Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trà đẳng sâm và công dụng đối với sức khỏe ít người biết

Ngày 08/10/2023
Kích thước chữ

Đẳng sâm là một loại sâm quý nhưng lại có giá thành hợp lý nên đang được rất nhiều người sử dụng. Bạn có thể dùng đẳng sâm để nấu ăn, làm thuốc hoặc đơn giản nhất là pha trà đẳng sâm uống hàng ngày.

Để nấu những món ăn bổ dưỡng hay các bài thuốc bồi bổ thể lực từ đẳng sâm cần khá nhiều thời gian và công sức. Nếu bạn cũng muốn thụ hưởng lợi ích không ngờ từ loại dược liệu quý này mà không cần chế biến cầu kỳ, hãy thử ngay trà đẳng sâm nhé! Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây để biết cách pha trà hồng đẳng sâm cũng như công dụng của loại trà này với sức khỏe.

Trà đẳng sâm là loại trà gì?

Đẳng sâm từ xa xưa đã được coi là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền Việt Nam và trong nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, đẳng sâm còn được biết đến với những tên gọi khác như hồng đẳng sâm, đảng sâm, sâm dây,… Đẳng sâm được xếp vào danh sách 10 loại sâm quý và phổ biến nhất ở nước ta.

Đây là loài thân thảo, sống lâu năm, thân cây phát triển mọc bò trên mặt đất hoặc leo lên các cây, các vật thể xung quanh. Thân cây leo, bên dưới có lông, trên ngọn nhẵn. Lá cây hình trứng nhọn ở đầu. Hoa mọc ở kẽ lá, hình chuông nên đẳng sâm thuộc loài hoa chuông. Bộ phận chứa nhiều dược chất và được dùng để làm dược liệu là phần rễ. Rễ đẳng sâm khi phát triển sẽ phình ra thành củ. Củ đẳng sâm hình trụ, màu vàng, có nhiều vết sẹo trên thân nhưng có ít nhánh và rễ phụ.

Củ đẳng sâm có thể dùng tươi, phơi hoặc sấy khô để dùng dần, thái lát hoặc nghiền thành bột và mang nấu thành cao đẳng sâm. Có nhiều cách chế biến và sử dụng dược liệu này, nhưng một trong những cách phổ biến nhất là làm trà đẳng sâm.

tra-dang-sam-0.jpg
Củ đẳng sâm khi tươi màu vàng, thân khá nhẵn, ít rễ phụ

Thu hái và chế biến đẳng sâm làm trà

Đẳng sâm thường được thu hoạch vào mùa đông, khi lá cây úa vàng. Nếu đợi đến đầu xuân năm sau, cần thu hoạch khi cây chưa nảy lộc. Đây là thời điểm cây tập trung dưỡng chất nuôi củ nên củ đẳng sâm sẽ đạt hàm lượng dược chất cao nhất. Đẳng sâm trồng đến năm thứ 2 là có thể thu hoạch củ. Vì củ đẳng sâm rất dài nên để đảm bảo chất lượng, không làm đứt hoặc trầy xước củ, người thu hoạch phải đào sâu hơn nửa mét.

Sau khi thu hoạch, đẳng sâm được loại bỏ đất cát, mang về rửa sạch sẽ. Nơi chế biến sẽ phân loại phần rễ già đường kính trên 10mm, rễ to đường kính dưới 10mm, rễ vừa đường kính trên 5mm và rễ nhỏ đường kính 5mm. Phân loại xong, củ đẳng sâm sẽ được phơi trên giàn cho héo bớt hoặc sấy nhẹ. Đến khi củ bẻ không gãy là được. Khi đó, phần củ sẽ mềm hơn, vỏ cứng lại, không bị bong vỏ.

Theo phương pháp bào chế Đông dược của Việt Nam, củ sau khi thu hái và rửa sạch đất cát sẽ được ủ qua nước một đêm. Dược liệu cũng có thể mang đồ đến khi bốc hơi là được. Khi đẳng sâm mềm, nó sẽ được mang bào mỏng 1 - 2mm rồi tẩm với gừng để giảm tính hàn. Cuối cùng, đẳng sâm được sao qua để pha trà đẳng sâm dần.

tra-dang-sam-1.jpg
Đẳng sâm được sấy khô để dễ lưu trữ và bảo quản

Tác dụng của trà đẳng sâm ít người biết

Trong Đông y, dược liệu đẳng sâm có vị ngọt, tính ấm, đắng nhẹ, vào phế và tỳ. Dược liệu này có tác dụng bổ phế khí, làm mạnh tỳ vị, chỉ khái hóa đàm mạnh. Đây cũng là dược liệu được dùng trong bài thuốc tăng cường sinh lực, chữa thiếu máu, chữa ho nhiều do phế hư, chữa tiêu chảy, bệnh kiết lỵ, ăn uống không tiêu,…

Trà đẳng sâm được đánh giá cao về công dụng, không thua kém các loại thức uống từ nhân sâm khác. Theo cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại, trà đẳng sâm có những công dụng như:

  • Cung cấp năng lượng, tăng cường sinh lực và sức bền cơ thể.
  • Bồi bổ, phục hồi sức khỏe cho người sức khỏe yếu, người mới ốm dậy, người ăn không ngon, thường xuyên mất ngủ, suy dinh dưỡng.
  • Trà đẳng sâm giúp hạ huyết áp, hữu ích cho bệnh nhân huyết áp cao.
  • Uống loại trà này thường xuyên giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, chữa thiếu máu, giảm và phòng ngừa nguy cơ thiếu máu não.
  • Tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Chiết xuất đẳng sâm được chứng minh có thể kháng lại các vi khuẩn như tụ cầu khuẩn vàng, viêm não mô cầu khuẩn, trực khuẩn bạch cầu…
  • Đặc tính kháng viêm trong đảng sâm giúp loại trà này giảm các triệu chứng sưng viêm trong cơ thể.
  • Giảm ho đờm, bổ phổi, tốt cho hệ hô hấp nói chung nên giảm tần suất mắc các bệnh về đường hô hấp.
tra-dang-sam-3.jpg
Đẳng sâm cũng có thể được bào chế thành bột để tiện lợi hơn khi pha trà

Các loại trà đẳng sâm tốt cho sức khỏe

Từ đẳng sâm, bạn có thể pha chế nhiều loại trà tốt cho sức khỏe. Một số công thức pha trà đẳng sâm vừa bổ vừa ngon bạn có thể tham khảo như:

  • Trà đảng sâm đại táo: Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: 30g đẳng sâm, 15g hoàng kỳ, 9g đại táo. Tất cả nguyên liệu mang sắc nước uống như trà. Loại trà này tốt cho người suy nhược cơ thể, khí huyết hư, chân tay yếu ớt cảm thấy không có lực.
  • Đảng sâm song hoa trà: Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: 30g đẳng sâm, 9g ngũ vị tử, kim ngân hoa. Các nguyên liệu mang sắc nước uống như trà. Loại trà này cũng đồng thời là bài thuốc chữa ho dài ngày, ho do hen suyễn.
  • Đẳng sâm hoàng mễ trà: Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm đẳng sâm, hoàng mễ mỗi loại 30g. Nguyên liệu mang sắc cùng 800ml nước đến khi cô đặc còn 250ml thì dùng uống như trà hàng ngày. Đây là loại trà đẳng sâm có công dụng chữa chứng kém ăn, người mệt mỏi, ăn không tiêu, tiêu hóa kém,…

Đơn giản nhất, bạn có thể dùng đẳng sâm tươi hoặc đẳng sâm khô hãm với nước sôi như hãm trà. Bạn cũng có thể dùng bột đẳng sâm pha với nước nóng và mật ong để uống. Trên thị trường hiện cũng có một số sản phẩm trà đẳng sâm chế biến sẵn, rất tiện sử dụng.

Liều lượng sử dụng đảng sâm không nên quá 30g mỗi ngày để tránh gặp tác dụng phụ. Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, người đang dùng thuốc rối loạn đông máu, người sắp làm phẫu thuật,… không nên uống trà đẳng sâm.

tra-dang-sam-2.jpg
Đẳng sâm tán thành bột để tiện sử dụng hơn

Trà đẳng sâm tuy tốt nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Nếu đã có tiền sử dị ứng với các loại sâm khác, bạn cũng có thể bị dị ứng đẳng sâm và nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng. Nếu đang có vấn đề về sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng trà hồng đẳng sâm.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin