Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì?

Ngày 24/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch và hiện là gánh nặng cho nền y tế. Trong đó, suy tim phân suất tống máu bảo tồn là tình trạng tương đối phức tạp, gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể và thường xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Là một hội chứng lâm sàng phức tạp, suy tim là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của trái tim. Từ đó dẫn đến tình trạng tim không đủ khả năng bơm máu hoặc tiếp nhận máu. Phân loại suy tim thường được dựa trên phân suất tống máu EF (Ejection Fraction).

Phân loại tình trạng suy tim phân suất tống máu

Trước khi tìm hiểu suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì, bạn cần nắm một số thông tin về chỉ số EF. Phân suất tống máu EF hay gọi chính xác hơn là phân suất tống máu của thất trái, là một chỉ số quan trọng, được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng giúp đánh giá chức năng tâm thu của thất trái. Nó thể hiện lượng máu thực tế được bơm ra khỏi thất trái rồi đưa vào động mạch chủ sau mỗi nhịp tim so với tổng lượng máu chứa bên trong thất trái trước mỗi chu kỳ bơm.

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì?
Phân suất tống máu của thất trái là một chỉ số rất quan trọng

EF = (Thể tích cuối tâm trương thất trái - Thể tích cuối tâm thu thất trái)/Thể tích cuối tâm trương thất trái x 100%.

Theo đó, tình trạng suy tim phân suất tống máu được phân loại như sau:

Bệnh suy tim với phân suất tống máu giảm - EF dưới 40%

Còn được biết đến với tên gọi hội chứng suy tim tâm thu. Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tập trung chủ yếu vào nhóm bệnh nhân mắc bệnh suy tim với phân suất tống máu giảm và đến nay đã có rất nhiều liệu pháp điều trị hiệu quả được chứng minh.

Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn - EF trên 50%

Thường được biết đến là suy tim tâm trương, suy tim phân suất tống máu bảo tồn được xác định bằng nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Chẩn đoán hội chứng suy tim này đặt ra một thách thức, đặc biệt chúng ta cần phải loại trừ các nguyên nhân không phải do tim cũng như những triệu chứng khác biệt với những dấu hiệu suy tim. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có các phương pháp điều trị hiệu quả suy tim phân suất tống máu bảo tồn.

Suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ - EF từ 41 đến 49%

Chỉ số lúc này nằm trong nhóm giới hạn hoặc trung gian với các đặc điểm, phương pháp điều trị và kết quả có nét tương đồng với nhóm bệnh nhân bị suy tim phân suất tống máu bảo tồn.

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì? 1
Suy tim phân suất tống máu bảo tồn dẫn đến lượng máu bơm ra khỏi tim ít hơn so với bình thường

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì?

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn còn được gọi là suy tim tâm trương. Đây là tình trạng tâm thất trái không được đổ đầy máu trong thời kỳ tâm trương, dẫn đến lượng máu bơm ra khỏi tim ít hơn so với bình thường. Bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn là những người có các tiêu chuẩn sau:

  • Có các dấu hiệu hoặc triệu chứng suy tim trên lâm sàng.
  • Có bằng chứng về phân suất tống máu thất trái bảo tồn hoặc bình thường (EF≥ 50%).
  • Có bằng chứng cho thấy rối loạn chức năng tâm trương thất trái xác định thông qua siêu âm Doppler tim hay thông tim.

Tỷ lệ bệnh nhân bị suy tim phân suất tống máu bảo tồn chiếm khoảng 50% số bệnh nhân có biểu hiện suy tim trên lâm sàng. Hiện nay, tỷ lệ này cũng đang tăng lên và rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì suy tim dạng này. Nhóm đối tượng mắc bệnh thường gặp là những phụ nữ lớn tuổi có tiền sử tăng huyết áp. Một số bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn trước đây bị suy tim EF giảm. Do vậy, trên lâm sàng cần phân biệt những bệnh nhân có chỉ số EF được cải thiện hoặc phục hồi với những người suy tim EF giảm hay bảo tồn kéo dài.

Bệnh suất và tỷ lệ tử vong của suy tim phân suất tống máu bảo tồn tương tự như suy tim phân suất tống máu giảm nhưng đến nay vẫn chưa có các biện pháp điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân gây suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì?

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Tăng huyết áp mạn tính là tác nhân ảnh hưởng lớn tới sự thay đổi chức năng và cấu trúc của tim. Bệnh tim do tăng huyết áp thường đi kèm với phì đại thất trái, tăng độ cứng của mạch máu và tâm thu thất trái, suy thư giãn và tăng độ cứng tâm trương. Tất cả các dấu hiệu này đều liên quan đến cơ chế bệnh lý của suy tim EF bảo tồn.

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì? 2
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây suy tim phân suất tống máu bảo tồn

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim, gây tổn thương cơ tim và góp phần vào sự phát triển của suy tim.

Hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ khiến tâm thất trái không thể đưa hết lượng máu ở thời kỳ tâm thu ra ngoài tim, dẫn đến sự ứ lại máu trong buồng thất trái.

Bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại làm tăng độ dày của cơ tim, giảm diện tích buồng tim và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim.

Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố có thể ảnh hưởng làm tăng mức độ nặng của bệnh như:

  • Béo phì: Ở những người bị béo phì, tỉ lệ rối loạn chức năng tâm trương tăng nhiều hơn kéo theo nguy cơ gia tăng suy tim phân suất tống máu bảo tồn.
  • Đái tháo đường: Đái tháo đường gây tổn thương mạch vành, rối loạn chức năng thận và tăng huyết áp. Đồng thời tác động trực tiếp lên cấu trúc và chức năng cơ tim.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường gặp ở những người có nguy cơ suy tim phân suất tống máu bảo tồn như: Béo phì, rung nhĩ, tăng huyết áp.
  • Rung nhĩ và các rối loạn nhịp khác: Các vấn đề như: Rung nhĩ và các rối loạn nhịp cũng có thể đóng góp vào sự phát triển của suy tim.
Suy tim phân suất tống máu bảo tồn là gì? 3
Tùy vào tình trạng suy tim phân suất tống máu bảo tồn bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp

Điều trị suy tim phân suất tống máu bảo tồn

Hiện tai, các phương thức điều trị suy tim tâm trương chủ yếu dựa vào các cơ chế sinh lý bệnh. Việc điều trị suy tim phân suất tống máu bảo tồn có hai mục tiêu gồm:

  • Điều trị hội chứng suy tim bằng cách làm giảm sung huyết tĩnh mạch phổi khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức và loại trừ các yếu tố thúc đẩy.
  • Giải quyết các yếu tố gây ra rối loạn tâm trương cũng như các rối loạn dẫn đến phân suất tống máu bảo tồn.

Cả chiến lược dùng thuốc và không dùng thuốc đều có thể được sử dụng để đạt những mục tiêu này. Cụ thể:

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc với bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn bao gồm: Kiểm soát huyết áp, theo dõi cân nặng mỗi ngày, chú ý lối sống và chế độ ăn uống, giáo dục bệnh nhân và theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh.

Điều trị dùng thuốc

Đối với bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn, việc sử dụng thuốc lợi tiểu là cách tốt để chống phù và giảm sung huyết phổi. Ngoài ra, các nhóm thuốc ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi... có thể làm giảm triệu chứng cơ năng ở bệnh nhân trong trường hợp này. Với người bị suy tim tâm trương kèm bệnh mạch vành cần bảo đảm tái tưới máu mạch vành.

Suy tim gia tăng theo tuổi thọ và một nửa bệnh nhân trong số đó mắc suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Việc điều trị suy tim khá khó khăn chuyển biến xấu sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ. Do đó, người bệnh suy tim phân suất tống máu bảo tồn cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ để sớm cải thiện tình trạng bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm