Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Bốc hỏa: Nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Bốc hỏa được biết đến là triệu chứng thường gặp đối với những chị em phụ nữ khi dần bước vào thời kỳ mãn kinh. Mặc dù tình trạng này không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của phụ nữ. Sau đây hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng này nhé!

Bốc hỏa là dấu hiệu phổ biến của thời kỳ tiền mãn kinh mà nhiều chị em phụ nữ hay gặp phải. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hóa trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Vậy nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này như thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Bốc hỏa là gì?

Bốc hỏa là cảm giác đột ngột bị nóng ở phần trên cơ thể, đặc biệt là ở mặt, cổ và ngực, thường kéo dài từ 30 giây đến 1 phút hoặc thậm chí lâu hơn. Hiện tượng này thường đi kèm với đổ mồ hôi đêm, da mặt đỏ ửng, chóng mặt và tim đập nhanh. Ở phụ nữ, tần suất và cường độ của các cơn bốc hỏa có thể khác nhau, từ chỉ vài giây đến đến 5 phút.

Bốc hỏa thường xảy ra ở giai đoạn tiền mãn kinh, khi sự suy giảm chức năng của buồng trứng dẫn đến giảm nồng độ nội tiết tố Estrogen. Sự giảm Estrogen ảnh hưởng đến vùng dưới đồi - nơi kiểm soát thân nhiệt, gây ra rối loạn trong cơ chế điều chỉnh nhiệt độ. Não bộ nhầm lẫn và hiểu nhầm rằng cơ thể quá nóng cần phải giải phóng nhiệt. Điều này dẫn đến tăng nhịp tim, giãn mạch máu để lưu thông máu và tăng tiết mồ hôi để làm mát cơ thể. Sau khi mồ hôi được tiết ra, cơ thể mất nhiệt, gây ra cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi.

Tuy nhiên, nam giới cũng có thể trải qua các cảm giác bốc hỏa tương tự như phụ nữ, nhưng không phổ biến như ở nữ giới trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Bốc hỏa: Nguyên nhân và cách xử trí 1
Bốc hỏa thường xảy ra ở giai đoạn tiền mãn kinh

Nguyên nhân gây bốc hỏa cáu gắt

Hiện nay, nguyên nhân gây ra những cơn nóng trong người, bốc hỏa và đổ mồ hôi vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng này do:

  • Sự suy giảm nồng độ hormone estrogen, đặc biệt là ở tuổi tiền mãn kinh/mãn kinh, được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra bốc hỏa. Sự suy giảm estrogen làm cho vùng dưới đồi trở nên nhạy cảm và hiểu nhầm cơ thể đang quá nóng. Điều này kích thích vùng này hoạt động để hạ nhiệt, gây ra tim đập nhanh, mạch máu giãn ra, cơ thể nóng bừng lên và đổ mồ hôi.
  • Một số bệnh như cường giáp, nhiễm trùng hoặc nhiễm virus có thể gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, tim đập nhanh, khó chịu, tâm trạng thất thường và mệt mỏi.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc giảm đau opioid, hoặc thuốc điều trị ung thư cũng có thể gây ra bốc hỏa.
  • Stress và căng thẳng tâm lý kéo dài cũng có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện bốc hỏa cáu gắt ở phụ nữ.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ quá nhiều đồ ăn có chứa các thành phần cay, chua, hút thuốc lá, uống nhiều đồ uống kích thích như cà phê, rượu, bia... cũng được xem là các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bốc hỏa. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người thừa cân, béo phì hoặc làm việc trong môi trường nóng bức có nguy cơ cao hơn bị mắc phải bốc hỏa.
Bốc hỏa: Nguyên nhân và cách xử trí 2
Sự suy giảm hormone estrogen là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bốc hỏa

Bốc hỏa thường kéo dài trong bao lâu?

Cường độ của các cơn bốc hỏa thường biến đổi và không ổn định. Chúng thường bắt đầu từ mặt rồi lan tỏa đến toàn bộ cơ thể, thường đi kèm với việc đổ mồ hôi. Tần suất xuất hiện của cơn bốc hỏa cũng khác nhau đối với mỗi người. Một số người có thể trải qua các cơn bốc hỏa liên tục và khá khó chịu, trong khi có những người chỉ gặp phải cơn bốc hỏa đôi khi. Bốc hỏa có thể xuất hiện trước và sau thời kỳ mãn kinh, kéo dài từ vài năm đến chục năm.

Bốc hỏa thường làm mất ngủ mãn tính vì chúng thường xảy ra vào ban đêm, làm bạn thức dậy và đổ mồ hôi. Ban ngày, các cơn bốc hỏa cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động hàng ngày của bạn.

Thêm vào đó, khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, bốc hỏa thường đi kèm với khả năng cao mắc chứng trầm cảm. Những người này cũng thường gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ nguyên phát.

Mặc dù khoảng 2 trong 10 phụ nữ không bao giờ trải qua cơn bốc hỏa, một số khác chỉ trải qua cơn bốc hỏa trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, có những trường hợp phụ nữ phải chịu đựng bốc hỏa kéo dài hơn 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trung bình, phụ nữ thường phải đối mặt với bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm trong khoảng 7 năm.

Bốc hỏa: Nguyên nhân và cách xử trí 3
Bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh khiến người bệnh thường đổ mồ hôi đi kèm mệt mỏi

Bốc hỏa có nguy hiểm không?

Cơn bốc hỏa với những biểu hiện như mặt đỏ bừng và đổ mồ hôi không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tự tin của phụ nữ, làm họ cảm thấy không thoải mái trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, các cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm có thể gây mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy giảm sức sống và tinh thần trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Bước vào giai đoạn mãn kinh, sự suy giảm của nội tiết tố có thể làm mất khoái cảm và giảm cảm giác hưng phấn trong quan hệ tình dục. Nhiều phụ nữ cảm thấy sợ hãi và tránh xa "cuộc yêu" do cảm giác đau đớn khi quan hệ do âm đạo khô rát, từ đó dần trở nên lạnh lùng và dễ mất hạnh phúc trong gia đình.

Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra bốc hỏa có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương và các bệnh liên quan đến xương khớp. Cơn nóng có thể gây tăng đột ngột huyết áp và làm thay đổi mạch máu, tăng nguy cơ cho sức khỏe toàn diện của phụ nữ.

Cách xử lý với hiện tượng bốc hỏa tiền mãn kinh

Dưới đây là một số biện pháp giúp phụ nữ giảm cảm giác khó chịu và kiểm soát tần suất xuất hiện của cơn bốc hỏa:

  • Tránh những nơi có nhiệt độ cao và nóng bức.
  • Hạn chế uống đồ uống nóng hoặc chứa chất kích thích như cà phê, rượu.
  • Chọn quần áo làm từ chất liệu thoáng mát, giúp cơ thể thoải mái hơn.
  • Thực hiện các kỹ thuật điều hòa nhịp thở khi cảm thấy bắt đầu có cảm giác bốc hỏa, bằng cách hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng 5 - 7 lần/phút.
  • Tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng như khí công, thiền, yoga vào buổi tối trước khi đi ngủ để giúp cơ thể thư giãn.
  • Duy trì cân nặng ổn định và tránh béo phì.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về việc sử dụng thuốc giảm triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và chỉ dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bốc hỏa: Nguyên nhân và cách xử trí 4
Phụ nữ có thể thực hiện các bài tập yoga để thư giãn cơ thể tránh tình trạng bốc hỏa

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về nguyên nhân và cách xử trí hiện tượng bốc hỏa. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích về tình trạng này ở phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin