Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Vì sao?

Ngày 23/06/2024
Kích thước chữ

Đau mắt đỏ là bệnh lý nhiễm trùng ở mắt rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là giai đoạn giao mùa hè thu. Vậy đau mắt đỏ lây lan qua con đường nào? Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Phòng ngừa lây nhiễm đau mắt đỏ bằng cách nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết những thắc mắc về đau mắt đỏ.

Trong các bệnh lý ở mắt thì đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh lý thường gặp nhất. Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi thời điểm trong năm nhưng thường gia tăng mạnh trong giai đoạn chuyển từ mùa hè sang mùa thu. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đau mắt đỏ có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Đôi nét về bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh gì?

Trước khi tìm hiểu đau mắt đỏ có bị lây không, chúng ta cần hiểu rõ về căn bệnh này. Bệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng màng trong suốt bên ngoài nhãn cầu. Tình trạng viêm khiến các mạch máu ở kết mạc sưng lên gây chảy nước mắt, lòng trắng xuất hiện màu hồng hoặc đỏ.

Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Vì sao? 1
Đau mắt đỏ là bệnh lý phổ biến

Đau mắt đỏ thường là bệnh lành tính và ít để lại di chứng nếu được chữa trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ là một trong những căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao, nếu không có biện pháp phòng ngừa có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Bị đau mắt đỏ gây ra ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh.

Đau mắt đỏ thường được chia làm 3 loại theo từng nguyên nhân tương ứng gồm:

  • Đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn: Đây là tình trạng phổ biến và nguy hiểm nhất vì bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Với trường hợp đau mắt đỏ này, người bệnh thường khởi phát từ 1 bên mắt rồi lan sang bên còn lại trong vài ngày. Mắt thường bị chảy nước mắt nhiều, đổ ghèn, mắt sưng và đỏ.
  • Đau mắt đỏ dị ứng: Khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng như thức ăn, phấn hoa, mỹ phẩm, thời tiết, lông thú cưng,... sẽ khiến mắt bị đỏ, ngứa mắt, chảy nước mắt,... Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng dị ứng khác như ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi, hen suyễn. Tình trạng này không có khả năng lây nhiễm sang cho người khác.
  • Đau mắt đỏ do kích ứng: Tương tự như dị ứng, đau mắt đỏ do kích ứng mỹ phẩm, dị vật bay vào mắt,... cũng không có tính lây lan. Đau mắt đỏ trong trường hợp này sẽ thuyên giảm dần trong khoảng vài ngày nếu dị vật được tống ra ngoài và không bị xước giác mạc.

Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ

Với thắc mắc đau mắt đỏ có bị lây không, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ. Một số nguyên nhân điển hình như:

  • Do virus: Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ đều do virus gây ra, điển hình nhất là Adenovirus, Herpesvirus, Enterovirus, Coronavirus,...
  • Do vi khuẩn: Đau mắt đỏ có thể do một số vi khuẩn gây ra như Streptococcus pneumonia, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae.
  • Do dị ứng: Đau mắt đỏ có thể do phản ứng của cơ thể với tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, thời tiết,...
  • Do dị vật: Trong quá trình sinh hoạt, dị vật có thể rơi vào mắt khiến mắt bị đỏ, kích ứng, chảy nhiều nước mắt.
  • Do hóa chất bắn vào mắt: Khi tắm, gội, rửa mặt hoặc khi đi bơi, các loại hóa chất có thể rơi vào mắt gây đỏ, ngứa.
Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Vì sao? 2
Người bị đau mắt đỏ cần đi khám để xác định nguyên nhân gây bệnh

Triệu chứng nhận biết bệnh đau mắt đỏ

Ngoài vấn đề tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không thì việc nắm vững các dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ cũng rất cần thiết để phát hiện và phòng ngừa lây nhiễm. Người bị đau mắt đỏ sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như:

  • Lòng trắng mắt bị đỏ;
  • Mắt bị ngứa, hơi cộm;
  • Cảm giác nóng rát, vướng, khó chịu như có dị vật trong mắt;
  • Chảy nhiều nước mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng hơn bình thường;
  • Mắt đổ ghèn nhiều sau khi thức dậy khiến 2 mí dính chặt vào nhau.

Biến chứng do đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ nếu chủ quan không điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, loét giác mạc, thậm chí mù lòa. Vì thế, khi mắt xuất hiện những triệu chứng bất thường như đỏ, sưng, đau, cộm,... thì hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phác đồ điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Tiếp xúc gần với người đau mắt đỏ có bị lây không?

Để biết việc tiếp xúc gần với người đau mắt đỏ có bị lây không chúng ta cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau mắt đỏ của người bệnh. Nếu đau mắt đỏ do dị ứng, kích ứng thì bạn hoàn toàn yên tâm bởi tình trạng này sẽ không có khả năng lây lan.

Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Vì sao? 3
Tiếp xúc gần là con đường lây bệnh đau mắt đỏ từ người sang người

Đối với trường hợp đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn, bệnh có thể lây lan qua nước bọt, qua hô hấp, dịch tiết từ mắt,... Ngoài ra, virus, vi khuẩn gây đau mắt đỏ có thể tồn tại trên bề mặt các đồ vật ngoài môi trường tới 2 ngày.

Do đó, khi bạn tiếp xúc gần với người bệnh, bắt tay, chạm vào những đồ chứa mầm bệnh hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh (khăn mặt, chậu, chăn, gối,...) cũng có thể bị lây bệnh.

Vậy nhìn đau mắt đỏ có bị lây không? Câu trả lời là "Không". Việc nhìn vào mắt người bệnh ở khoảng cách xa không làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Bởi đau mắt đỏ chỉ lây khi bạn có tiếp xúc gần với người bệnh.

Biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh cũng dễ tái phát lại nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Do đó, sau khi đã xác định được đau mắt đỏ có bị lây không thì việc phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Người bị đau mắt đỏ và người xung quanh cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh sau đây:

Đối với người bị đau mắt đỏ

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
  • Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày.
  • Không đưa tay lên dụi mắt.
  • Sử dụng khăn mặt, chậu, đồ dùng cá nhân riêng trong thời gian bị bệnh.
  • Nên giặt riêng khăn mặt, quần áo và phơi ở nơi có ánh nắng mặt trời hoặc tiệt trùng bằng máy UV.
  • Hạn chế đến nơi đông người và tiếp xúc gần với người xung quanh.
  • Hạn chế sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khi bị đau mắt đỏ.
  • Không nên tự ý mua thuốc điều trị hoặc áp dụng các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.
Tiếp xúc với người đau mắt đỏ có bị lây không? Vì sao? 4
Thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay để tránh lây lan virus, vi khuẩn ra xung quanh

Đối với người có nguy cơ lây nhiễm

  • Rửa tay và sát khuẩn tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi tiếp xúc, cầm nắm với đồ dùng chung của người bị đau mắt đỏ.
  • Tuyệt đối không sử dụng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc, nói chuyện với người bị đau mắt đỏ.
  • Hạn chế đưa tay lên dụi mắt vì có thể vô tình đưa virus, vi khuẩn từ tay lên mắt.

Trên đây là một số thông tin chi tiết về triệu chứng và khả năng lây lan của bệnh đau mắt đỏ. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc đau mắt đỏ có bị lây không, đồng thời có thêm kiến thức để xử trí và phòng ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ ra cộng đồng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin