ hôi nhiều và run rẩy dữ dội. Cơn run rẩy có thể nghiêm trọng tới mức gần như co giật khi bệnh trở nặng.

Đau đầu và đau cơ

Đau đầu kèm với đau nhức cơ là triệu chứng thứ phát của sốt rét. Tùy mỗi người bệnh mà mức độ đau đầu kéo dài từ trung bình đến nặng.

Sốt rét kéo dài bao lâu và dấu hiệu nhận biết của bệnh? 3
Đau đầu kèm với đau nhức cơ là triệu chứng thứ phát của sốt rét

Ban đầu, người bệnh sốt rét có cơn đau đầu khá nhẹ, giống như bị đau đầu do căng thẳng. Tuy nhiên, cơn đau sẽ dữ dội hơn, giống như chứng đau nửa đầu khi ký sinh trùng đã bắt đầu lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu.

Kèm theo đau đầu là các cơn đau nhức, thường xuất hiện ở cơ lưng và cơ chân.

Nôn mửa và tiêu chảy

Nôn mửa và tiêu chảy là triệu chứng thứ phát, không đặc hiệu khác của bệnh sốt rét. Hai triệu chứng này thường đi kèm với nhau và xảy ra nhiều lần trong ngày.

Sốt rét gây tiêu chảy không quá nghiêm trọng và cũng không ra máu và sẽ khỏi dần sau vài ngày.

Các dấu hiệu sốt rét khác

Người bệnh sốt rét còn gặp các triệu chứng khác như co giật nhiều lần, nhầm lẫn, hôn mê và suy nhược thần kinh; chảy máu bất thường, thiếu máu nặng, khó thở và suy hô hấp; vàng da; suy thận, suy gan, lách to; huyết áp rất thấp.

Cách phòng chống bệnh sốt rét

Để phòng chống bệnh sốt rét, khi ngủ mọi người cần phải:

  • Mắc màn, nếu màn có tẩm hóa chất diệt muỗi thì tốt hơn; khi phải làm việc vào ban đêm nên mặc quần áo dài, bôi thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở.
  • Buổi tối, nên hun khói hoặc đốt hương xua muỗi.
  • Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa ngăn nắp; tiêu diệt triệt để các nơi muỗi lưu trú trong nhà; khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, ao tù; di dời chuồng gia súc ra xa nhà, phát quang bụi rậm quanh nhà ở;
  • Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp hiệu quả, tốt nhất cho vùng có sốt rét lưu hành.
  • Những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao là những người sinh sống, hay ra vào vùng có dịch sốt rét đang lưu hành thì cần uống thuốc dự phòng chống bệnh sốt rét.
Sốt rét kéo dài bao lâu và dấu hiệu nhận biết của bệnh? 4
Buổi tối, nên hun khói hoặc đốt hương xua muỗi để phòng ngừa sốt rét

Sau khi đọc bài viết trên, bạn đã biết sốt rét kéo dài bao lâu. Khi có nghi ngờ mắc bệnh sốt rét qua một số triệu chứng đặc trưng của bệnh, bạn cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị và chú ý phòng tránh lây lan bệnh sang cho người khỏe mạnh.

Xem thêm: Sốt rét là gì? Sốt rét lây mạnh vào giai đoạn nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm