Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy có sao không? Khi nào cần khám bác sĩ?

Ngày 06/07/2024
Kích thước chữ

Trẻ em thường có hệ tiêu hóa không ổn định làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Không ít trường hợp trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Hệ tiêu hóa quyết định phần lớn khả năng miễn dịch của trẻ, thậm chí có đến 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột. Nhưng khi làm quen với nhiều loại thức ăn mới và môi trường sống, trong quá trình trẻ lớn lên sẽ không ít lần trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy. Vậy nguyên nhân dẫn đến trẻ đi phân hoa cà hoa cải là gì? Trẻ đi phân hoa cà hoa cải có nhầy có sao không và khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy là thế nào?

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy là cách nói dân gian dùng để chỉ tình trạng phân của trẻ có màu sắc khác là, không đồng nhất, kết cấu lỏng hơn bình thường. Chất thải trong trường hợp này thường có màu vàng lẫn xanh hoặc nâu, kèm chất nhầy có thể màu trong hoặc vàng. Chất thải có phần nhớt hơn bình thường, mùi tanh nồng hoặc chua khác lạ. Có trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy nhưng cũng có trẻ phân có mùi tanh và nhầy.

Khi trẻ đi hoa cà hoa cải, tần suất đại tiện của trẻ cũng tăng lên khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đây là tình trạng mà hầu hết trẻ nhỏ đều gặp ít nhất một lần trong đời. Chỉ cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ sớm được kiểm soát và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy có sao không? Khi nào cần khám bác sĩ 1
Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy khá thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nguyên nhân khiến trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy

Màu phân nói lên điều gì? Màu phân phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe đường ruột. Trẻ đi ngoài phân hoa cà hoa cải có nhầy có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý.

Nguyên nhân sinh lý

Trẻ đi phân hoa cà hoa cải có nhầy có thể do các nguyên nhân sinh lý như:

  • Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện ở trẻ sơ sinh nên việc tiêu hóa, hấp thụ thức ăn còn chưa hiệu quả. Đường ruột của trẻ vẫn đang học cách xử lý các enzym tiêu hóa và vi khuẩn, dẫn đến phân hoa cà hoa cải.
  • Chuyển đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc thức ăn dặm cũng khiến hệ tiêu hóa của trẻ cần điều chỉnh để thích nghi. Khi hệ tiêu hóa chưa kịp làm quen với thức ăn mới, trẻ đi tiêu có thể gặp tình trạng hoa cà hoa cải có nhầy. Một số trẻ đi ngoài có chất nhầy màu nâu có thể do được uống bổ sung sắt.

Nguyên nhân bệnh lý

Nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa dẫn đến triệu chứng trẻ đi ngoài phân hoa cà hoa cải như:

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn hoặc virus có thể gây ra viêm nhiễm ở đường tiêu hóa, làm tăng sản xuất nhầy để bảo vệ niêm mạc ruột. Các loại vi khuẩn như E. coli, Salmonella và virus như Rotavirus là những tác nhân thường gặp gây nhiễm trùng đường ruột, dẫn đến phân có nhầy kèm theo các triệu chứng như sốt, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Dị ứng thực phẩm cũng là một nguyên nhân khá phổ biến. Một số trẻ có cơ địa dị ứng với các loại thực phẩm như sữa bò, đậu nành có thể gây ra viêm niêm mạc ruột, làm tăng tiết nhầy và gây ra phân nhầy. Trẻ bị dị ứng thực phẩm thường có thêm các triệu chứng như phát ban, khó thở hoặc đau bụng.
  • Trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như: Bệnh Celiac (dị ứng gluten), viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng). Các bệnh này có thể gây ra viêm nhiễm mãn tính ở ruột, làm tăng sản xuất nhầy đi kèm với các triệu chứng khác như đau bụng, sụt cân, mệt mỏi và phân bất thường.
Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy có sao không? Khi nào cần khám bác sĩ 2
Hiểu rõ nguyên nhân giúp nhận biết tình trạng sức khỏe của trẻ và có biện pháp xử lý kịp thời

Triệu chứng cần theo dõi khi trẻ đi hoa cà hoa cải

Bất cứ vấn đề bất thường nào xảy ra với hệ tiêu hóa của trẻ cũng cần được theo dõi sát sao, khám chữa kịp thời. Theo đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy cần được theo dõi sát sao khi có thêm các biểu hiện:

Sốt: Sốt có thể là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc viêm. Nếu trẻ bị sốt kèm theo phân nhầy, có thể có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Nôn mửa: Đây là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể để tránh phải dung nạp loại thức ăn không mong muốn. Nôn mửa kèm phân nhầy có thể chỉ ra rằng hệ tiêu hóa của trẻ đang gặp khó khăn trong việc xử lý thức ăn hoặc chất lỏng.

Bụng chướng, đầy hơi: Đầy hơi, chướng bụng là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, có thể do sự tích tụ khí hoặc chất lỏng trong ruột. Trẻ có thể cảm thấy đau bụng, quặn thắt do ruột bị kích thích hoặc viêm nhiễm. Đau bụng thường khiến trẻ quấy khóc và khó chịu. Trẻ quấy khóc liên tục và khó chịu có thể là dấu hiệu của cơn đau bụng hoặc cảm giác không thoải mái trong cơ thể. Bỏ bú hoặc ăn ít hơn bình thường là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về tiêu hóa hoặc cảm thấy không khỏe.

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy có sao không? Khi nào cần khám bác sĩ 3
Không nên để trẻ bị rối loạn tiêu hóa quá nặng

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Nếu trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy xuất hiện các dấu hiệu sau, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám:

  • Các triệu chứng đi ngoài kèm nôn, quấy khóc, bỏ bú, ít chơi,... kéo dài hơn 1 tuần. Trẻ đi ngoài, nôn kèm sốt kéo dài hơn 3 ngày. Điều này có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng mãn tính hoặc một bệnh lý tiêu hóa.
  • Phân có máu hoặc màu sắc bất thường như màu đen có thể cảnh báo chảy máu ở đường tiêu hóa trên, phân màu đỏ có thể là dấu hiệu của chảy máu ở đường tiêu hóa dưới.
  • Mất nước là tình trạng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Trẻ mất nước có triệu chứng khô miệng, mắt trũng, khóc không có nước mắt, và ít đi tiểu. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay để được bù nước và điều trị kịp thời.

Chăm sóc và điều trị trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy

Việc chăm sóc trẻ khi bị rối loạn tiêu hóa bắt đầu từ việc giữ vệ sinh sạch sẽ đồ dùng của bé. Bình sữa, muỗng thìa cần được tiệt trùng. Đồ chơi hàng ngày cần được làm sạch thường xuyên. Khu vực ăn, chơi, ngủ, nghỉ của trẻ cần đảm bảo luôn sạch sẽ.

Cho trẻ tăng cường bú mẹ, uống sữa, uống nước để phòng ngừa mất nước. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống đồ uống có đường và có gas. Cách hỗ trợ tiêu hoá cho trẻ là chọn thực phẩm dễ tiêu như đồ nghiền, cháo, súp. Mẹ cũng nên tránh cho trẻ em thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như sữa bò, đậu nành, đồ ăn giàu chất béo, đồ ăn nhiều gia vị mạnh.

Sử dụng thuốc trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ dù là thuốc hạ sốt hay thuốc giảm đau, men vi sinh. Cha mẹ không tự ý cho bé dùng kháng sinh hay các loại thuốc khác.

Trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy có sao không? Khi nào cần khám bác sĩ 4
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu bé đi hoa cà hoa cải trong hơn 1 tuần

Khi chăm sóc trẻ đi hoa cà hoa cải có nhầy tại nhà, cha mẹ cần liên tục theo dõi các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu các triệu chứng không giảm sau vài ngày hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. 

Xem thêm: Bị tiêu chảy nhiều ngày nên làm gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin