Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Tại sao các vết thương lại có vảy? Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao?

Ngày 25/10/2023
Kích thước chữ

Vảy của các vết thương sẽ tự bong theo thời gian. Tuy nhiên, vết thương đã mọc vảy có thể gây một số khó chịu như ngứa, căng tức hay mất thẩm mỹ khiến cho nhiều người tự ý bóc ra. Vì vậy nhiều người lo lắng "nếu lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao?".

Hầu hết chúng ta đều thấy các vết thương hở trên da theo thời gian đều mọc vảy. Vảy là dấu hiệu tốt cho thấy vết thương đang được lành lại. Vậy, vảy có vai trò gì đối với sự lành vết thương và nếu lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Tại sao các vết thương lại có vảy?

Ngay khi da ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bị tổn thương, các tế bào máu đặc biệt gọi là tiểu cầu sẽ hoạt động:

  • Tiểu cầu dính vào nhau như keo tạo thành cục máu đông. Cục máu đông giống như một miếng băng dán trên vết thương, giúp máu và các chất lỏng khác không chảy ra ngoài.
  • Cục máu đông còn có các tế bào máu khác và chất dạng sợi gọi là fibrin để giúp giữ cục máu đông lại với nhau.
  • Khi cục máu đông cứng lại và khô đi, nó được gọi là vảy.
Tại sao các vết thương lại có vảy? Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? 1
Vết thương có cục máu đông khô lại gọi là vảy

Vảy có vai trò gì trong việc chữa lành tổn thương da?

Các vảy thường có màu đỏ sẫm hoặc nâu. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ vết thương bằng cách ngăn chặn các tác nhân vi sinh như vi khuẩn, vi nấm và những tác nhân khác xâm nhập gây nhiễm trùng; tạo cơ hội cho các tế bào da bên dưới lành lại. 

Nếu bạn nhìn vào lớp vảy, có thể nó trông giống như một khối cứng nhưng dưới bề mặt của nó, rất nhiều quá trình đang diễn ra: Các tế bào da mới đang được tạo ra để giúp sửa chữa vùng da bị tổn thương; các mạch máu mới đang được tái tạo lại giúp cấp máu cho vùng da đó.

Các tế bào bạch cầu sẽ hoạt động bằng cách tấn công bất kỳ tác nhân nào xâm nhập vào vết cắt. Các tế bào bạch cầu cũng loại bỏ máu đông và tế bào da còn sót lại xung quanh vết cắt. Khi mọi việc hoàn tất, một lớp da mới sẽ được hình thành.

Tại sao các vết thương lại có vảy? Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? 2
Vảy giúp bảo vệ vết thương hở trên da 

Bóc vảy vết thương có lợi cho việc lành thương không? 

Có cách bóc vảy vết thương nào đúng không và có nên bóc vảy vết thương hay không?Marisa Garshick, MD - trợ lý giáo sư lâm sàng về da liễu tại Cornell–New giải thích: “Các vảy rất dễ bị bong ra do nhiều người gãi hoặc cố tình bóc chúng. Một số người cũng có thể làm việc này như cách để đối phó với lo lắng, căng thẳng hoặc buồn chán”.

Ngoài ra còn có một thực tế là vảy có xu hướng bị khô, ngứa hoặc căng, điều này có thể khiến nhiều người vô tình gãi lên vết thương.

Tiến sĩ Garshick nói: “Tôi luôn khuyên mọi người rằng việc bóc vảy có thể khiến chúng trở nên tồi tệ hơn, vì vậy tốt nhất là để chúng tự bong thay vì bóc ra”.

Vậy chính xác thì điều gì sẽ xảy ra nếu bạn loại bỏ lớp vảy trước khi nó sẵn sàng bong ra một cách tự nhiên? Dưới đây là ba tình huống có thể xảy ra:

Vết thương sẽ lâu lành hơn

Việc bóc vảy thường khiến vết thương chảy máu trở lại. Theo Nemours Foundation, đó là bởi vì khi bạn kéo lớp vảy ra, một số lớp da mới được tái tạo đang phát triển trên vết thương cũng bị xé bỏ.

Khi điều đó xảy ra, cơ thể bạn phải quay trở về ban đầu để tái tạo thêm nhiều lớp da mới. Kết quả là, vết thương sẽ mất nhiều thời gian hơn để lành hoàn toàn.

Tại sao các vết thương lại có vảy? Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? 3
Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? 

Có thể làm cho vết sẹo trở nên tồi tệ hơn

Một số vết thương nhỏ không để lại sẹo. Nhưng việc bóc vảy sẽ chỉ khiến vết sẹo trở nên rõ ràng hơn. Tiến sĩ Garshick nói: “Việc bóc vảy da sẽ khiến da bị tổn thương nhiều hơn, vết thương càng nặng thì khả năng để lại sẹo càng cao.”

Có nguy cơ cao bị nhiễm trùng

Vết thương hở có nguy cơ cao bị vi khuẩn xâm nhập, làm tăng khả năng nhiễm trùng và làm xuất hiện các biến chứng khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, viêm mô tế bào, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường bắt nguồn từ vết thương hở, cần điều trị bằng kháng sinh và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, khớp, xương hoặc tim.

Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao?

Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao, hãy tham khảo thực hiện các việc sau:

  • Ngay sau khi bị thương, hãy rửa kỹ bằng nước sạch và xà phòng nhẹ. Loại bỏ bất kỳ bụi bẩn hoặc mảnh vụn nào có thể nhìn thấy khỏi vết thương. Áp dụng áp lực nhẹ nhàng để cầm máu.
  • Làm sạch vùng da đó hai lần mỗi ngày bằng xà phòng và nước, đồng thời bôi thuốc mỡ mới sau khi làm sạch. Không cần sử dụng hydrogen peroxide hoặc cồn để làm sạch. Tiếp tục chăm sóc này cho đến khi vết thương được chữa lành hoàn toàn.
  • Bôi một lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh bacitracin lên vết thương và che lại bằng băng chuyên dụng.
Tại sao các vết thương lại có vảy? Lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao? 4
Cách chăm sóc vết thương mau lành 

Chăm sóc vết thương da đã đóng vảy

Chăm sóc vết thương da đã đóng vảy vô cùng quan trọng, vì điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian bong vảy và giảm phát triển thành sẹo. Các vết thương da đã đóng vảy cần:

  • Luôn được giữ sạch sẽ, tránh nhiễm trùng. Nếu vị trí tổn thương nhiễm bẩn, rửa nhẹ nhàng với nước ấm, hoặc nước muối sinh lý, sau đó thấm khô nhẹ nhàng.
  • Trong quá trình mọc da non, vết thương có thể ngứa nhưng cần hạn chế gãi hoặc bóc vảy da để tránh gây tổn thương thứ phát làm chậm lành vết thương và phát triển sẹo sau này.
  • Xoa bóp vùng xung quanh để tăng lượng máu đến vị trí tổn thương sẽ giúp mau lành hơn.
  • Chỉ băng bó vết thương khi cần thiết.

Bài viết trên đã cung cấp nhiều thông tin cho các bạn đọc về câu hỏi "lỡ bóc vảy vết thương thì phải làm sao?", qua đó giúp mọi người tránh được tình trạng này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin