Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thai chậm phát triển trong tử cung là gì và cách phòng ngừa

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ

Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) là tình trạng thai nhi nhỏ hơn so với tiêu chuẩn của thai nhi bình thường.

Ai cũng mong muốn thai kỳ của mình diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề mà mẹ phải đối mặt. Một trong số đó chính là hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung. Vậy hiện tượng này là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Thai chậm phát triển trong tử cung là gì?

Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) là tình trạng thai nhi nhỏ hơn so với tiêu chuẩn của thai nhi bình thường. Hay hiểu đơn giản là thai nhi tăng trưởng chậm hoặc phát triển không đồng đều. Trong đó:

  • IUGR đối xứng: Các bộ phận của thai nhi đều phát triển chậm như nhau.
  • IUGR không đối xứng: Đầu phát triển bình thường, các bộ phận còn lại phát triển chậm. Tình trạng này thường gặp ở thai nhi suy dinh dưỡng.

Hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung được xác định khi các chỉ số thai như kích thước và trọng lượng dưới đường bách phân vị trí thứ 10, thứ 5 hoặc 3 (tùy tài liệu). Hiện nay, tình trạng này chiếm khoảng 5 - 7% trên tổng số thai kỳ.

Thai chậm phát triển trong tử cung là gì và cách phòng ngừa 1
Thai chậm phát triển trong tử cung chiếm khoảng 5 - 7% trên tổng số thai kỳ

Làm sao để biết được thai chậm phát triển trong tử cung?

Nếu thường xuyên khám thai định kỳ, mẹ sẽ biết được thai chậm phát triển trong tử cung thông qua nhiều phương pháp. Cụ thể:

  • Siêu âm: Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đo kích thước và trọng lượng thai nhi ít nhất 2 thời điểm, cách nhau tối thiểu 4 tuần. Từ đó lấy số liệu để đối chiếu với chuẩn trung bình. Đây là phương pháp đơn giản nhưng cũng rất hữu hiệu, có thể phát hiện đến 90% trường hợp thai chậm phát triển.
  • Siêu âm Doppler màu: Kỹ thuật này sử dụng để kiểm tra sự phát triển não bộ của thai nhi, đo tốc độ và lưu lượng máu chảy vào mạch máu não.
  • Kiểm tra cân nặng của mẹ: Trong giai đoạn mang thai, mẹ tăng cân ít hơn bình thường và chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai cũng là một dấu hiệu của tình trạng thai nhi phát triển chậm. Bác sĩ sẽ theo dõi và ghi lại những thông tin này để ước tính và chỉ định làm các phương pháp kiểm tra khác.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi: Một số bài kiểm tra thai nhi sẽ được tiến hành, chẳng hạn như đặt dây đai gắn đầu dò xung quanh bụng bầu. Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình.
  • Chọc ối: Phương pháp này có tính xâm lấn nên ít được sử dụng, là lựa chọn cuối cùng. Bác sĩ sẽ dùng kim lấy nước ối và tiến hành kiểm tra xem bên trong có nhiễm trùng hay có vấn đề bất thường về nhiễm sắc thể không. Việc chọc ối có thể gây nguy cơ sinh non.

Nguy hiểm từ thai chậm phát triển trong tử cung

Thai chậm phát triển trong tử cung là tình trạng nguy hiểm, có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ sau này.

Đầu tiên, bào thai chậm phát triển tăng nguy cơ bệnh lý sau sinh: Suy hô hấp, hạ đường máu, nhiễm trùng, rối loạn thân nhiệt, bệnh lý đa hồng cầu. Những bào thai chậm phát triển cũng có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển sau này. Trẻ sẽ phát triển chậm, suy dinh dưỡng, còi cọc, rối loạn chuyển hóa hay các bệnh về tim mạch, hô hấp.

Ngoài ra, khi thai chậm phát triển trong tử cung thường xuyên gây ra hiện tượng thiếu ối. Nghiêm trọng hơn là những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong trong khi sinh và sau khi sinh.

Thai chậm phát triển trong tử cung là gì và cách phòng ngừa 2
Thai chậm phát triển trong tử cung là tình trạng nguy hiểm cần phát hiện sớm

Vì sao có tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung?

Thai chậm phát triển trong tử cung có nguyên nhân chủ yếu từ người mẹ. Cụ thể:

  • Mẹ bị các bệnh cao huyết áp, thận, phổi, tiểu đường, bệnh lý về hồng cầu, hội chứng kháng Phospholipid, bệnh của chất tạo keo,…
  • Mẹ nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc lá hay sử dụng các chất gây nghiện như cocain, heroin.
  • Cơ thể mẹ bị suy dinh dưỡng.
  • Mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Mẹ có tiền sử đẻ con chậm phát triển trong tử cung.
  • Mẹ có những rối loạn về di truyền.

Ngoài ra, tình trạng này có thể do bệnh lý của nhau thai (suy tuần hoàn nhau thai) hoặc do mẹ mang thai đôi, thai ba,… Trong một số trường hợp, nếu mẹ tiếp xúc với những hóa chất độc hại lâu dài cũng gây nên hiện tượng thai nhi chậm phát triển.

Những điều cần làm khi thai chậm phát triển trong tử cung

Trước tiên, cần phải phát hiện sớm tình trạng thai chậm phát triển trong tử cùng để kịp thời can thiệp. Vậy làm sao để phát hiện sớm hiện tượng này? Những lần khám định kỳ sẽ giúp mẹ biết được tình trạng phát triển của thai nhi. Mẹ cần đi khám khi phát hiện có thai và đi khám định kỳ theo lịch dù cơ thể có khỏe mạnh. Ngoài ra, cần lưu giữ các giấy tờ ghi nhận bệnh tật mà mình có để bác sĩ theo dõi kỹ càng hơn.

Khi đã xác định thai chậm phát triển trong tử cung, mẹ cần nghe theo bác sĩ, tìm kiếm nguyên nhân và cách khắc phục. Dưới đây là một số điều cần làm:

  • Thăm khám đúng hẹn theo lịch của bác sĩ.
  • Nằm nghiêng bên trái để giúp tăng lượng máu đến tử cung, tăng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi.
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn, đảm bảo cơ thể mẹ không bị suy dinh dưỡng.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, tối thiểu 8 - 10 ly lớn.
  • Tránh xa rượu bia và các chất kích thích.
  • Đếm số lần thai máy, theo dõi cử động thai bằng máy monitoring.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi sát sao.
  • Lấy thai ra khỏi môi trường bất lợi đúng thời điểm (mổ sinh trước).
Thai chậm phát triển trong tử cung là gì và cách phòng ngừa 3
Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm thai chậm phát triển

Tóm lại, thai chậm phát triển trong tử cung là tình trạng nguy hiểm nhưng sẽ có các phương pháp điều trị kịp thời nếu phát hiện sớm. Do vậy, khi mang thai, mẹ nên đi khám từ sớm và khám đúng hẹn để theo dõi sát sao tình trạng phát triển của thai nhi nhé!

Xem thêm: Thai sớm trong tử cung là gì? Có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin