Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổng hợp các bệnh tiêu hóa mùa bão lũ nguy hiểm và cách phòng ngừa

Ngày 17/03/2024
Kích thước chữ

Vào mùa mưa bão thì vô số sinh vật từ đất, bụi, rác thải, chất thải…, hòa vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường. Điều này khiến người dân có nguy cơ rất cao mắc các bệnh về đường tiêu hóa khi bão lũ. Dưới đây là tổng hợp các bệnh tiêu hóa mùa lũ nguy hiểm mà các bạn có thể tham khảo.

Mùa mưa bão gây ô nhiễm nguồn nước và dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Điều này gây nên nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe của con người. Con người rất dễ bị ngộ độc nếu không lựa chọn và chế biến thực phẩm đúng cách và cẩn thận.

Bệnh do vi khuẩn

Bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn Salmonella

Đây là tình trạng do nhiễm vi khuẩn Salmonella hay còn gọi là vi khuẩn thương hàn trong dạ dày và đường ruột, tương tự như viêm dạ dày. Salmonella bao gồm Salmonella typhi và Salmonella paratyphi A, B, C. Tất cả những vi khuẩn này đều có thể gây bệnh thương hàn.

Vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa và sau khi chết sẽ giải phóng nội độc tố. Càng nhiều vi khuẩn salmonella chết đi thì chúng càng tiết ra nhiều độc tố để tấn công cơ thể người bệnh. Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella có thể tác động tiêu cực đến ruột, gây tổn thương niêm mạc ruột, kích thích gây đau bụng khó chịu, gây chảy máu, thậm chí thủng ruột.

tong-hop-cac-benh-tieu-hoa-mua-bao-lu-nguy-hiem-va-cach-phong-ngua 1.jpg
Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella có thể tác động tiêu cực đến ruột

Bệnh dịch tả

Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa. Phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae là nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là độc tố dịch tả do vi khuẩn tả sinh ra trong ruột non. Các chất độc liên kết với thành ruột và cản trở dòng chảy bình thường của clorua và natri. Điều này kích thích cơ thể tiết ra một lượng lớn nước, gây tiêu chảy. Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, mất nước và mất điện giải nghiêm trọng. Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh tiêu chảy

Nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy là nhiễm khuẩn. Sau các trận mưa bão, điều kiện vệ sinh thường kém, môi trường bị ô nhiễm, thiếu nước sạch. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng gây tiêu chảy đều lây lan qua đường phân, tay, miệng, nước và thực phẩm bị ô nhiễm. Ngoài ra, nguồn nước ở vùng lũ lụt rất dễ bị ô nhiễm bởi các loại vi khuẩn đường ruột như tả, Shigella, Salmonella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli…

Những người bị tiêu chảy thường đi đại tiện nhiều hơn 3 lần mỗi ngày và có đặc điểm là phân lỏng, nhiều nước, màu vàng, nâu hoặc màu trắng đục. Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và gây dịch lớn trên diện rộng.

Bệnh do các loại virus

Bệnh viêm gan A

Viêm gan A hay còn gọi là viêm gan siêu vi A là do virus viêm gan A gây ra. Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, nguồn thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Bệnh nhân thường bị suy giảm chức năng gan. Tuy nhiên, căn bệnh này không nguy hiểm như các loại viêm gan virus khác. Các triệu chứng thường kéo dài không quá 6 tháng.

tong-hop-cac-benh-tieu-hoa-mua-bao-lu-nguy-hiem-va-cach-phong-ngua 2.jpg
Bệnh viêm gan A lây lan qua đường tiêu hóa

Bệnh viêm dạ dày ruột

Đây là tình trạng viêm lớp lót trong dạ dày, ruột non và đại tràng. Chủ yếu là do nhiễm trùng. Một số trường hợp có thể xảy ra sau khi dùng thuốc và nuốt phải hóa chất độc hại như kim loại, chất gây bệnh… Bệnh thường lây lan qua thức ăn, nước uống hoặc từ người này sang người khác.

Virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày ruột, bao gồm norovirus và rotavirus. Virus lây nhiễm vào tế bào ruột trong biểu mô của ruột non. Hậu quả là rò rỉ chất lỏng và chất điện giải vào lòng ruột. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến giảm hấp thu carbohydrate, làm trầm trọng thêm các triệu chứng do tiêu chảy thẩm thấu gây ra.

Bệnh do ký sinh trùng

Bệnh sán máng

Sán máng là loại sán dẹp sống chủ yếu trong hệ tuần hoàn và sử dụng máu làm nguồn dinh dưỡng. Có 5 loại bệnh sán máng gây bệnh ở người gồm Schistosoma haematobium, Schistosoma mansoni, Schistosoma intercalatum, Schistosoma mekongi và Schistosoma japonicum.

Sán máng sống chủ yếu trong máu, con cái đẻ trứng. Trứng sẽ đi qua thành mao mạch và di chuyển vào mô ruột và bàng quang, sau đó chúng được loại bỏ qua phân và nước tiểu. Các triệu chứng đường ruột bao gồm đau bụng và tiêu chảy. Trong hệ tiết niệu, sán máng làm cho người mắc phải đi tiểu thường xuyên, tiểu gắt buốt và tiểu máu.

Bệnh giun đường ruột

Giun là loài động vật đa bào. Chúng chủ yếu kí sinh trong ruột người và động vật. Trong một số trường hợp giun có thể kí sinh ở các cơ quan nội tạng khác hoặc máu. Các loại giun phổ biến thường sống kí sinh ở người bao gồm giun đũa, giun móc, giun tóc và giun kim. Đây cũng là bệnh rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất vào mùa mưa bão.

tong-hop-cac-benh-tieu-hoa-mua-bao-lu-nguy-hiem-va-cach-phong-ngua 3.jpg
Bệnh giun đường ruột là bệnh rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất vào mùa mưa bão

Làm thế nào để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa mùa bão lũ?

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh đường tiêu hóa mùa bão lũ thì các bạn có thể tham khảo một vài lưu ý sau đây:

  • Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, vệ sinh. Chỉ ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày: Giữ tay chân sạch sẽ và lau khô các ngón tay sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước ô nhiễm.
  • Loại bỏ loăng quăng, bọ gậy và muỗi bằng cách đậy nắp bể và thùng chứa, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ phế thải như chai, lọ, thau…, hoặc vũng nước tự nhiên để tránh muỗi đẻ trứng.
  • Giăng màn khi ngủ, thậm chí vào cả ban ngày.
  • Giữ sạch bể chứa nước, giếng, dụng cụ chứa nước và tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Nước rút tới đâu thì dọn vệ sinh tới đấy, đồng thời chôn cất theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Trên đây là những thông tin về các bệnh tiêu hóa mùa bão lũ nguy hiểm mà các bạn có thể tham khảo. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có những kiến thức cần thiết về các loại bệnh tiêu hóa có thể mắc phải trong mùa bão lũ và cách phòng ngừa chúng. 

Xem thêm:

Những dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về tiêu hóa

4 phương pháp đơn giản giúp điều trị rối loạn tiêu hóa

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin