Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tổng quan về quy trình chạy thận nhân tạo và lưu ý về kỹ thuật mà người bệnh nên biết

Ngày 22/07/2024
Kích thước chữ

Quy trình chạy thận nhân tạo là kỹ thuật phức tạp được chỉ định cho bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng chức năng thận. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phương pháp này cũng như lưu ý người bệnh nên biết nhé!

Quy trình chạy thận nhân tạo hay lọc máu giúp đem lại cơ hội sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy thận. Có một số lưu ý mà người bệnh nên biết trong và sau khi thực hiện phương pháp để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.

Tổng quan về kỹ thuật chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo hay còn gọi là lọc máu là một phương pháp y tế tiên tiến được sử dụng để điều trị các bệnh nhân mắc suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi các biện pháp điều trị khác không đáp ứng hiệu quả.

Quy trình chạy thận nhân tạo bắt đầu bằng việc thực hiện luồn hai cây kim vào cánh tay của bệnh nhân, nơi đã được tạo cầu nối mạch máu hoặc gắn catheter. Mỗi cây kim sẽ được kết nối với một ống mềm, nối liền với máy lọc máu. Máy lọc máu có nhiệm vụ bơm máu từ cơ thể bệnh nhân qua một bộ lọc, sau đó đưa máu đã được lọc trở lại cơ thể.

Trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo, máy lọc máu thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Nó kiểm tra huyết áp của bệnh nhân, kiểm soát tốc độ bơm máu chảy qua màng lọc, điều chỉnh lượng chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.

Màng lọc trong máy lọc máu được thiết kế với hai phần, một phần dành cho máu và một phần dành cho dịch lọc. Giữa hai phần này là một lớp màng mỏng, có chức năng phân cách và đảm bảo quá trình lọc diễn ra hiệu quả.

Lớp màng này giữ lại các tế bào máu, protein và những chất quan trọng khác cần thiết cho cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải như urê, creatinine, kali và lượng chất lỏng thừa. Quá trình này giúp làm sạch máu, điều chỉnh cân bằng chất lỏng và điện giải trong cơ thể, đồng thời cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp sống còn đối với những bệnh nhân có chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. Việc thực hiện kỹ thuật này yêu cầu sự chính xác cao với sự giám sát chặt chẽ từ đội ngũ y tế để đảm bảo hiệu quả điều trị, giúp bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân.

Tổng quan về quy trình chạy thận nhân tạo và lưu ý về kỹ thuật mà người bệnh nên biết 1
Kỹ thuật chạy thận nhân tạo chỉ định cho đối tượng suy thận

Quy trình chạy thận nhân tạo

Quy trình chạy thận nhân tạo bao gồm nhiều bước kỹ thuật phức tạp để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong suốt quá trình điều trị.

Quy trình bắt đầu bằng việc khởi động và kiểm tra toàn bộ hệ thống nước của máy lọc máu. Điều dưỡng cần tháo bỏ phần nước ứ đọng, kiểm tra lưu lượng và độ dẫn điện của hệ thống nước. Máy lọc máu cũng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ dẫn điện của dịch lọc đạt yêu cầu, máy có thể hoạt động với lưu lượng 500ml/phút và không còn chất sát trùng.

Đồng thời, trước khi tiến hành lọc máu, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng lâm sàng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ, bao gồm đo điện tim, kiểm tra tình trạng tim mạch và chụp X-quang tim phổi. Các thuốc và điều trị gần nhất cũng cần được xem xét, cùng với những xét nghiệm sinh hóa như điện giải đồ, photpho, canxi, pH, axit uric, CO2, hemoglobin, hematocrit, protein máu, tình trạng đông máu, men tim, tiền sử dị ứng, nhóm máu Rh và sự ngưng kết bất thường.

Dựa trên các kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định lọc máu, bao gồm các xét nghiệm trước và sau lọc, thời gian lọc, lưu lượng máu, siêu lọc, thuốc chống đông và quả lọc. Bệnh nhân sẽ được theo dõi kỹ lưỡng trong và sau khi kết thúc quy trình chạy thận nhân tạo.

Điều dưỡng cần cân bệnh nhân trước khi lọc máu, đảm bảo số cân nặng chính xác bằng cách trừ giày dép, quần áo. Đo huyết áp và mạch của bệnh nhân trong tư thế đứng và nằm, ghi chép cẩn thận các thông số vào sổ theo dõi. Sau đó, trải ga giường và yêu cầu bệnh nhân nằm lên để chuẩn bị lọc máu. Tiến hành sát trùng tay FAV của bệnh nhân để đảm bảo vệ sinh.

Tổng quan về quy trình chạy thận nhân tạo và lưu ý về kỹ thuật mà người bệnh nên biết 2
Người bệnh cần làm một số xét nghiệm trước khi thực hiện

Để chuẩn bị cho việc chọc tay, bệnh nhân cần nằm đúng tư thế, giường được điều chỉnh ở mức cao vừa phải. Máy lọc thận phải sẵn sàng và không có bất kỳ báo động nào. Các dụng cụ lọc máu được mở ra từ hộp vô trùng, nhân viên y tế cần thực hiện cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Lắp quả lọc vào máy, đuổi khí với tốc độ bơm 90 – 120 ml/phút, vỗ nhẹ để loại bỏ không khí trong quả lọc, quay vòng dịch với Heparin, xả rửa các râu đường dây. Đuổi khí đầu xanh (đầu tĩnh mạch) quả lọc lên trên.

Cả điều dưỡng và bệnh nhân cần đeo khẩu trang trong quá trình thực hiện. Điều dưỡng chuẩn bị ống lấy máu, kim, găng tay, gạc đã thấm chất sát trùng, sau đó đeo găng vô trùng và trải khăn vô trùng dưới cánh tay của bệnh nhân. Sát trùng tay của bệnh nhân bằng miếng gạc thấm chất sát trùng và garo.

Sau đó, nhân viên y tế cần xác định đường đi của mạch máu (FAV) bằng đầu ngón tay. Chọc FAV với kim động mạch hướng về phía miệng nối và kim tĩnh mạch hướng lên cao. Sử dụng băng dính vô trùng để cố định kim, thông kim bằng cách mở nút, siết chặt, đóng khóa kim và thực hiện lấy bệnh phẩm.

Thiết lập chương trình lọc máu trên máy chạy thận nhân tạo và theo dõi bệnh nhân. Nối vòng tuần hoàn và chạy thận, lưu ý liều tấn công và liều duy trì Heparin. Tăng tốc độ máu từ từ, kiểm tra áp lực động mạch và tĩnh mạch trên màn hình, đồng thời theo dõi các đèn báo an toàn của máy. Đảm bảo đường dây được cố định, tránh tiếp xúc với đất hoặc vướng vào.

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ về huyết áp, mạch, và nồng độ dịch lọc (Na+ và Bicarbonat). Đối với bệnh nhân đái tháo đường, chỉ số đường huyết cũng cần được theo dõi. Tất cả các dấu hiệu cũng như thông số của bệnh nhân phải được ghi chép đầy đủ.

Khi thời gian lọc đã kết thúc, máy chạy thận sẽ hiển thị thời gian là 0.00. Tiến hành trả máu lại cho bệnh nhân và kết thúc buổi lọc. Đấu các đầu dây và đặt quả lọc vào túi để bảo quản. Rút kim FAV khỏi tay bệnh nhân và ép vào điểm chọc kim trong 15 – 20 phút để ngăn chặn chảy máu.

Quy trình chạy thận nhân tạo yêu cầu sự chính xác và cẩn thận trong từng bước để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Tổng quan về quy trình chạy thận nhân tạo và lưu ý về kỹ thuật mà người bệnh nên biết 3
Quy trình chạy thận nhân tạo cần được thực hiện bởi nhân viên y tế

Lưu ý trong quá trình chạy thận

Trong quy trình chạy thận nhân tạo, việc chăm sóc đường mạch máu trên cánh tay rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng. Dưới đây là những lưu ý cần thiết mà người bệnh cần chú ý:

  • Kiểm tra lưu lượng máu: Người bệnh nên kiểm tra lưu lượng máu nhiều lần trong ngày bằng cách cảm nhận sự rung động ở vị trí mạch máu (FAV), người bệnh có thể cảm thấy rung giống như sờ vào cạnh tủ lạnh. Nếu không cảm thấy sự rung động này hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra, xử lý kịp thời.
  • Tránh mặc quần áo bó sát: Người bệnh nên tránh mặc những kiểu quần áo bó sát hoặc đeo trang sức trên cánh tay có đường mạch máu chạy thận. Việc này có thể gây áp lực lên mạch máu, làm giảm hiệu quả của quá trình lọc máu.
  • Tránh nằm gối đầu lên cánh tay có đường mạch máu: Người bệnh không nên nằm gối đầu lên cánh tay có đường mạch máu chạy thận để tránh làm tổn thương mạch máu, gây cản trở lưu lượng máu.
  • Ấn nhẹ vào vị trí tiếp cận: Sau khi rút kim ra, người bệnh nên ấn nhẹ vào vị trí tiếp cận để ngăn ngừa chảy máu. Áp lực quá mạnh có thể làm ngưng dòng chảy của máu qua đường vào và gây ra các biến chứng.
  • Xử lý chảy máu đột ngột: Nếu có hiện tượng chảy máu đột ngột sau khi lọc máu, người bệnh nên dùng khăn sạch hoặc băng gạc ấn nhẹ vào vị trí kim tiêm. Nếu máu không ngừng chảy trong 30 phút, cần gọi ngay cho bác sĩ để được xử lý.
Tổng quan về quy trình chạy thận nhân tạo và lưu ý về kỹ thuật mà người bệnh nên biết 4
Hạn chế tiếp xúc với FAV

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về quy trình chạy thận nhân tạo. Người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận cũng như theo dõi các dấu hiệu bất thường trong quá trình chạy thận nhân tạo để đảm bảo đạt hiệu quả điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin