Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì?

Ngày 31/07/2023
Kích thước chữ

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể marasmus được xem là tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em. Biểu hiện ở trẻ bị suy dinh dưỡng dạng này rất dễ nhận ra như trẻ bị gầy teo đét, da bọc xương, trơ xương, khuôn mặt trông như người già.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, 20% số ca trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu tử vong được xác định là do mắc chứng suy dinh dưỡng cấp tính. Trong đó, hơn một nửa số ca tử vong là do hội chứng suy dinh dưỡng thể marasmus gây ra. Căn bệnh này là gì mà nguy hiểm đến vậy?

Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì?

Suy dinh dưỡng thể marasmus hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể teo đét là một hội chứng rối loạn dinh dưỡng nặng do cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng. Bệnh khiến cơ thể của trẻ kiệt quệ, gầy nhom đến mức teo đét lại.

Tại Việt Nam, suy dinh dưỡng thể marasmus là thể phổ biến nhất của hội chứng suy dinh dưỡng protein hay cò gọi là suy dinh dưỡng cấp tính. Đối tượng bị bệnh này chủ yếu ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa ở những quốc gia chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Hội chứng suy dinh dưỡng cấp tính còn có một kiểu hình khác ít phổ biến hơn là hội chứng suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) với biểu hiện là cơ thể sưng phù như bị béo phì.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng marasmus

Trên thế giới, tình trạng suy dinh dưỡng marasmus chủ yếu là do sự thiếu hụt protein và năng lượng trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Ngoài ra, trẻ mắc phải căn bệnh này thường bị thiếu hụt luôn cả chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất béo quan trọng khác, giúp phát triển sức khỏe tim mạch, não bộ, giúp hệ thống nội tiết tố hoạt động bình thường và cải thiện tiến trình trao đổi chất.

Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì? 1
Suy dinh dưỡng thể marasmus do thiếu hụt protein và năng lượng trong khẩu phần ăn 

Tại Việt Nam, nguyên nhân phổ biến dẫn tới thể suy dinh dưỡng này là tình trạng cai sữa quá sớm.

Nhìn chung, chứng suy dinh dưỡng thể teo đét có thể do hai nhóm nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân chủ quan

Do mẹ nuôi con không đúng cách: Ví dụ, sau sinh mẹ không cho trẻ bú sớm, trẻ không được bú mẹ ít nhất từ 6 – 24 tháng đầu đời; cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng không đủ về chất và lượng.

Rối loạn dinh dưỡng: Bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan và tình trạng rối loạn hạn chế hấp thu ở ruột, gây ra những rối loạn về dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng marasmus.

Bệnh tật khác: Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và các mầm bệnh khác như các bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS và bệnh sốt rét phổ biến ở vùng nông thôn có thể khiến trẻ biếng ăn.

Nguyên nhân khách quan

Những nguyên nhân tác động gây nên tình trạng suy dinh dưỡng là do việc phổ cập kiến thức về suy dinh dưỡng chưa phổ biến, tình trạng nghèo đói, lạc hậu, sự bất cập trong dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, các vấn đề về kinh tế, dịch bệnh, nước sạch, môi trường…

Các triệu chứng của suy dinh dưỡng thể marasmus

Khi mắc chứng suy dinh dưỡng thể marasmus ha còn gọi là suy dinh dưỡng thể teo đét, trẻ sẽ gặp các triệu chứng sau:

Mất cơ bắp và mỡ dưới da: Tay, chân, bụng, ngực, đùi… của trẻ gầy đến mức trơ xương do mất rất nhiều cơ bắp và mỡ. Cầu mắt của trẻ trông lồi hẳn ra và gương mặt trông già hơn tuổi vì lớp mỡ dưới da không còn, tỉ lệ giữa đầu và thân rất mất cân đối do cơ thể teo đét. 

Sa sút cân nặng: So với bảng cân nặng theo độ tuổi được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ thường có cân nặng thấp hơn ít nhất từ 20%.

Da khô và tóc tai xơ xác: Tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất và cả thiếu protein và năng lượng khiến trẻ dễ rụng tóc, da khô và bị bong tróc thành từng mảng.

Rối loạn tiêu hóa và hệ quả: Trẻ thiếu vitamin D và canxi nên thường xuyên bị tiêu chảy khiến cơ thể mất chất trầm trọng, gây còi xương; thiếu vitamin B9 và thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin A làm thị lực kém; thiếu năng lượng dẫn đến nhịp tim chậm, huyết áp thấp.

Sức đề kháng kém: Hệ miễn dịch suy yếu do thiếu vitamin C, D cùng các khoáng chất cần thiết khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, dễ mắc cảm cúm, bị viêm nhiễm thường xuyên hơn.

Chậm phát triển trí tuệ: Do liên tục sống trong tình trạng bị thiếu hụt năng lượng trầm trọng dẫn đến suy dinh dưỡng thể marasmus nên não bộ của trẻ chậm phát triển.

Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì? 2
Trẻ bị suy dinh dưỡng thể teo đét có triệu chứng sụt cân nghiêm trọng, sức đề kháng kém

Hậu quả của suy dinh dưỡng thể marasmus

Suy dinh dưỡng nói chung và suy dinh dưỡng thể marasmus nói riêng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ sẽ có biểu hiện như trí tuệ và trí lực chậm phát triển, gầy thấp và nhận thức kém hơn so với độ tuổi. Tình trạng này sẽ có thể hình thành một số bệnh mạn tính trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ.

Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì? 3
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường hay mắc các bệnh về tiêu chảy, viêm phổi

Trẻ bị suy dinh dưỡng thường hay mắc các bệnh về tiêu chảy, viêm phổi gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, hành vi dẫn đến việc trẻ không có khả năng học hành cũng như khả năng lao động và ảnh hưởng sức khỏe ở tuổi trưởng thành.

Các tổn thương bệnh lý và các rối loạn chuyển hóa thường gặp do suy dinh dưỡng gây ra gồm:

  • Trẻ có nguy cơ bị thoái hóa gan. Ở thể suy dinh dưỡng này, có thể điều trị phục hồi kịp thời và đúng lúc tổn thương ở gan.
  • Tình trạng tổn thương các tế bào tuyến tụy ở cơ quan tiêu hóa của trẻ, teo niêm mạc ruột gây ra các tình trạng bệnh lý về tiêu hóa trong quá trình trẻ trưởng thành.
  • Teo hệ thống cơ tim mạch, làm giảm cung lượng tim. Các trường hợp nặng còn có dấu hiệu lạnh đầu chi, tím tái, mạch nhỏ khó bắt, nguy hiểm đến tính mạng, nếu phục hồi thì di chứng để lại khá nguy hiểm.
  • So với trẻ bình thường, não và hệ thống thần kinh của trẻ bị suy dinh dưỡng bị ảnh hưởng, các chỉ số phát triển trí tuệ kém, bất thường.
  • Trẻ suy dinh dưỡng có hệ thống miễn dịch giảm sút đáng kể và làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn.
  • Trong quá trình phát triển, trẻ suy dinh dưỡng bị các rối loạn chuyển hóa như chuyển hóa glucid, lipid, protein, nước và điện giải.

Làm gì để chống suy dinh dưỡng thể marasmus?

Để trẻ không bị suy dinh dưỡng và phát triển toàn diện, phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ và phòng chống bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú.
  • Trong 6 tháng đầu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, cho trẻ bú liên tục đến 18 - 24 tháng tuổi hoặc ít nhất là 12 tháng tuổi.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ năng lượng và cân đối chất dinh dưỡng phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển của trẻ.
  • Đảm bảo tăng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em theo tháng tuổi.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho bà mẹ sau sinh và trẻ nhỏ.
  • Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh cần thực hiện nuôi dưỡng và chăm sóc đúng cách.
  • Vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, đặc biệt phòng chống giun sán cho trẻ.
  • Chú ý cách nuôi con trẻ phải khoa học, đúng cách.
  • Để cải thiện cũng như phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vitamin và vi khoáng chất thiết yếu. 
Suy dinh dưỡng thể marasmus là gì? 4
Mẹ cần nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Tóm lại, suy dinh dưỡng thể marasmus là căn bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó các phụ huynh cần lưu ý kỹ đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu thấy trẻ bị sụt cân hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để khám ngay và được điều trị kịp thời.

Xem thêm: Suy dinh dưỡng có mấy cấp độ? Phân loại suy dinh dưỡng theo WHO

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin