Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thuốc Katrypsin có phải kháng sinh không? Thuốc có công dụng gì?

Ngày 23/09/2023
Kích thước chữ

Thuốc Katrypsin là thuốc giúp điều trị tình trạng sưng, viêm và phù nề hoặc triệu chứng của một số bệnh liên quan tới phế quản. Đây được coi là một trong những thuốc có tác dụng giảm viêm sưng hiệu quả.

Katrypsin là thuốc thường được dùng trong điều trị tình trạng viêm hoặc phù nề do chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn cho rằng Katrypsin là thuốc kháng sinh. Vậy thuốc Katrypsin có phải kháng sinh không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc này và đem đến những thông tin cần lưu ý khi sử dụng thuốc Katrypsin.

Katrypsin có phải kháng sinh không?

Katrypsin là thuốc gì?

Thuốc Katrypsin được bào chế dưới dạng viên nén có thành phần gồm:

  • Alpha Chymotrypsin: Hàm lượng 4200 IU (21 microkatals);
  • Tá dược: Vừa đủ 1 viên.

Sản phẩm Katrypsin có quy cách đóng gói ở dạng hộp 10 vỉ x 10 viên nén.

Thành phần chính của Katrypsin là Alphachymotrypsin (gọi tắt là chymotrypsin), hoạt chất này được xếp vào nhóm enzym thủy phân, đặc biệt chúng có khả năng phân giải protein rất tốt.

Thuốc Katrypsin có phải là kháng sinh không? Thuốc có công dụng gì? 2
Thuốc Katrypsin có phải kháng sinh không?

Hoạt chất chymotrypsin có những tác dụng như thế nào?

Chymotrypsin là một loại enzym tiêu hóa protein do tuyến tụy sản xuất và được chiết xuất từ tụy bò. Đặc điểm nổi bật của hoạt chất chymotrypsin là khả năng kháng viêm mạnh. Với đặc tính trên, chymotrypsin có thể coi là loại enzym đa năng được sử dụng ở nhiều đường dùng khác nhau cùng với mục đích điều trị tương ứng.

Chymotrypsin thường dùng đường uống hoặc tiêm trong quá trình điều trị các vết thương, viêm mô mềm hoặc phù nề do chấn thương hoặc phẫu thuật. Có thể nói, thuốc được coi như enzym xúc tác quá trình tái tạo tế bào bị tổn thương diễn ra nhanh chóng hơn, từ đó làm cho các tình trạng sưng và đau nhức của các vết thương được cải thiện hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt chất cũng có tác dụng hỗ trợ chữa lành vết thương để giảm tổn thương gan ở bệnh nhân bỏng.

Đối với những đường dùng khác, chymotrypsin có thể dùng đường hít hoặc bôi lên da (dùng tại chỗ) để điều trị các tình trạng liên quan đến đau do sưng (viêm) và nhiễm trùng. Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, chymotrypsin còn được sử dụng để giảm tổn thương cho mắt, nhưng hiện tại ít làm vì nhiều biến chứng và có sự ra đời của nhiều kỹ thuật phẫu thuật hiện đại tiên tiến khác.

Như vậy, có thể nói chymotrypsin được sử dụng rộng rãi (dùng cả bằng đường uống và bôi tại chỗ), để giúp tăng tốc độ chữa lành các vết thương do chấn thương, phẫu thuật và chỉnh hình. Đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống nhiễm trùng của nó giúp cải thiện tình trạng viêm do chấn thương và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục tổn thương, đặc biệt đối với áp xe, loét hoặc chấn thương.

Thuốc Katrypsin có phải là kháng sinh không? Thuốc có công dụng gì? 3
Chymotrypsin có thể dùng để hỗ trợ tan vết máu bầm sau chấn thương

Thuốc Katrypsin được dùng cho trường hợp nào?

Thuốc Katrypsin được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Dùng trong điều trị các triệu chứng sưng tấy, phù nề do chấn thương hoặc tác dụng phụ sau phẫu thuật như khối tụ máu bầm, bong gân, nhiễm trùng, phù nề mí mắt;
  • Dùng giảm tình trạng sưng phù nề ở sau phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ;
  • Dùng điều trị khối áp xe, vết loét và giảm sưng đỏ hiệu quả sau khi thực hiện phẫu thuật hoặc chấn thương;
  • Dùng cho những người bị chấn thương do bỏng da dẫn đến phù nề và bị viêm;
  • Dùng thuốc để điều trị phù nề cho những trường hợp bị thương do ngã, tai nạn.
Thuốc Katrypsin có phải là kháng sinh không? Thuốc có công dụng gì? 3
Katrypsin dùng trong điều trị giảm sưng viêm, phù nề sau chấn thương

Ngoài ra, thuốc cũng có thể dùng để giảm nhanh các phản ứng viêm, phù nề và làm giảm loãng dịch tiết trên đường hô hấp ở bệnh nhân bị hen suyễn, viêm xoang, viêm phế quản khi đã được bác sĩ cân nhắc.

Liều dùng và cách dùng đối với thuốc Katrypsin

Thuốc Katrypsin được bào chế dưới dạng viên nén có hai cách sử dụng là uống hoặc ngậm dưới lưỡi. Liều dùng khuyến cáo của Katrypsin hàm lượng 4200 IU theo khuyến cáo như sau:

  • Dùng đường uống: 2 viên/lần, 3 hoặc 4 lần trong ngày;
  • Hoặc ngậm dưới lưỡi: Dùng 4 - 6 viên chia đều ra trong ngày.

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo vì còn có thể tùy thuộc vào thể trạng người dùng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương, viêm sưng. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn.

Katrypsin có gây tác dụng phụ không?

Tác dụng phụ của thuốc Katrypsin

Bên cạnh vấn đề "thuốc Katrypsin có phải kháng sinh không?" thì các tác dụng phụ của thuốc cũng được quan tâm. Thuốc Katrypsin khá an toàn và ít gây ra tác dụng ngoài ý muốn. Tuy nhiên, một số biểu hiện người dùng có thể gặp liên quan đến những rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón. Những tác dụng phụ này là tạm thời và mau chóng biến mất khi ngừng dùng thuốc. Ngoài ra, hiếm gặp hơn nữa có thể là trường hợp xảy ra tình trạng dị ứng với thuốc hoặc thuốc gây tăng nhãn áp nhất thời.

Thuốc Katrypsin có phải là kháng sinh không? Thuốc có công dụng gì? 6
Katrypsin có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn

Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc Katrypsin ở những người có tiền sử mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong công thức thuốc.

Không dùng Katrypsin cho người bệnh tăng áp suất dịch kính và có vết thương hở hoặc người bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Những lưu ý khi sử dụng Katrypsin

Làm gì khi quên dùng hoặc quá liều Katrypsin?

Quên liều: Người dùng có thể bỏ qua liều cũ và uống tiếp liều mới nếu khoảng cách giữa hai liều quá gần nhau. Chỉ nên sử dụng liều cũ ngay khi phát hiện ra mình đã quên liều và khoảng cách hai liều còn xa nhau.

Quá liều: Khi sử dụng quá liều nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người dùng nên ngưng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Tương tác thuốc

Hiện chưa có bất kỳ ghi nhận nào liên quan đến đặc điểm tương tác thuốc của Katrypsin. Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng đồng thời với những loại thuốc hoặc thảo dược khác.

Katrypsin có dùng cho những đối tượng đặc biệt được không?

Phụ nữ mang thai: Cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng có hại nào khi sử dụng thuốc Katrypsin ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc thận trọng khi dùng thuốc ở đối tượng này.

Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có tài liệu nghiên cứu đầy đủ về sự bài tiết qua sữa mẹ và độ an toàn với trẻ nhỏ, vì thế khuyến cáo không nên dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.

Đối với những người lái xe và vận hành máy móc: Thuốc không gây tác dụng không mong muốn ảnh hưởng trên thần kinh như buồn ngủ, nên có thể sử dụng được cho đối tượng này.

Bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng trực tiếp. Không đông lạnh thuốc trừ khi được yêu cầu trong tờ hướng dẫn sử dụng.

Để thuốc ở xa tầm tay trẻ em để tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Không xả thuốc vào hệ thống thoát nước vì vứt bỏ theo cách này có thể gây ô nhiễm môi trường. Vui lòng tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để có thêm thông tin về cách tiêu hủy chymotrypsin một cách an toàn.

Như vậy, bài viết trên vừa giải đáp cho bạn đọc về thắc mắc "thuốc Katrypsin có phải kháng sinh không?". Hoạt chất chymotrypsin trong Katrypsin không thuộc vào nhóm kháng sinh mà bản chất tác động của loại thuốc này như một enzym phân giải, giúp hỗ trợ nhanh quá trình lành vết thương, giảm sưng hoặc phù nề ở những trường hợp sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Hy vọng những thông tin về thuốc Katrypsin trong bài viết trên hữu ích đối với bạn đọc.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin