Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Trà cam thảo: Thảo dược thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm họng

Ngày 29/08/2024
Kích thước chữ

Trà cam thảo có các thành phần thảo mộc tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe. Không chỉ là thức uống thơm ngon, loại trà này còn được dùng để hỗ trợ chữa bệnh. Vậy trà cam thảo có những thành phần nào, công dụng cụ thể là gì? Cần lưu ý những gì khi uống trà cam thảo?

Trà cam thảo có hương vị thơm ngọt, thanh mát, nhất là uống vào mùa hè nóng bức nên đây là thức uống được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, ít người biết rõ tác dụng của trà cam thảo là gì, cách pha trà cam thảo sao cho đúng chuẩn và liệu uống loại trà này thường xuyên có tốt không? Để giải đáp cho vấn đề này, bạn hãy tham khảo bài viết sau đây.

Cam thảo có công dụng gì?

Cây cam thảo là cây họ đậu, có tên khoa học là Glycyrhiza glabra, có nguồn gốc từ phía Nam của châu Âu và một vài nước ở châu Á. Người ta trồng cây này chủ yếu để lấy rễ và tạo ra chiết xuất cam thảo để sử dụng làm hương liệu và dùng trong công nghiệp mỹ phẩm.

Cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, bổ tỳ vị, thanh nhiệt, giải độc và điều hòa các vị thuốc.

Cam thảo là một phương thuốc thảo dược được dùng cho một số bệnh thông thường như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm họng. Đây cũng là một loại thảo dược giúp long đờm và làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp, từ đó tống xuất chúng ra ngoài dễ dàng. Cam thảo cũng có hiệu quả tương tự trong hỗ trợ điều trị các bệnh dị ứng, viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Chiết xuất cam thảo được dùng để hạ sốt và làm giảm cơn đau đầu.

Trà cam thảo: Thảo dược thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm họng 1
Cam thảo có vị ngọt, tính bình hỗ trợ điều trị cảm lạnh, viêm họng và viêm phế quản

Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu trên lâm sàng, trong cam thảo có một số hoạt chất có tác dụng như:

  • β-glycyhrritinic: Chống viêm;
  • Flavonoid: Kháng khuẩn;
  • Axit glycyrrhizic: Kháng virus;
  • Lichochalcone A: Kháng sinh vật đơn bào;
  • licochalcones A, B, C, D: Chống oxy hóa;
  • Axit glycyrrhetinic: Bảo vệ gan;
  • Axit glycyrrhetinic: Chống ung thư.

Những lợi ích từ trà cam thảo

Cam thảo còn được dùng để làm trà. Công dụng của trà cam thảo bao gồm hỗ trợ kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp như làm dịu cổ họng, ho, giảm đau rát khi nuốt, viêm họng, cảm cúm. 

Nhờ hợp chất axit glycyrhizic trong trà cam thảo, bạn có thể nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng vì chất này có khả năng làm chậm quá trình phân hủy nội tiết tố cortisol, một hormone gây ra tình trạng căng thẳng.

Ngoài ra, bạn có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa mảng bám răng xuất hiện và vi khuẩn gây sâu răng bằng cách uống hoặc súc miệng bằng trà cam thảo.

Các hợp chất flavonoid trong trà cam thảo có khả năng ức chế vi khuẩn helicobacter pylori phát triển, một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Trà cam thảo làm ức chế việc tiết axit trong dạ dày, giúp giảm trào ngược dạ dày, ợ nóng.

Bằng cách tăng lượng mật trong cơ thể và ngăn quá trình oxy hóa của cholesterol xấu, trà cam thảo giúp kiểm soát nồng độ cholesterol, bảo vệ sức khỏe tim mạch, làm các mạch máu giãn nở, giúp cải thiện tuần hoàn máu.

Trà cam thảo giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, làm giảm các triệu chứng liên quan đến giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh như bốc hỏa, đau bụng, khó ngủ, ngoài ra làm tăng ham muốn tình dục ở nam và nữ.

Một công dụng khác của trà cam thảo là tăng sức đề kháng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, chất gây dị ứng, chất ô nhiễm. Trà cam thảo kích thích quá trình sản xuất các tế bào miễn dịch nhằm tăng cường hàng rào miễn dịch.

Trà cam thảo: Thảo dược thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm họng 2
Trà cam thảo có tác dụng nâng cao sức khỏe tinh thần, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi

Hướng dẫn cách pha trà cam thảo

Để pha trà cam thảo, bạn hãy làm theo cách đơn giản mà hiệu quả sau đây:

Cách pha trà cam thảo khô 

Chuẩn bị những nguyên liệu:

  • Từ 2 - 4 lát cam thảo khô;
  • Khoảng 250ml nước sôi;
  • Tùy chọn mật ong, đường hoặc chanh để tăng thêm độ ngọt và hương vị cho trà.

Các bước pha trà:

  • Cho trà cam thảo vào 1 ấm nhỏ hay 1 ly;
  • Đổ nước sôi vào ngâm trà trong khoảng 5 - 10 phút hoặc để lâu hơn nếu muốn trà đậm đà;
  • Thêm mật ong, đường hoặc chanh theo khẩu vị của bạn. 

Cách pha trà túi lọc cam thảo xí muội

Chuẩn bị những nguyên liệu:

  • 1 gói trà túi lọc;
  • Xí muội lát;
  • Nho khô;
  • Lát cam thảo;
  • Đường, chanh, đá.

Các bước pha trà:

  • Bỏ gói trà vào ly ngâm với 80ml nước nóng trong 5 phút;
  • Cho vào trà các nguyên liệu gồm 1 thìa cà phê xí muội lát, 1 thìa cà phê nho khô và 4 - 5 lát cam thảo, sau đó ngâm trong vòng 5 phút để nguyên liệu thấm quyện với trà;
  • Cho 2 thìa cà phê đường và khuấy đều;
  • Vắt nửa trái chanh vào trà, thêm ít đá cục, khuấy đều và thưởng thức.

Cách pha trà túi lọc cam thảo 

Chuẩn bị những nguyên liệu:

  • 1 gói trà túi lọc cam thảo;

Các bước pha trà:

  • Cho 1 gói trà túi lọc vào trong ly, nếu muốn đậm vị thì có thể dùng 2 gói trà.
  • Ngâm trà trong 80ml nước sôi trong 5 phút, lấy túi lọc ra và thưởng thức. Có thể thêm đường hoặc đá.
Trà cam thảo: Thảo dược thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm họng 3
Sau khi pha trà cam thảo túi lọc, có thể thêm đường hoặc đá sẽ ngon hơn

Cách pha trà cam thảo táo đỏ 

Chuẩn bị những nguyên liệu:

  • 1 gói trà cam thảo túi lọc;
  • Lát cam thảo khô (3 - 4 lát);
  • Táo đỏ (2 quả).

Các bước pha trà:

  • Lấy 1 gói trà cam thảo túi lọc kết hợp 3 - 4 lát cam thảo khô, 2 quả táo đỏ được cắt lát, hãm trong 250ml nước sôi trong 10 phút.

Lưu ý khi sử dụng trà cam thảo

Trà cam thảo có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lạm dụng trà cam thảo cũng gây hại cho cơ thể. Bạn cần lưu ý những thông tin quan trọng sau đây trước khi dùng trà cam thảo:

Đối tượng không được dùng trà cam thảo

Những trường hợp sau đây không nên uống trà cam thảo gồm:

  • Phụ nữ mang thai. Cam thảo chứa thành phần glycyrrhizin có thể ảnh hưởng xấu đến em bé như đẻ non;
  • Người bệnh thận tiểu ít, phù;
  • Người có huyết áp không ổn định, bị tăng huyết áp;
  • Người bị táo bón mạn tính;
  • Người bị ho nhiều, khó thở, viêm phế quản mạn tính.
Trà cam thảo: Thảo dược thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm họng 4
Phụ nữ mang thai, nếu không được bác sĩ chỉ định thì không nên uống trà cam thảo

Tác dụng phụ khi uống trà cam thảo

Khi uống trà cam thảo không đúng cách, bạn có thể gặp các tác dụng phụ sau:

Nếu uống quá 350ml trà cam thảo trong một ngày, bạn có thể gặp các trường hợp như nồng độ kali trong máu giảm, huyết áp tăng, yếu cơ, đau cơ, mệt mỏi, suy tim.

Sự tích tụ glycyrrhizin trong cam thảo có thể làm tăng bất thường hormone căng thẳng cortisol, dẫn đến mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.

Thành phần cam thảo có thể gây tương tác với một số loại thuốc dẫn đến tác dụng phụ khó lường:

  • Thuốc hạ kali;
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc nhịp tim;
  • Thuốc chống đông;
  • Thuốc nội tiết estrogen, thuốc tránh thai;
  • Thuốc chống viêm corticosteroid.

Lưu ý khi pha trà cam thảo

Trong ngày hè nóng bức, nhiều người có thói quen pha trà cam thảo với nhân trần để làm thức uống giải khát thay nước lọc. Mặc dù cam thảo và nhân trần đều có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng khi phối hợp hai vị thuốc này với nhau. Nguyên nhân là do nhân trần có tác dụng lợi tiểu, trong khi cam thảo lại giữ nước, việc kết hợp sẽ gây hại cho người bị tăng huyết áp.

Nhìn chung, trà cam thảo là một loại thức uống thảo mộc tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý trong một ngày không nên uống quá nhiều trà cam thảo. Hãy uống trà cam thảo với lượng vừa phải và đúng cách để tận hưởng những công dụng lý tưởng của thức uống này.

Xem thêm: Những ai không nên uống cam thảo – bạn đã biết chưa?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin