Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tham khảo các cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ

Ai trong mỗi chúng ta cũng đều từng trải qua cảm giác khó chịu khi bị đờm vướng trong cổ họng. Khi bạn bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc tiếp xúc với nhiều bụi bặm và các yếu tố ô nhiễm, lượng chất nhầy này sẽ được tiết ra nhiều hơn và trở nên đặc hơn. Nếu đờm tích tụ quá nhiều, có thể làm bạn khó thở hoặc khó nuốt. Biết được cách tống đờm ra khỏi cổ sẽ giúp bạn loại bỏ các chất nhầy tồn đọng ở cổ họng một cách dễ dàng, từ đó giảm bớt những cơn ho dai dẳng và phiền toái do chúng gây ra.

Đờm (hay đàm) là một loại chất nhầy bất thường hình thành trên niêm mạc đường hô hấp. Độ quánh đặc của đờm có thể thay đổi khác nhau tùy thuộc vào từng người và từng tình trạng bệnh. Khi đờm tích tụ quá nhiều trong cổ họng, nó có thể gây ra cảm giác vướng víu và khó chịu cho bạn. Cùng Nhà thuốc FPT Long Châu tìm hiểu nhé!

Vì sao có đờm trong cổ họng?

Trước khi tìm hiểu cách tống đờm ra khỏi cổ chúng ta cần biết lý do vì sao có đờm trong cổ họng. Đờm là chất tiết ra từ hốc mũi đến phế nang và được đưa ra ngoài miệng. Đây cũng là dấu hiệu của các bệnh hô hấp nguy hiểm và có thể gây nhiều bất tiện cho người bệnh. Những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của đờm trong cổ họng bao gồm:

  • Dị ứng: Là nguyên nhân phổ biến gây đờm ở cổ họng. Các tác nhân gây dị ứng như: Phấn hoa, khói thuốc, bụi bẩn và khói có thể kích thích sản xuất đờm.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến phổi - cơ quan hô hấp của con người. Việc hút thuốc trong thời gian dài có thể gây viêm cũng như gia tăng sản sinh đờm trong mũi và cổ họng. Nếu người bệnh vừa nghiện thuốc lá vừa uống rượu và sử dụng chất kích thích, nguy cơ có đờm trong cổ họng sẽ cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Sản sinh đờm là cơ chế kháng viêm giúp cơ thể chống lại vi khuẩn hay virus có hại. Tuy nhiên, đờm hình thành quá nhiều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Yếu tố sinh lý: Suy giảm chức năng sinh lý của họng và mũi có thể khiến đờm bị tắc nghẽn. Điều này cũng có thể gây lệch vách ngăn, dẫn đến tắc nghẽn đường lưu thông của đờm.
  • Virus: Các loại virus gây bệnh như: Ho gà, sởi, thủy đậu và phản ứng với một số thực phẩm như: Ngũ cốc, trứng hay thực phẩm từ sữa cũng có thể dẫn đến sự hình thành đờm và gây khó thở.
Cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà - 1
Có nhiều nguyên nhân khiến đờm xuất hiện trong cổ họng

Ngoài ra, yếu tố di truyền, khí hậu và hệ thống miễn dịch suy giảm cũng có thể là nguyên nhân gây ra đờm.

Cách tống đờm ra khỏi cổ họng đơn giản

Để giảm sự khó chịu khi có quá nhiều đờm, bạn có thể tham khảo các cách tống đờm ra khỏi cổ họng đơn giản dưới đây:

Uống nhiều nước ấm

Uống nước ấm là phương pháp đơn giản giúp làm loãng đờm, giảm sự ứ tắc và giúp đờm di chuyển dễ dàng ra khỏi đường thở cũng như giảm ho. Bạn cũng có thể bổ sung thêm nước ép hoa quả, canh hoặc súp loãng hàng ngày. Tuy nhiên cần tránh sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích và caffeine.

Dùng nước muối súc họng

Súc họng bằng nước muối sinh lý ít nhất 2 lần/ngày vào sáng và tối giúp tiêu đờm, làm dịu ho, giảm đau rát họng, kháng khuẩn và chống viêm. Bạn cũng có thể kết hợp rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dùng nước nhỏ mũi để cải thiện tình trạng đờm ở cổ họng.

Sử dụng máy làm ẩm không khí

Không khí hanh khô sẽ gây kích ứng mũi và cổ họng, làm tăng lượng đàm sản sinh. Do đó, sử dụng máy phun sương tạo ẩm trong phòng ngủ là một cách tống đờm ra khỏi cổ họng hiệu quả, giúp mũi thông thoáng và ngăn ngừa đau họng, giúp người bệnh dễ chịu hơn, gia tăng chất lượng giấc ngủ.

Cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà - 2
Tắm với nước ấm là cách đơn giản giúp tống đờm ra khỏi cổ họng

Tắm với nước ấm

Tắm nước ấm giúp dịch nhầy và đờm loãng ra, giảm đau rát họng. Bạn có thể kết hợp với một vài giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc tinh dầu bạc hà để tăng hiệu quả và tạo cảm giác thư giãn.

Sử dụng thực phẩm giúp tiêu đờm

Bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ tiêu đờm trong khẩu phần ăn hàng ngày là cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản và tốt cho sức khỏe. Các loại thực phẩm được khuyên dùng bao gồm: Mật ong, lá bạc hà, hành tây, gừng, nghệ, bắp cải, củ cải trắng, lá hẹ.

Nếu đã thực hiện các cách tống đờm ra khỏi cổ họng trên nhưng vẫn không hiệu quả, bạn có thể dùng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm: Thuốc long đờm, thuốc kháng sinh, kháng viêmxịt mũi.

Cách tống đờm ra khỏi cổ cho bé hiệu quả, an toàn nhất

Dưới đây là những cách tống đờm ra khỏi cổ cho bé an toàn, hiệu quả và đơn giản nhất giúp cổ họng bé thông thoáng và dễ chịu hơn:

Vỗ rung long đờm

Vỗ rung long đờm cho bé giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi và làm long đờm trong phế quản, giúp đờm dễ thải ra ngoài. Hãy vỗ rung lưng trước khi ăn để bé ho và trớ ra đờm nhầy.

Cách vỗ long đờm cho trẻ an toàn thực hiện như sau:

  • Đặt bé nằm và vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý 0,9%.
  • Đặt bé nằm nghiêng.
  • Mẹ khum bàn tay, hơi cong thành nửa vòng và vỗ nhẹ vào lưng bé (không vỗ quá mạnh, vỗ từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong). Nếu bé nằm nghiêng sang phải vỗ lưng bên trái, nếu nằm nghiêng sang trái vỗ lưng bên phải, thay đổi hai bên.
  • Bé sẽ khóc và có thể nôn trớ dịch đờm ra ngoài. Nếu thấy đờm trong miệng bé, mẹ có thể bọc vải gạc sạch vào đầu ngón tay để móc nhẹ đờm ra.
Cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà - 3
Vỗ rung long đờm là cách đơn giản giúp tống đờm cho trẻ

Hút mũi cho bé

Sử dụng nước muối và hút mũi là cách thức hiệu quả nhất để loại bỏ đờm ở bé sơ sinh.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị nước muối sinh lý 0,9% và dụng cụ hút dịch (ống hút mũi thường có đầu cao su mềm, có thể mua tại các hiệu thuốc).
  • Nhỏ 3 giọt nước muối từ từ vào mỗi bên mũi của bé để làm loãng đờm trong họng. Không nên nhỏ quá nhiều nước muối để tránh bé bị sặc.
  • Bóp bóng trước khi đặt đầu hút vào một bên mũi bé, dùng một tay bịt chặt bên mũi còn lại và nhả bóng ra. Dịch đờm trong cổ sẽ bị hút ra ngoài qua ống hút.
  • Thực hiện lặp lại nhiều lần tùy theo mức độ đờm trong cổ họng của bé.
  • Nên hút đờm 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng đờm không còn đáng ngại.

Long đờm cho bé bằng mật ong và chanh

  • Pha 2 thìa cà phê mật ong với nước cốt của 1/3 quả chanh tươi và 5 thìa cà phê nước lọc. Nếm hỗn hợp để đảm bảo vị vừa miệng, không quá ngọt hoặc quá chua.
  • Buổi sáng khi bé vừa ngủ dậy và bụng còn đói, cho bé uống khoảng 100ml nước ấm. Tiếp đó, cho con uống hỗn hợp mật ong chanh.
  • Sau khi bé uống hỗn hợp mật ong chanh, không cho bé ăn hoặc uống gì thêm để hỗn hợp có thời gian ngấm vào họng.
  • Bế bé ngồi khoảng 15-20 phút. Bé sẽ ho để long đờm. Khi bé ho có đờm, bế bé trong lòng, đầu hơi cúi xuống và dùng bàn tay khum lại vỗ nhẹ vào dưới gáy bé để long đờm. Con sẽ nôn hết chỗ đờm trong họng ra.
  • Sau khi nôn trớ ra đờm, bé sẽ chảy nước mũi. Lúc này, nhỏ thuốc mũi, hút sạch mũi, đánh tưa miệng và cho bé uống chút nước lọc. Sau đó, bé có thể ăn uống bình thường.
Cách tống đờm ra khỏi cổ đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà - 4
Sử dụng chanh và mật ong để tống đờm ra khỏi cổ họng cho trẻ tại nhà

Cách phòng ngừa tình trạng đờm trong cổ họng

Để loại bỏ hoàn toàn và ngăn ngừa tình trạng đờm trong cổ họng, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, nên uống trà nóng, ăn các loại cháo, súp để làm thông thoáng đường thở, loãng đờm và tiêu đờm.
  • Dùng thêm một số thực phẩm cay để hỗ trợ long đờm hiệu quả.
  • Hạn chế nạp các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thực phẩm từ sữa hoặc nhiều đường vì chúng có thể gia tăng chất nhầy.
  • Tránh dùng những loại thức ăn gây dị ứng.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào và hạn chế uống các chất kích thích như: Rượu, cà phê.
  • Tránh tiếp xúc với các loại chất độc hại, có nguy cơ gây dị ứng như: Hóa chất, bụi, khói thuốc,...
  • Thường xuyên thổi mũi để tránh chất đờm chảy vào bên trong.
  • Tập hít thở mỗi ngày và thực hiện các bài tập giúp xuất chất đờm ra ngoài.
  • Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc. Khi bị đờm nhiều tại cổ, kê gối cao để ngủ giúp giảm quá trình tích tụ đờm tại cổ họng và để chúng chảy tự nhiên xuống phía sau cổ họng.

Trên đây là những cách tống đờm ra khỏi cổ họng bạn có thể áp dụng khi gặp các bệnh hô hấp. Hy vọng chúng có thể giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài và có xu hướng nặng hơn, bạn nên đi thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin