Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Tại sao không có tim thai? Làm thế nào khi siêu âm không có tim thai?

Ngày 21/09/2024
Kích thước chữ

Việc nghe được tim thai là một dấu mốc quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển bình thường của thai nhi. Tuy nhiên, có trường hợp khi siêu âm không có tim thai gây lo lắng cho mẹ bầu. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách xử lý khi gặp tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Không có tim thai là một trong những dấu hiệu đáng lo ngại mà các mẹ bầu có thể gặp phải trong quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi. Tình trạng này thường khiến nhiều người lo lắng và đặt ra câu hỏi về sức khỏe cũng như sự phát triển bình thường của bé.

Tim thai hình thành khi nào?

Theo quy trình phát triển của thai nhi, tim thai bắt đầu hình thành rõ ràng và có nhịp đập khoảng 22 ngày sau khi thụ thai. Điều này có nghĩa là tim thai đã xuất hiện trước khi mẹ nhận ra mình mang thai. Các kỹ thuật siêu âm hiện đại cho phép quan sát tim thai từ tuần thứ 6-7 của thai kỳ. Tuy nhiên, có một số trường hợp tim thai chỉ có thể được nghe thấy hoặc nhìn thấy rõ từ tuần thứ 8-10, điều này thường do sự sai lệch trong tính toán tuổi thai.

Tại sao không có tim thai? Làm thế nào khi siêu âm không có tim thai? 1
Tim thai đã xuất hiện trước khi mẹ nhận ra mình mang thai

Tim thai là dấu hiệu quan trọng để đánh giá sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Sau khi thụ thai, hợp tử di chuyển xuống tử cung và nhanh chóng phân chia tế bào. Khoảng 5 ngày sau thụ thai, hợp tử đã trở thành phôi bào và tiếp tục di chuyển đến tử cung, nơi nó làm tổ trong lớp niêm mạc. Trong thời gian này, phôi tiết ra HCG trong nước tiểu và mẹ bầu có thể phát hiện bằng que thử thai nhưng siêu âm vẫn chưa thể thấy rõ phôi.

Khoảng 3 tuần sau khi thụ thai, ống tim nguyên thủy hình thành và bắt đầu đập. Sau đó, ống tim sẽ tiếp tục phát triển, uốn cong và chia thành 4 buồng với 2 đường thoát tách biệt.

Siêu âm để phát hiện tim thai dựa trên việc theo dõi hoạt động của tim qua hình ảnh 2 chiều thời gian thực từ tử cung của mẹ. Thông thường, thời điểm này rơi vào khoảng 5 tuần 3 ngày đến 6 tuần 3 ngày tuổi của thai nhi, tính từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Sau 6 tuần, các tín hiệu Doppler màu có thể giúp phát hiện dòng máu đang đập ở tim thai và các mạch lớn trong cơ thể thai nhi. Đến tuần thứ 20, nhịp đập tim thai sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể nghe thấy bằng tai nghe bình thường. Nhịp đập tim thai rõ ràng hơn thường cho thấy thai nhi đang phát triển tốt và khỏe mạnh.

Dựa vào thời điểm phát triển và hình thành của tim thai, việc phát hiện tim thai qua siêu âm chỉ có thể thực hiện từ tuần thứ 6 trở đi. Tuy nhiên, do có thể xảy ra sai lệch trong tính toán tuổi thai, một số trường hợp tim thai chỉ xuất hiện rõ ràng từ tuần thứ 8.

Tại sao không có tim thai?

Siêu âm thai ở tuần thứ 6 thường cho thấy phôi thai đã hoàn chỉnh và tim thai bắt đầu xuất hiện, là dấu hiệu tích cực cho thấy thai nhi đang phát triển tốt. Tuy nhiên, có những trường hợp không thấy tim thai hoặc không nghe được nhịp đập dù đã đủ tuổi thai. Đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này:

Không có tim thai do siêu âm quá sớm

Có những trường hợp khi mẹ bầu đã thử thai và có kết quả dương tính nhưng siêu âm ở tuần thứ 6-7 vẫn không phát hiện được tim thai. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do tuổi thai có thể bị tính sai. Việc xác định tuổi thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngày cuối cùng của kỳ kinh nguyệt và ngày rụng trứng, dẫn đến khả năng sai lệch lên tới 2 tuần. Do đó, siêu âm quá sớm có thể không thấy tim thai. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ thường sẽ yêu cầu mẹ bầu quay lại siêu âm sau 1-2 tuần để kiểm tra sự phát triển của thai nhi.

Tại sao không có tim thai? Làm thế nào khi siêu âm không có tim thai? 2
Siêu âm quá sớm có thể không thấy tim thai

Không có tim thai do sảy thai

Khi siêu âm không thấy tim thai sau tuần thứ 8, một khả năng cần cân nhắc là sảy thai. Nếu tình trạng này xảy ra, đặc biệt là khi đã đến tuổi thai đủ để phát hiện tim thai, bác sĩ có thể nghi ngờ việc sảy thai và sẽ yêu cầu kiểm tra chi tiết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai, bao gồm:

  • Trong một số trường hợp, thai nhi có thể bị mất mà không thể xác định được lý do dù sức khỏe của người mẹ vẫn hoàn toàn bình thường.
  • Các tình trạng như buồng trứng đa nang, bất thường tuyến giáp, vấn đề ở cổ tử cung hay rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Thêm vào đó, những bệnh do virus như sởi, rubella, quai bị hay viêm gan B cũng có thể gây ra sảy thai.
  • Va chạm hoặc chấn thương vùng bụng có thể khiến mẹ bầu sảy thai.
  • Sự căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm liên tục có thể tác động tiêu cực đến thai kỳ.
  • Việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, hoặc sử dụng chất kích thích, rượu bia có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai.
Tại sao không có tim thai? Làm thế nào khi siêu âm không có tim thai? 3
Khi siêu âm không có tim thai sau tuần thứ 8, một khả năng cần cân nhắc là sảy thai

Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng không phát hiện được tim thai bao gồm:

  • Thiết bị siêu âm bị lỗi hoặc phương pháp không phù hợp: Một nguyên nhân phổ biến là do thiết bị siêu âm bị lỗi hoặc không đủ nhạy. Để phát hiện tim thai, thiết bị cần đạt yêu cầu kỹ thuật cao. Nếu thiết bị gặp sự cố, có thể không nghe thấy tim thai hoặc chỉ nghe thấy rất yếu. Ngoài ra, siêu âm ổ bụng trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể không đủ nhạy để phát hiện tim thai nên bác sĩ thường sử dụng siêu âm đầu dò để có kết quả chính xác hơn.
  • Rối loạn nhịp tim ở thai nhi: Dù không phổ biến nhưng tình trạng rối loạn nhịp tim ở thai nhi vẫn có thể xảy ra. Thông thường, tình trạng này chỉ xảy ra tạm thời trong một giai đoạn cụ thể của thai kỳ. Rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nhịp tim của thai nhi lên đến 160 nhịp/phút, sau đó có thể giảm đột ngột và trở về mức bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện các kiểm tra cần thiết để kịp thời phát hiện và xử lý các bất thường nếu có.

Làm thế nào khi siêu âm không có dấu hiệu tim thai?

Nếu trong lần siêu âm ở tuần thứ 6-7 mà chưa thấy tim thai, bạn không nên quá lo lắng. Điều này có thể do thời điểm thụ tinh xảy ra muộn hơn so với tuổi thai, dẫn đến tuổi thai thực tế chỉ khoảng 4-5 tuần. Ở giai đoạn này, tim thai chưa thể được quan sát qua siêu âm hoặc nghe thấy nhịp đập. Cũng có khả năng là phôi thai phát triển chậm hơn bình thường, khiến bạn chỉ có thể thấy tim thai rõ ràng vào khoảng tuần thứ 8-10. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thêm một số dấu hiệu khác để xác định xem có bất kỳ bất thường nào hoặc dấu hiệu sảy thai không. Nếu không có vấn đề gì đáng lo ngại, bạn sẽ được hẹn quay lại để siêu âm kiểm tra sau 1-2 tuần nữa.

Nếu đến tuần thai thứ 12 mà siêu âm vẫn chưa phát hiện được tim thai, cần tiến hành kiểm tra nhanh chóng nồng độ HCG để xác nhận tình trạng mang thai hoặc xem thai nhi có gặp vấn đề gì không. Trong trường hợp xấu nhất là sảy thai, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc loại bỏ thai không gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ.

Việc không có tim thai do sảy thai là một tổn thất vô cùng lớn và mất mát. Lúc này, sự quan tâm và động viên từ gia đình, bạn bè là rất quan trọng. Các mẹ cần nhớ rằng mình đã cố gắng hết sức. Việc hồi phục thể chất và tinh thần sau mất mát là điều quan trọng hàng đầu. Sau khi sảy thai, nên nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe ít nhất 3 tháng sau mới nên mang thai lại.

Tại sao không có tim thai? Làm thế nào khi siêu âm không có tim thai? 4
Nếu trong lần siêu âm ở tuần thứ 6-7 mà chưa thấy tim thai, bạn không nên quá lo lắng

Việc không có tim thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là mẹ bầu không nên quá lo lắng mà cần theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Siêu âm định kỳ và các xét nghiệm bổ sung sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng thai nhi. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin