Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tăng tính thấm thành mạch là gì và mối liên quan với hiện tượng phù do viêm

Ngày 30/05/2024
Kích thước chữ

Tăng tính thấm thành mạch thường là nguyên nhân chính gây ra phù do viêm. Dịch phù này còn được gọi là dịch tiết, có hàm lượng protein khá lớn, tỷ trọng cao. Việc biết được cơ chế sinh lý của hiện tượng tăng tính thấm thành mạch là gì giúp bạn đọc giải thích được triệu chứng sưng, phù do viêm.

Trước khi tìm hiểu về tăng tính thấm thành mạch là gì, cùng tìm hiểu về phân bố và cân bằng nước trong cơ thể.

Phân bố nước trong cơ thể

Nước là thành phần rất quan trọng cấu tạo nên cơ thể người, chiếm khoảng 60% trọng lượng ở nam giới và khoảng 50% ở nữ giới. Sự chênh lệch phần trăm lượng nước giữa hai giới tính chủ yếu do cơ thể nữ giới có tỷ lệ mỡ nhiều hơn.

Tỷ lệ nước trong cơ thể thay đổi theo tuổi tác và giai đoạn trưởng thành. Cụ thể, cơ thể trẻ em được xác định là có đến 75% là nước, trong khi con số này ở người cao tuổi chỉ là 50%.

Trong cơ thể, nước phân bố chủ yếu ở hai khu vực là nội bào và ngoại bào. Trong đó, khu vực nội bào chiếm khoảng 55-75% tổng lượng nước trong cơ thể, còn lại ngoại bào chiếm khoảng từ 25-45%. Nước ngoại bào lại được phân thành trong lòng mạch (huyết tương) và ngoài lòng mạch, với tỷ lệ lần lượt là 2/3 và 1/3.

Tăng tính thấm thành mạch là gì 01
Nước chiếm khoảng 50 - 60% cơ thể người trưởng thành

Cân bằng nước trong cơ thể

Việc biết được các yếu tố điều hòa cân bằng nước trong cơ thể, giúp bạn đọc có kiến thức nền tảng để hiểu tăng tính thấm thành mạch là gì. Cụ thể, việc cân bằng nước và điện giải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm áp lực thẩm thấu, áp lực keo, áp lực thủy tĩnh và tính thấm của thành mạch,... Các yếu tố này điều hòa lẫn nhau, giữ cho lượng nước tại các khu vực nội và ngoại bào được ổn định.

Nước được nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm bạn ăn uống hằng ngày. Và ngược lại, bài tiết ra bên ngoài thông qua nước tiểu và thoát mồ hôi. Khi cân bằng nước được duy trì ổn định, tức là lượng nước nhập và xuất xấp xỉ nhau, thì sẽ tạo tiền đề cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh.

Tăng tính thấm thành mạch là gì?

Đặc biệt, nước không ở yên một chỗ mà di chuyển từ trong tế bào ra khoảng gian bào (khoảng giữa các tế bào) và ngược lại. Ngoài ra nước còn di chuyển được từ trong lòng mạch máu ra khỏi lòng mạch máu (vào khoảng gian bào). Cơ chế điều hòa áp lực thẩm thấu và tính thấm của thành mạch tham gia vào quá trình di chuyển này của nước.

Để hiểu được tăng tính thấm thành mạch là gì, bạn đọc cần nắm vững hai khái niệm là áp lực thủy tĩnh và áp lực keo. Áp lực thủy tĩnh là áp lực của nước (chất lỏng) tác động lên lòng mạch máu, có xu hướng đẩy nước ra khỏi lòng mạch. Ngược lại, áp lực keo là áp lực thẩm thấu được tạo ra bởi protein huyết tương (phần lớn là albumin) có nhiệm vụ giữ nước ở bên trong lòng mạch máu. Huyết tương của bạn giữ được trong lòng mạch máu là do có sự cân bằng giữa hai áp lực này.

Tăng tính thấm là khi các chất trung gian hóa học (được phóng thích từ tế bào mast) gây giãn mạch máu, làm albumin thoát ra khỏi lòng mạch. Khi đó, áp suất thủy tĩnh lớn hơn áp lực keo, nước bị đẩy ra khỏi lòng mạch gây hiện tượng phù.

Tăng tính thấm thành mạch là gì 02
Tăng tính thấm thành mạch là gì?

Hiện tượng phù do viêm

Phù được định nghĩa là tình trạng xuất lượng nước bất thường tại dịch gian bào (mô kẽ) hoặc trong các khoang cơ thể. Phù được phân loại bao gồm phù do viêm và phù không do viêm.

Phía trên bài viết đã giải thích cho bạn đọc tăng tính thấm thành mạch là gì và nó ảnh hưởng đến việc nước di chuyển ra bên ngoài lòng mạch như thế nào. Có nhiều tác nhân có thể làm tăng tính thấm thành mạch, bao gồm:

  • Các chất trung gian hóa học gây viêm do tế bào mast giải phóng.
  • Sự bám dính của tiểu cầu, bạch cầu và cấu trúc vách mạch máu.
  • Tăng áp lực thủy tĩnh ở mạch máu ngoại vi, đẩy dịch viêm từ trong mạch thoát ra mô bên ngoài.

Khi thành mạch máu tăng tính thấm, albumin (một loại protein có trong máu) có thể dễ dàng thoát ra khỏi lòng động mạch, làm giảm áp lực keo trong lòng mạch. Lúc này áp lực thủy tĩnh thắng được áp lực keo, do đó đẩy nước từ trong mạch máu ra khoảng gian bào, gây ra hiện tượng phù và các triệu chứng sốt, viêm, dị ứng,...

Một số bệnh lý gây phù cho cơ thể

  • Suy tim sung huyết: Khi tim không còn bơm máu hiệu quả, chẳng hạn như ở bệnh nhân suy tim. Khi đó, máu sẽ không về tim được mà ở lại chân, bàn chân và mắt cá gây phù nề.
  • Bệnh thận: Làm giảm khả năng thải trừ chất lỏng và natri trong máu. Nước và ion natri thừa sẽ làm tăng áp lực mạch máu gây ra phù.
  • Suy tĩnh mạch: Là tình trạng trong đó các tĩnh mạch và van tĩnh mạch ở chân bị suy yếu, không thể bơm đủ máu trở về tim. Máu ở ngoại biên làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, gây ra phù.
  • Phù do thiếu vitamin B1: Phù ở hai chân, ấn lõm, thường biểu hiện rõ vào buổi chiều. Ngoài ra bệnh nhân có có cảm giác tê như kiến bò, chuột rút hoặc mất phản xạ gân gối.
  • Do suy dinh dưỡng: Khi đó cơ thể không có nguyên liệu tạo ra protein để duy trì áp lực keo trong lòng mạch. Suy dinh dưỡng có nguy cơ cao xảy ra ở người bị lao, ung thư, rối loạn tiêu hóa, bại liệt,...
Tăng tính thấm thành mạch là gì 03
Suy tim sung huyết rất dễ gây ra phù nề

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về chủ đề tăng tính thấm thành mạch là gì, cơ chế và mối liên hệ với tình trạng phù do viêm. Việc theo dõi cơ thể và kiểm soát tốt các bệnh lý như suy tim sung huyết, suy dinh dưỡng, suy tĩnh mạch hay bệnh thận, giúp ngăn ngừa triệu chứng phù nề xảy ra.

Xem thêm: Bệnh động mạch chi dưới: Triệu chứng, nguy cơ và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin