Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu về cấu tạo của màng phim nước mắt và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe

Ngày 11/09/2024
Kích thước chữ

Màng phim nước mắt là lớp bảo vệ mỏng manh che phủ bề mặt trước của giác mạc, giữ cho giác mạc luôn được ẩm mịn và giúp lớp biểu mô giác mạc trở nên trơn láng. Lớp màng này không chỉ đóng vai trò duy trì độ ẩm mà còn cung cấp dưỡng chất cho giác mạc, hỗ trợ quá trình tái tạo và phục hồi khi biểu mô bị tổn thương.

Ngoài tác dụng bôi trơn, màng phim nước mắt còn bảo vệ mắt khỏi các yếu tố bên ngoài như bụi bẩn và vi khuẩn, giúp duy trì sức khỏe toàn diện của giác mạc. Sự quan trọng của màng phim nước mắt trong việc duy trì thị lực và sức khỏe mắt không thể bỏ qua, nhất là khi nó mất đi sự ổn định có thể dẫn đến khô mắt và các vấn đề liên quan. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về màng phim nước mắt trong bài viết dưới đây.

Cấu tạo và sinh lý của màng phim nước mắt

Lớp màng nước mắt là một lớp bao phủ mặt trước của giác mạc, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm cho giác mạc và tạo ra bề mặt lớp biểu mô giác mạc trơn láng. Ngoài chức năng giữ ẩm, màng phim nước mắt còn cung cấp dưỡng chất và giúp ổn định, hàn gắn lớp biểu mô giác mạc khi bị tổn thương.

Màng phim nước mắt có độ dày khoảng 7µm và thể tích khoảng 6,5 ± 0,3µm³, bao gồm ba lớp chính từ ngoài vào trong:

Lớp lipid bên ngoài

  • Lớp lipid bên ngoài bao gồm lớp phospholipid phân cực và lớp không phân cực chứa sáp, cholesterol esters và triglycerid giúp tạo ra một lớp màng bảo vệ. Lớp lipid phân cực giữ các lipocalins trong lớp nước là một protein nhỏ gắn với các phân tử kỵ nước, góp phần vào độ nhớt của nước mắt. Khi nhấp nháy mắt, lipids được giải phóng từ các tuyến và độ dày của lớp lipid thay đổi theo tần số nhấp nháy.
  • Chức năng chính của lớp lipid là ngăn chặn sự bốc hơi của lớp nước và duy trì độ dày của màng phim nước mắt, hoạt động như chất hoạt động bề mặt (surfactant) để phân bố đều màng phim nước mắt. Thiếu hụt lớp lipid có thể dẫn đến khô mắt do bốc hơi nước nhanh.
Tìm hiểu về màng phim nước mắt 1
Màng phim nước mắt được cấu tạo bởi ba lớp chính

Lớp nước ở giữa

  • Lớp nước giữa, được sản xuất chủ yếu bởi tuyến lệ chính (95%) và một phần bởi các tuyến lệ phụ Krause và Wolfring, bao gồm nước, điện giải, nhầy tan và các yếu tố tăng trưởng. Sự tiết nước mắt có thể là cơ bản hoặc theo phản xạ với chế tiết cơ bản chiếm 5% và bị điều khiển bởi hệ thần kinh giao cảm. Chế tiết theo phản xạ xảy ra khi có kích thích từ giác mạc hoặc kết mạc, chẳng hạn như khi bị vỡ màng phim nước mắt hoặc nhiễm trùng.
  • Chức năng của lớp nước là cung cấp môi trường giàu oxy cho lớp biểu mô giác mạc, chống nhiễm khuẩn nhờ các protein như IgA, lysozyme và lactoferrin, loại bỏ các chất cặn bã và tạo bề mặt trơn láng cho giác mạc.

Lớp nhầy trong cùng

  • Lớp nhầy là các glycoprotein có trọng lượng phân tử cao, được sản xuất chủ yếu bởi tế bào Goblet ở kết mạc và một phần do tuyến lệ. Chúng tạo ra lớp glycocalyx bao phủ bề mặt ngoài tế bào biểu mô. Lớp nhầy có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường ẩm ướt cho bề mặt nhãn cầu, chuyển đổi lớp biểu mô từ kỵ nước thành ưa nước và làm trơn láng bề mặt nhãn cầu.

Sự điều hòa màng phim nước mắt

Màng phim nước mắt được phân bổ đều trên bề mặt nhãn cầu thông qua cơ chế nhấp nháy mắt, được điều khiển bởi hệ thần kinh. Để màng phim nước mắt hoạt động hiệu quả, cần có phản xạ nhấp nháy bình thường, tiếp xúc giữa bề mặt nhãn cầu và mí mắt và một lớp biểu mô giác mạc khỏe mạnh.

Các hormone, đặc biệt là androgen, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sản xuất lipid của màng phim nước mắt. Trên kết mạc và giác mạc có các thụ thể của estrogen và progesterone, cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến lệ.

Tìm hiểu về màng phim nước mắt 2
Các phản xạ nháy mắt giúp điều tiết hoạt động màng phim nước mắt

Hệ thần kinh cũng ảnh hưởng đến sản xuất nước mắt và nhầy qua sự kích thích của các tuyến lệ và tế bào Goblet. Tuổi tác là một yếu tố quan trọng với sự giảm tiết nước mắt khi có sự thay đổi về hình thái học của tuyến lệ và sự lão hóa của các tuyến tiết nước mắt.

Các yếu tố khác gây giảm tiết nước mắt bao gồm sử dụng máy vi tính, bệnh toàn thân như hội chứng Sjögren, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp và các điều kiện môi trường như bụi, ánh sáng huỳnh quang và khí hậu khô. Sử dụng một số loại thuốc và can thiệp phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất nước mắt và nhầy.

Ngược lại, các yếu tố gây tăng tiết nước mắt bao gồm kích thích từ viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, dị vật, tia tử ngoại và các bệnh lý ở các cơ quan lân cận mắt.

Các ảnh hưởng nếu màng phim nước mắt không khỏe

Cấu tạo của màng phim nước mắt bao gồm ba lớp, giúp duy trì bề mặt nhãn cầu khỏe mạnh. Thiếu hụt ở bất kỳ lớp nào đều có thể gây ra các bệnh lý về mắt.

Tìm hiểu về màng phim nước mắt 3
Khi màng phim nước mắt bị tổn thương sẽ gây ra nhiều bệnh lý về mắt nghiêm trọng

Một số bệnh liên quan đến màng phim nước mắt bao gồm:

  • Viêm tuyến lệ hoặc viêm bờ mi: Rối loạn chức năng lớp lipid khiến màng phim nước mắt bốc hơi nhanh hơn dẫn đến khô mắt, đỏ mắt, bỏng rát và nhạy cảm với ánh sáng. Các triệu chứng này thường nặng hơn vào buổi sáng.
  • Khô mắt: Rối loạn chức năng tuyến lệ dẫn đến việc sản xuất nước mắt không đủ, gây khô mắt. Nguyên nhân có thể do tuổi tác, đeo kính áp tròng, sử dụng thuốc, phẫu thuật Lasik hoặc các bệnh lý khác.
  • Viêm kết mạc hai bên và loét giác mạc: Lớp phim nước mắt giúp giữ ẩm và bảo vệ giác mạc. Khi bị khô mắt, tế bào biểu mô giác mạc có thể bị tổn thương. Ở giai đoạn nhẹ, các tổn thương chỉ ở mức rải rác và có thể phục hồi sau điều trị. Tuy nhiên, ở giai đoạn nặng, vi khuẩn trên bề mặt mắt có thể xâm nhập vào các vùng tổn thương gây viêm loét giác mạc nhiễm trùng - một bệnh lý nhãn khoa cấp cứu và là nguyên nhân chính gây mù lòa.
  • Dị ứng mắt: Nước mắt có cơ chế di chuyển đặc biệt, giúp loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn khỏi bề mặt mắt. Ở bệnh nhân khô mắt, cơ chế này suy yếu gây kích ứng và viêm kết mạc dị ứng. Sử dụng nước mắt nhân tạo có thể làm giảm triệu chứng dị ứng và hỗ trợ loại bỏ dị vật.
  • Hội chứng khô mắt thời COVID-19: Đeo khẩu trang thường xuyên làm gia tăng bốc hơi nước mắt do luồng khí thở ra lên bề mặt mắt, gây khô và kích ứng. Viêm kết mạc do COVID-19 thường tự khỏi, chỉ cần sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm triệu chứng và trong một số trường hợp có thể dùng thêm kháng sinh dự phòng.
Tìm hiểu về màng phim nước mắt 4
Sử dụng nước mắt nhân tạo giúp duy trì độ ẩm và bôi trơn cho mắt

Nước mắt nhân tạo với các thành phần mô phỏng một trong ba lớp của màng phim nước mắt tự nhiên, thường được sử dụng để bôi trơn và duy trì độ ẩm cho mắt khô. Các loại nước mắt nhân tạo hiện nay được chia thành hai nhóm: Có chất bảo quản và không có chất bảo quản. Chất bảo quản giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương kết mạc và giác mạc do độc tính của nó. Vì vậy, đối với những người cần sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên (6 - 8 lần/ngày) hoặc lâu dài, nên chọn loại không chứa chất bảo quản để bảo vệ mắt tốt hơn.

Như vậy mới những thông tin mới mẻ trên đây hy vọng có thể giúp mọi người biết về màng phim nước mắt và cách bảo vệ cho đôi mắt mình luôn khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin