Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng sắc tố da ở tay là do những nguyên nhân nào? Cách nhận biết?

Ngày 05/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xuất hiện những mảng trắng, đốm nâu trên tay là tình trạng tăng sắc tố da ở tay phổ biến mà đối tượng nào cũng có thể gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này, các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thế nào cho hiệu quả?

Trong quá trình chăm sóc da, mọi người thường chú trọng da mặt và ít để ý đến vùng da dễ bị tác động là da tay. Nguyên nhân chủ yếu tăng sắc tố da ở tay là do da không được chăm sóc và bảo vệ thường xuyên. Mặc dù hầu hết các trường hợp rối loạn sắc tố da đều vô hại nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý nguy hiểm.

Nhận biết các dạng tăng sắc tố da ở tay

Tăng sắc tố da ở tay là tình trạng trên da tay xuất hiện các đốm đen, nâu, thâm sạm với nhiều kích thước khác nhau, có thể là những mảng da lớn hay các chấm nhỏ ở tay. Những dấu hiệu tăng sắc tố da có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như mặt, ngực, bụng, bắp chân, đùi, tay,... Có thể nhận biết một số loại tăng sắc tố da ở tay thường gặp như sau:

  • Nám da tay: Các đốm nâu, đen hay xám xuất hiện ở ngón tay, mu bàn tay hoặc cả cánh tay.
  • Rám nắng da tay: Khi da tay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài dẫn đến tăng sinh quá mức melanin, gây rám nắng da tay.
  • Đồi mồi da tay: Da xuất hiện các đốm nâu có kích thước dao động từ 0,5 - 2,5cm. Nguyên nhân gây đồi mồi ở tay có thể do các tác nhân từ tuổi tác hoặc môi trường.
  • Vết thâm sẹo: Sau khi bạn bị chấn thương hoặc viêm da ở tay, những đốm sẹo thâm sẽ xuất hiện, đây cũng là một dạng tăng sắc tố da ở tay.

Tăng sắc tố da không phải là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nên không có hại đến sức khỏe của bạn. 

Tăng sắc tố da ở tay là do những nguyên nhân nào? Cách nhận biết? 1
Tăng sắc tố da ở tay là tình trạng trên da tay xuất hiện các đốm đen, nâu, thâm sạm

Trong một số trường hợp, khi bạn chống nắng tốt cho da thì các vùng sậm màu sẽ tự mờ đi. Nhưng nếu bạn bị tăng sắc tố nghiêm trọng hơn, bạn cần phải áp dụng các phương pháp điều trị. Ngay cả khi được điều trị, các đốm nâu sẽ không thể biến mất hoàn toàn.

Tăng sắc tố da ở tay là do nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng sắc tố da ở tay, trong đó những nguyên nhân phổ biến là:

Nội tiết tố thay đổi

Nội tiết tố thay đổi dẫn đến cơ thể tăng sản xuất melanin, gây rối loạn sắc tố da tay. Phụ nữ vào giai đoạn tuổi dậy thì, đang trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, cho con bú hoặc tiền mãn kinh thường bị thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, các yếu tố gây ra tình trạng thay đổi nội tiết tố khác có liên quan đến làm việc, stress, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thuốc tránh thai, hormon, môi trường,... 

Ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời thường xuyên tiếp xúc với vùng da tay. Khi tay không được che chắn và bảo vệ đúng cách ở những thời điểm cường độ ánh sáng mặt trời quá cao, sẽ bị tác động bởi tia cực tím, dẫn đến tăng hoặc giảm sắc tố, gây tình trạng nám sạm, nghiêm trọng nhất là nguy cơ bị ung thư da.

Tuổi tác

Tuổi tác là yếu tố gây ra nhiều vấn đề tăng sắc tố da ở tay và các vị trí khác. Càng lớn tuổi, quá trình lão hóa da diễn ra càng nhanh dẫn đến khiến chức năng đào thải độc tố, chất cặn bã của các tế bào suy yếu dần. Khi các chất này tích tụ dưới da thì vùng da cánh tay trở nên sậm màu.

Hóa chất

So với vùng da khác trên cơ thể, da tay dễ bị tác động bởi các loại hóa chất sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là nước rửa chén, chất tẩy rửa, bột giặt,..., khiến da tay bị ăn mòn dần theo thời gian, gây nên tình trạng rối loạn sắc tố với các biểu hiện da bong tróc, khô ráp, da mỏng và yếu.

Di truyền

Nếu gia đình có bố, mẹ hoặc cả hai có tiền sử bị nám, sạm da hay đang bị tình trạng này thì khả năng di truyền cho con cái là khá cao. Nguyên nhân này rất phổ biến và hầu như các trường hợp tăng sắc tố da do di truyền rất khó điều trị dứt điểm.

Ung thư

Một số bệnh nhân ung thư như ung thư da tế bào đáy, tế bào gai, hắc tố da... có biểu hiện rối loạn tăng hoặc giảm sắc tố da tay. Vì vậy, bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt nếu bạn thấy da tay có những vết thâm sạm, tối màu.

Tổn thương da tay

Một số trường hợp tay bị tổn thương như viêm da, côn trùng cắn,..., sau khi lành nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ hình thành các vết sẹo, thâm sạm. 

Tăng sắc tố da ở tay là do những nguyên nhân nào? Cách nhận biết? 2
Viêm da, côn trùng cắn,... khiến da tổn thương và để lại nhiều vết thâm sẹo

Các giải pháp điều trị tăng sắc tố da ở tay

Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị tăng sắc tố da ở tay bằng nguyên liệu tự nhiên, kem bôi da và cả sử dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, bạn không nên tự điều trị mà nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Sử dụng kem bôi da

Khi chọn loại kem bôi da có tác dụng làm mờ các vết nám, thâm sạm trên da, bạn cần chú ý các thành phần chứa trong kem gồm acid kojic, acid azelaic, acid salicylic, vitamin C, vitamin E, retinol,... có tác dụng ức chế hiệu quả quá trình tăng sản xuất melanin, khắc phục tình trạng tăng sắc tố da.

Tăng sắc tố da ở tay là do những nguyên nhân nào? Cách nhận biết? 3
Sử dụng các loại kem bôi da có tác dụng làm mờ các vết nám, thâm sạm trên da

Sử dụng công nghệ cao

Một số phương pháp điều trị tăng sắc tố da ở tay dùng công nghệ hiện đại đang được áp dụng hiện nay là:

  • Peel da hóa học;
  • Bắn tia laser để phá hủy những tế bào da bị tăng sắc tố, tái tạo da mới;
  • Liệu pháp xung ánh sáng kích thích hình thành các sợi collagen trong lớp biểu bì;
  • Mài mòn da để loại bỏ phần da tay bị tăng sắc tố;
  • Truyền tế bào gốc, vi cấy collagen để tái tạo các tế bào bị tổn thương.

Sử dụng nguyên liệu tự nhiên

Phương pháp điều trị tăng sắc tố da bằng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có mà bạn có thể tham khảo để cải thiện tình trạng tăng sắc tố da ở tay là:

  • Dưa chuột giàu vitamin, chất chống oxy hóa, lại có hàm lượng nước cao, vừa cung cấp độ ẩm vừa cải thiện tình trạng tăng sắc tố da hiệu quả. Bạn chỉ cần cắt dưa chuột thành lát mỏng và đắp trực tiếp lên vùng da tay bị đổi màu.
  • Chanh có chứa thành phần vitamin C, acid citric,... giúp làm mờ những vết thâm, sạm hiệu quả. Chỉ cần thoa nước cốt chanh trực tiếp lên vùng da bị đổi màu. 
  • Khoai tây chứa thành phần vitamin B6, vitamin C, các khoáng chất như kali, kẽm, photpho giúp loại bỏ tế bào da chết, tái tạo collagen và thay thế các lớp da bị sạm màu bằng tế bào da mới. Cắt mỏng khoai tây đắp lên phần da tay bị tăng sắc tố.  
  • Ngoài ra, để cải thiện tình trạng da tay tăng sắc tố, bạn cũng có thể sử dụng nghệ, mật ong, sữa chua, nha đam,...
Tăng sắc tố da ở tay là do những nguyên nhân nào? Cách nhận biết? 4
Dưa chuột vừa có tác dụng cấp ẩm vừa cải thiện tình trạng tăng sắc tố da hiệu quả

Chống nắng cho da

Yếu tố quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bị sắc tố da ở tay là dùng kem chống nắng. Khi tìm loại kem chống nắng cho da, bạn cần lưu ý:

  • Thành phần chính của kem chống nắng là oxit kẽm.
  • Chỉ số SPF từ 30 đến 50.
  • Bảo vệ da quang phổ rộng.

Bạn nên dùng kem chống nắng hàng ngày, đặc biệt dùng thường xuyên hơn nếu bạn đổ mồ hôi hoặc đi bơi; nếu tiếp xúc lâu với ánh nắng, thoa lại sau mỗi 2 giờ. 

Mặc dù tăng sắc tố da ở tay hầu như không gây nguy hiểm nhưng nếu nguyên nhân gây tình trạng này là trường hợp bệnh lý, bạn cần phải đến bệnh viện được thăm khám và điều trị sớm nhằm tránh biến chứng. 

Xem thêm: Vì sao có hiện tượng tăng sắc tố da sau laser?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm