Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh: Vì sao cần và khi nào nên tiêm?

Ngày 10/05/2024
Kích thước chữ

Sức khỏe của trẻ sơ sinh luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Ngay sau khi chào đời, bé cần được chăm sóc cẩn thận và đầy đủ để đảm bảo bé phát triển khỏe mạnh. Một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh là tiêm vitamin K. Vậy, vitamin K có vai trò gì và tại sao trẻ sơ sinh cần được tiêm vitamin K?

Có lẽ nhiều cha mẹ còn băn khoăn về việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Liệu việc tiêm này có thực sự cần thiết? Mũi tiêm này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé? Để giải đáp những thắc mắc này, bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về tầm quan trọng của việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu xem nếu thiếu vitamin K trẻ sơ sinh sẽ gặp tình trạng gì?

Trẻ sơ sinh gặp tình trạng gì nếu thiếu vitamin K?

Trẻ sơ sinh nếu không có đủ lượng vitamin K mà cơ thể cần thì sẽ không thể hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị chảy máu ở nhiều vùng cơ thể, tình trạng này thường diễn ra nhanh và đột ngột. Tình trạng thiếu vitamin K hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên khi xảy ra tình trạng này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo ước tính, có khoảng 5 trẻ sơ sinh gặp tình trạng này thì có 1 trẻ bị tử vong.

Điều đáng chú ý hơn nữa chính là trong những trẻ bị xuất huyết do thiếu vitamin K thì có đến ½ trẻ có thể bị xuất huyết não, não úng thủy hay tổn thương não vĩnh viễn. Những trường hợp khác thì xuất hiện xuất huyết ở các bộ phận khác của cơ thể. Có không ít trẻ phải truyền máu và bắt buộc phải được phẫu thuật.

nhung-dieu-cha-me-can-biet-ve-tiem-vitamin-k-cho-tre-so-sinh 1.png
Thiếu vitamin K có thể khiến trẻ gặp tình trạng xuất huyết não

Tình trạng xuất huyết não do thiếu vitamin K có thể xảy ra với trẻ khi:

  • Trẻ sinh non trước 37 tuần tuổi.
  • Khởi phát sớm khoảng 24 giờ đầu sau sinh: Trường hợp này chủ yếu xảy ra ở thai phụ dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc chống co giật hay thuốc chống đông máu làm cản trở đến việc hấp thu vitamin K.
  • Từ ngày tuổi thứ 2 đến thứ 7.
  • Từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 4.
  • Cũng có trường hợp xuất hiện ở trẻ được 6 tháng tuổi, tình trạng này xảy ra ở trẻ bú mẹ hoàn toàn không được tiêm vitamin K dự phòng xuất huyết sau sinh.

Tại sao nên tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh?

Vitamin K là một vi chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu ở trẻ sơ sinh. Thiếu hụt vitamin K có thể dẫn đến nguy cơ xuất huyết não, xuất huyết nội sọ, thậm chí tử vong. Do đó, tiêm vitamin K cho bé sau sinh là một biện pháp phòng ngừa chủ động, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ ngay từ những ngày đầu tiên. Sau đây là lý do vì sao nên tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh bạn nên biết:

  • Hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh, tuy nhiên hàm lượng vitamin K trong sữa mẹ lại khá thấp (khoảng 2 - 5mcg/lít).
  • Lượng dự trữ vitamin K tự nhiên qua nhau thai của trẻ thấp: Vitamin K được truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, nhưng lượng dự trữ này chỉ đủ cho trẻ trong vài ngày sau sinh.
nhung-dieu-cha-me-can-biet-ve-tiem-vitamin-k-cho-tre-so-sinh 2.png
Nên tiêm vitamin K để phòng ngừa tình trạng xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Thời điểm tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, tất cả trẻ sơ sinh, kể cả trẻ sinh thường và trẻ sinh mổ, đều cần được tiêm 1 mũi vitamin K ngay sau sinh.

Liều lượng tiêm:

  • Trẻ sơ sinh nặng hơn 1500 gram: Tiêm bắp 1mg vitamin K1.
  • Trẻ sơ sinh nặng bằng hoặc dưới 1500 gram: Tiêm bắp 0,5 mg vitamin K1.

Thời điểm tiêm: Nên tiêm vitamin K cho trẻ trong vòng 6 giờ đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà bé không được tiêm vitamin K trong vòng 6 giờ đầu tiên, thì vẫn có thể tiêm muộn hơn, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Lưu ý khi tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh:

  • Việc tiêm vitamin K cho bé sau sinh là một biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả, giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ xuất huyết não và các biến chứng khác.
  • Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời điểm tiêm vitamin K cho bé.
  • Nếu bé có bất kỳ phản ứng nào sau khi tiêm vitamin K, cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Có thể thay thế tiêm vitamin K bằng uống vitamin K không?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, trẻ sơ sinh có thể được bổ sung vitamin K bằng 2 cách tiêm bắp hoặc uống. Nếu không tiêm vitamin K cho trẻ, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ 3 liều vitamin K theo lịch trình sau:

  • Liều thứ nhất: Uống 2mg vitamin K1 ngay sau khi chào đời.
  • Liều thứ hai: Uống 2mg vitamin K1 khi trẻ được 7 ngày tuổi.
  • Liều thứ ba: Uống 2mg vitamin K1 khi trẻ tròn 1 tháng tuổi.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin K cho trẻ bằng đường uống không hiệu quả bằng tiêm bắp. Một số nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan, Đức, Úc,... cho thấy rằng việc tiêm vitamin K ngăn ngừa xuất huyết não ở trẻ sơ sinh tốt hơn. Bên cạnh đó, tiêm vitamin K trẻ chỉ cần thực hiện bổ sung 1 lần, còn đường uống thì trẻ cần đủ 3 lần mới có thể có được hiệu quả bảo vệ toàn diện. 

Chính vì vậy, nếu không thể tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh vì lý do bất khả kháng nào đó, thì cha mẹ cần nhớ cho trẻ uống vitamin K theo đúng lịch và cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống vitamin K. Việc xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, phong phú với các thực phẩm giàu vitamin K cũng là cách hiệu quả để bổ sung vitamin K cho trẻ.

Những điều cha mẹ cần biết về tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh 3
Có thể bổ sung vitamin K cho trẻ bằng đường uống

Hy vọng những thông tin trên đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Hãy cùng chung tay chăm sóc sức khỏe của bé để bé luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:VitaminVitamin a