Tác hại của nước ngọt: Uống nước ngọt, đánh đổi bằng những gì?
Ngày 22/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nước ngọt từ lâu đã trở thành thức được ưa chuộng, đặc biệt là với giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh hương vị hấp dẫn, nước ngọt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe mà ít ai để ý. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những tác hại của nước ngọt đối với sức khỏe.
Nước ngọt là thức uống phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt trong các bữa ăn nhanh và tiệc tùng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nước ngọt thường xuyên tiềm ẩn nhiều tác hại cho sức khỏe mà không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Dưới đây là 7 tác hại của nước ngọt mà mọi người cần chú ý.
Gây mất chất dinh dưỡng thiết yếu
Một trong những tác hại của nước ngọt là làm mất đi cơ hội cung cấp những chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Khi uống nước ngọt, chúng ta có xu hướng loại bỏ những đồ uống lành mạnh hơn như sữa ít béo, nước ép trái cây nguyên chất hay thậm chí là nước lọc. Những đồ uống này chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, bao gồm vitamin A, canxi và magie.
Trong khi đó, nước ngọt chứa axit photphoric, chất này có thể làm cản trở quá trình hấp thụ canxi và magie, khiến cơ thể thiếu hụt những dưỡng chất quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
Một tác hại của nước ngọt thường được biết đến là tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Cụ thể, nước ngọt có chứa xi-rô ngô với hàm lượng fructose cao, một loại đường đơn làm tăng sản sinh các gốc tự do trong cơ thể. Điều này không chỉ gây tổn thương mô mà còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người uống nước ngọt có ga thường xuyên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn so với những người không sử dụng loại đồ uống này. Thậm chí, lượng đường cao từ nước ngọt còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với những người đã mắc bệnh đái tháo đường.
Tăng nguy cơ béo phì
Tác hại của nước ngọt đối với vấn đề cân nặng là điều không thể phủ nhận. Một lon nước ngọt trung bình chứa rất nhiều đường, tương đương với một lượng calo lớn. Điều này có thể dẫn đến tăng cân nhanh chóng nếu tiêu thụ thường xuyên.
Hơn nữa, cơ thể dễ dàng hấp thụ lượng đường từ nước ngọt, làm tăng nhanh mức đường huyết, gây kích thích cảm giác thèm ăn và dẫn đến việc nạp thêm nhiều calo. Các nghiên cứu cho thấy rằng, mỗi lon nước ngọt uống hàng ngày sẽ làm tăng 41% nguy cơ béo phì. Dù là nước ngọt thông thường hay nước ngọt có ga loại "ăn kiêng", tác động của chúng đối với quá trình tích tụ mỡ vẫn không thay đổi.
Gây mất nước và ảnh hưởng hệ tiêu hóa
Nước ngọt có ga chứa nhiều caffein và natri, hai thành phần này đều có khả năng gây mất nước cho cơ thể. Caffein là chất kích thích gây lợi tiểu, dẫn đến việc thải ra lượng nước lớn qua thận. Ngoài ra, khi bạn uống nước ngọt thay thế cho nước lọc, cơ thể sẽ thiếu hụt lượng nước cần thiết để duy trì các hoạt động sống, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy giảm chức năng tiêu hóa.
Axit photphoric trong nước ngọt cũng làm rối loạn axit trong dạ dày, ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng và làm chậm quá trình tiêu hóa.
Tác hại của nước ngọt đến răng miệng
Một trong những tác hại của nước ngọt đối với sức khỏe là khả năng gây sâu răng và hỏng men răng. Axit photphoric và axit cacbonic có trong nước ngọt có ga làm mòn men răng dần dần. Khi men răng bị mòn, lớp bảo vệ tự nhiên của răng sẽ bị yếu đi, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây ra các vấn đề như sâu răng, viêm nướu.
Đường trong nước ngọt cũng là nguồn thức ăn lý tưởng cho vi khuẩn trong miệng, góp phần tạo ra axit gây hại cho men răng. Những người uống nước ngọt thường xuyên sẽ thấy răng của mình dễ bị tổn thương hơn so với những người không sử dụng loại đồ uống này.
Gánh nặng cho thận
Tác hại của nước ngọt đối với thận cần được chú ý, đặc biệt là khi tiêu thụ thường xuyên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ngọt có chứa hàm lượng cao đường và axit photphoric, hai yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Axit photphoric có thể gây tổn thương mô thận và làm giảm chức năng lọc máu của cơ quan này, trong khi đường làm tăng lượng đường trong máu, tạo áp lực lớn lên thận để duy trì sự cân bằng điện giải. Tiêu thụ nước ngọt có ga cũng liên quan đến sự hình thành sỏi thận, do quá trình mất nước và sự tích tụ canxi ở thận tăng lên.
Chứa các chất gây hại từ đường hóa học
Trong nước ngọt có ga loại ăn kiêng, thay vì sử dụng đường, các nhà sản xuất thay thế bằng các loại đường hóa học như aspartame. Aspartame dù không chứa calo, lại có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng aspartame có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như động kinh, khối u não, đái tháo đường và các rối loạn cảm xúc. Điều này chứng minh rằng, dù là nước ngọt "ăn kiêng" hay không, việc tiêu thụ vẫn mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Trên đây là 7 tác hại của nước ngọt đối với sức khỏe người tiêu dùng. Có thể thấy, nước ngọt dù hấp dẫn và dễ uống nhưng lại mang đến rất nhiều tác hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên. Từ nguy cơ béo phì, đái tháo đường, tổn thương răng miệng cho đến suy giảm hệ miễn dịch, nước ngọt không phải là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe lâu dài. Thay vì uống nước ngọt, bạn nên cân nhắc các loại đồ uống lành mạnh hơn như nước lọc, nước ép trái cây tự nhiên hoặc sữa ít béo để bảo vệ sức khỏe và duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.