Tầm soát ung thư gan bao gồm những gì? Những đối tượng nên tầm soát ung thư gan
Ngày 25/04/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư gan là một bệnh lý nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Và tầm soát ung thư gan là phương pháp tốt nhất để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin xoay quanh chủ đề tầm soát ung thư gan.
Sự ra đời của phương pháp tầm soát ung thư gan có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong gây ra bởi ung thư gan. Vậy tầm soát ung thư gan là gì? Tầm soát ung thư gồm những danh mục nào? Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về tầm soát ung thư nhé.
Vì sao cần thực hiện tầm soát ung thư gan?
Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay với tỷ lệ người mắc tương đối cao. Tuy nhiên, do thời điểm phát bệnh muộn nên không ít trường hợp đã tử vong do ung thư gan.
Hiện nay, tầm soát ung thư gan được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó tăng hiệu quả điều trị cũng như tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh, được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện định kỳ.
Cụ thể, việc ung thư gan được phát hiện và chẩn đoán sớm sẽ thường cho kết quả điều trị tốt hơn, ít để lại di chứng so với những đối tượng phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Một khi các tế bào ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan khác của cơ thể thì việc kiểm soát bệnh sẽ gặp khó khăn, khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc điều trị ở giai đoạn muộn gặp rất nhiều khó khăn, người bệnh cũng phải tốn rất nhiều chi phí điều trị mà không phải ai cũng có khả năng chi trả.
Nhóm đối tượng nào nên tầm soát ung thư gan?
Trên thực tế, ai cũng có nguy cơ mắc ung thư gan. Theo các chuyên gia y tế: Việc thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm là điều cần thiết, đặc biệt là đối với những người có yếu tố nguy cơ cao như:
Người đang nhiễm và mắc các bệnh lý liên quan đến gan bao gồm:
Xơ gan do sử dụng bia rượu và các chất kích thích quá mức.
Người đang có các biểu hiện của tổn thương gan như nước tiểu sậm màu, vàng da vàng mắt, đau hạ sườn phải, mệt mỏi, xuất huyết dưới da…
Ngoài ra còn một số trường hợp mắc ung thư gan do nguyên nhân tự phát mà khoa học vẫn chưa thể nghiên cứu và giải thích được. Do vậy, những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải tiến hành tầm soát cũng ung thư gan càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời (nếu cần).
Những danh mục có trong tầm soát ung thư gan
Khám lâm sàng là bước chung nhất của tầm soát các bệnh ung thư. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng không thể thiếu trong tầm soát ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khai thác những thông tin về nghề nghiệp, tuổi tác, các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh của người bệnh, từ đó đưa ra những nhận định ban đầu và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với từng đối tượng.
Dưới đây là một số phương pháp thường được ứng dụng trong công tác tầm soát ung thư gan:
Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh là phương pháp không thể thiếu trong tầm soát ung thư gan. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
Siêu âm ổ bụng
Kỹ thuật này giúp hỗ trợ chẩn đoán nhanh với độ nhạy cao lên đến 87%, giúp phát hiện các khối u có kích thước từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra, siêu âm ổ bụng còn giúp chẩn đoán một số bệnh lý khác về gan như tăng tĩnh mạch cửa, xơ gan. Đa số siêu âm gan sẽ được chỉ định cùng xét nghiệm chỉ số AFP trong máu.
Nội soi
Trước khi thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường ở bụng. Thông qua vết rạch, bác sĩ sẽ tiến hành luồn một ống nội soi vào gan, đầu ống nội soi được gắn một chiếc camera siêu nhỏ giúp thu lại hình ảnh bên trong của gan. Với kỹ thuật này, khả năng phát hiện các tổn thương gan, u gan, viêm gan hoặc xơ gan cao. Thông thường, nội soi sẽ được chỉ định để khẳng định kết quả sau khi người bệnh có kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nghi ngờ ung thư gan. Bác sĩ sẽ kết hợp phương pháp nội soi cùng với sinh thiết.
Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh với độ phân giải cao như chụp CT, MRI
Các kỹ thuật này được thực hiện nếu siêu âm không thể phát hiện ung thư gan giai đoạn sớm nhưng các kết quả sàng lọc nghi ngờ ung thư gan. Đây được đánh giá là phương pháp hiện đại mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm tra và đánh giá các khối u gan.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cũng là một trong những phương pháp được ứng dụng trong tầm soát ung thư gan. Dưới đây là một số loại xét nghiệm được áp dụng phổ biến:
Xét nghiệm AFP
AFP là tên viết tắt của một dạng protein được sản xuất nhiều trong giai đoạn thai kỳ có tên là Protein Alpha Fetoprotein. Sau khi trẻ ra đời và trưởng thành, lượng AFP sẽ giảm dần. Song loại protein này được tìm thấy rất nhiều trong máu của một số người bệnh ung thư gan, bên cạnh đó cũng có trường hợp nồng độ AFP bình thường.
Do vậy, nếu kết quả xét nghiệm AFP cho ra là dương tính thì cũng chưa khẳng định được người bệnh đó đang mắc ung thư gan bởi đây cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề khác tại gan như viêm gan mạn tính, xơ gan.
Xét nghiệm AFP-L3
AFP-L3 do tế bào ung thư gan tiết ra và là đồng đẳng của AFP. Do đó, nếu phát hiện có AFP-L3 sẽ là bằng chứng nghi ngờ mắc ung thư gan. Độ đặc hiệu của xét nghiệm này lên đến 90% với độ nhạy khoảng 56%. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán ung thư gan trước khi người bệnh tiến hành làm sinh thiết.
Xét nghiệm DCP
DCP được sản sinh khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin K. Tuy nhiên, nếu loại trừ được khả năng người bệnh bị thiếu hụt vitamin K mà có chỉ số DCP bất thường thì rất có thể trong gan đang hình thành một khối u. Do đó, xét nghiệm CPD được áp dụng phổ biến trong đánh giá, theo dõi điều trị ung thư gan.
Sinh thiết gan
Đây là phương pháp cuối cùng trong tầm soát ung thư gan. Phương pháp này được chỉ định khi các kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nghi ngờ người bệnh mắc ung thư gan. Song, phương pháp này ẩn chứa những rủi ro về nhiễm trùng, chảy máu. Chính vì thế chỉ thực hiện sinh thiết gan khi thực sự cần thiết.
Tầm soát ung thư gan không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời mà còn giúp chúng ta chủ động điều trị sớm các vấn đề sức khỏe khác (nếu cần). Vậy nên, đừng quên tầm soát ung thư gan định kỳ, nhất là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhé. Chúc bạn sẽ có một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.