Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào?

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Củ đậu là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng phổ biến trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Vậy người mắc bệnh tiểu đường có ăn được củ đậu không?

Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh lý có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, do đó, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có vai trò hết sức quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích dinh dưỡng của củ đậu đối với sức khỏe con người và giải đáp thắc mắc liệu rằng bị tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào là hợp lý nhất?

Những giá trị dinh dưỡng từ củ đậu

Củ đậu có tên khoa học là Pachyrhizus erosus hay còn được biết đến với một cái tên thông dụng hơn là jicama. Mặc dù nhiều người thường xem củ đậu như một loại thực phẩm chỉ đơn giản là làm mát cơ thể và lấp đầy dạ dày nhưng thực tế củ đậu có một bảng thành phần dinh dưỡng rất ấn tượng, đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học.

Hầu hết lượng calo trong củ đậu đến từ carbohydrate, trong khi protein và chất béo chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Củ đậu cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, đồng thời chứa một lượng lớn chất xơ.

Cụ thể, trong 100 g củ đậu chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • Lượng calo: 38 kcal;
  • Carbohydrate: 8,82 g;
  • Chất đạm: 0,72 g;
  • Chất béo: 0,09 g;
  • Chất xơ: 4,9 g;
  • Vitamin C: 20,2 mg (nhu cầu mỗi ngày là 15 - 120 mg).

Củ đậu cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất vi lượng như sắt, magie, kali, mangan, vitamin E, thiamine, vitamin B2, B3, B5, B6, B9, canxi, phốt pho, kẽm và đồng.

Loại rau này có lượng calo thấp, nhiều chất xơ và nước nên thường được xem là một phần quan trọng trong chế độ ăn kiêng giảm cân. Chỉ cần một chén củ đậu (130 gam) đã có thể đáp ứng 17% nhu cầu chất xơ hàng ngày cho nam giới và 23% cho phụ nữ.

Ngoài ra, củ đậu còn là nguồn cung cấp tốt vitamin C, một vitamin tan trong nước quan trọng. Vitamin này hoạt động như chất chống oxy hóa trong cơ thể và đóng vai trò không thể thiếu trong nhiều phản ứng enzym.

Tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào? 1
Củ đậu chứa các thành phần dinh dưỡng rất ấn tượng

Tiểu đường có ăn được củ đậu không?

Với hàm lượng vitamin và chất dinh dưỡng dồi dào, củ đậu mang đến những lợi ích về mặt sức khỏe dành cho người bệnh đái tháo đường:

  • Tác dụng chống oxy hóa: Nhờ chứa hàm lượng cao vitamin C (100 g củ đậu có thể cung cấp 20% nhu cầu vitamin C hằng ngày của cơ thể) cùng với vitamin E, selen và beta-carotene. Các nghiên cứu đã chứng minh vitamin C có trong củ đậu giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngăn ngừa quá trình stress oxy hóa, chống lại tác động của các gốc tự do, giúp sửa chữa các tế bào bị hỏng và thúc đẩy quá trình trẻ hóa da. Tất cả những tác dụng này đều có lợi cho sức khỏe của những người mắc bệnh đái tháo đường.
  • Điều chỉnh lượng đường trong máu: Chỉ số đường huyết (GI) của củ đậu là 17, thuộc nhóm thực phẩm có mức chỉ số đường huyết thấp. Trong một nghiên cứu cho thấy chất xơ từ củ đậu giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu và trọng lượng cơ thể tăng quá mức ở chuột được nuôi bằng chế độ ăn nhiều đường. Bên cạnh đó, củ đậu còn giúp cải thiện độ nhạy của insulin - một hormone có vai trò làm giảm đường huyết.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch: Chứa chất xơ, kali, sắt, đồng và nitrat là những thành phần có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm cholesterol xấu, hạ huyết áp và cải thiện tuần hoàn.
  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Kích thích tiêu hóa và hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển nhờ chất xơ và nước, giúp đường ruột khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và béo phì.

Như vậy, những ai đang thắc mắc bị bệnh tiểu đường có ăn được củ đậu không thì củ đậu mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe, chính vì thế người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể sử dụng được và bổ sung nó vào chế độ ăn kiêng.

Tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào? 2
Củ đậu thích hợp cho người bị tiểu đường

Những lưu ý cho người bệnh đái tháo đường khi ăn củ đậu

Khi ăn củ đậu, người bệnh nên sử dụng bộ phận rễ của cây tức là phần củ. Phần còn lại của cây gồm hạt và hoa chứa rotenone. Đây là một loại thuốc trừ sâu tự nhiên độc hại đối với con người, đặc biệt khi sử dụng ở liều lượng lớn. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng rotenone có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Ngoài ra, cần lưu ý loại bỏ hoàn toàn phần vỏ của củ đậu trước khi sử dụng. Nếu gặp các phản ứng dị ứng hoặc triệu chứng tiêu hóa bất thường sau khi ăn củ đậu, bạn nên tránh sử dụng loại rau củ này trong tương lai.

Cách đơn giản nhất để ăn củ đậu là gọt sạch vỏ và ăn sống. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng củ đậu làm thành phần kết hợp để tạo ra nhiều món ăn khác ví dụ như salad.

Ngoài những cách trên, còn có một số phương pháp thưởng thức cầu kỳ hơn:

Cách 1: Cắt củ đậu thành lát mỏng, rắc một chút muối và nước cốt chanh, sau đó thêm một lớp quả bơ lên trên.

Cách 2: Xào củ đậu kết hợp với các loại rau khác như bông cải xanh và cà rốt, để tạo ra món ăn phong phú và ngon miệng.

Tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào? 3
Bộ phận dùng ăn được là rễ củ, gọt sạch vỏ trước khi dùng

Bệnh đái tháo đường cần lưu ý trong ăn uống như thế nào?

Người mắc bệnh tiểu đường cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì kiểm soát đường huyết, ổn định huyết áp và giảm cholesterol trong máu. Mục tiêu của họ là kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường bao gồm các vấn đề về tim mạch, đột quỵ hay ung thư.

Một số lời khuyên từ các chuyên gia về ăn uống cho bệnh nhân đái tháo đường:

  • Chọn thực phẩm chứa tinh bột hay carbohydrate lành mạnh như gạo lứt, yến mạch, kiều mạch nguyên hạt, trái cây, rau. Một số loại đậu gồm đậu xanh, đậu lăng đồng thời bổ sung thêm sữa hay sữa chua không đường,...
  • Không nên ăn nhiều muối. Ăn mặn có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Khi bị đái tháo đường, bạn đã có nguy cơ mắc các bệnh kể trên. Vì thế, chế độ ăn ít muối là tốt cho người bị đái tháo đường. Bạn chỉ nên ăn dưới 5 g (một thìa cà phê) muối một ngày.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) và thịt chế biến (giăm bông, thịt xông khói, xúc xích) và thay bằng các thực phẩm như các loại đậu, trứng, cá, thịt trắng (gà).
  • Bổ sung trái cây, rau quả cho khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày. Đường trong trái cây là đường tự nhiên tốt cho sức khỏe, khác với đường bổ sung từ những thực phẩm như socola, bánh kẹo. Nên dùng trái cây nguyên quả là tốt nhất vì nước ép trái cây cũng được xem là đường bổ sung. Nên ăn trái cây với các phần nhỏ, chia đều các bữa trong ngày thay vì dùng một phần lớn một lần.
  • Sử dụng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu, dầu cá, dầu hướng dương,... Người mắc bệnh đái tháo đường nên giảm sử dụng dầu, tốt nhất là hấp hoặc luộc.
  • Hạn chế đường bổ sung từ bánh kẹo, nước ngọt,... Tuy nhiên, trong quá trình điều trị đái tháo đường, bác sĩ có thể khuyên bạn dự trữ thực phẩm có đường như kẹo,... để sử dụng trong trường hợp bị hạ đường huyết đột ngột. Ở tình huống này, người bệnh phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị hạ đường huyết, bạn phải trao đổi ngay với bác sĩ điều trị để được tìm giải pháp tốt nhất.
  • Không uống rượu, bia: Rượu bia là thức uống có hàm lượng calo cao, vì thế nếu muốn giảm cân phải tránh xa rượu bia. Bên cạnh đó nếu người bệnh đang sử dụng insulin, việc uống rượu khi bụng đói sẽ làm cho tình trạng hạ đường huyết xảy ra dễ dàng hơn.
  • Tập thể dục đều đặn: Đây cũng là một cách quan trọng giúp tăng cường chất lượng sống của người mắc bệnh đái tháo đường. Người bệnh nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần với độ khó vừa phải phù hợp với thể trạng, tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và ra mồ hôi. Một số bài tập thể dục tham khảo như đi bộ, đạp xe, tập yoga,...
Tiểu đường có ăn được củ đậu không? Ăn như thế nào? 4
Một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh sẽ mang đến một cơ thể khỏe mạnh

Bài viết vừa cung cấp lời giải đáp cho câu hỏi "Tiểu đường có ăn được củ đậu không?". Tóm lại, củ đậu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nói chung và người bệnh đái tháo đường nói riêng. Do vậy người bệnh đái tháo đường vẫn có thể dùng trong khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn và gia đình!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin