Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và xử trí như thế nào?

Ngày 16/07/2023
Kích thước chữ

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón dẫn đến chán ăn, bỏ bữa là vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Đặc biệt khi vấn đề kéo dài có thể khiến cơ thể bé kém hấp thu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy nguyên nhân trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Trong tình huống đó cha mẹ nên xử trí thế nào?

Giai đoạn 6 tháng là thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm, tình trạng trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng và không biết xử lý thế nào. Tuy rằng tình trạng này khá phổ biến và cha mẹ có thể xử trí tại nhà được, nhưng nhiều cha mẹ trong lần sinh con vẫn luống cuống khi gặp tình huống này. Đặc biệt, nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ khiến cha mẹ càng thêm lo lắng. 

Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn cụ thể hơn về tình trạng trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón, nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí khi gặp phải.

Táo bón ở trẻ 6 tháng tuổi là gì?

Táo bón ở trẻ 6 tháng tuổi là tình trạng bé gặp khó khăn trong việc đại tiện khiến trẻ thấy khó chịu, đau đớn, khi bị táo bón thì phân bé thường rắn. Mẹ có thể để ý thấy bé đại tiện ra phân dê trông giống viên bi nhỏ, cứng khi bị táo bón.

Tần suất đi đại tiện của trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ thấp hơn bình thường (với trẻ từ 6- 12 tháng là 3 lần/tuần) và mỗi lần đại tiện thường kéo dài rất lâu. Tuy vậy, trường hợp trẻ sơ sinh còn bú mẹ có thể đi đại tiện không đều nhưng lại không bị táo bón, do phần lớn chất dinh dưỡng từ sữa đã được hệ tiêu hóa hấp thu và bé ra phân vẫn mềm. Trong trường hợp bé sử dụng sữa công thức có thể đi đại tiện nhiều hơn. Bởi vậy, phần lớn các trường hợp táo bón ở trẻ là có liên quan đến thức ăn, có thể là sữa hoặc thức ăn dặm.

Bên cạnh đó, khi đi đại tiện, trẻ phải rặn nhiều hơn, phân cứng, có dạng viên nhỏ hoặc bết dính như đất sét, khó ra ngoài. Ngoài ra, do đại tiện khó khăn có thể gây đau, khó chịu khiến bé khóc mỗi lần đại tiện, đồng thời bé cũng xuất hiện các dấu hiệu như mặt đỏ, đổ mồ hôi, đầy bụng, chán ăn, xì hơi nhiều, phân lẫn máu.

Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ kém hấp thu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Đồng thời, do không đẩy được phân ra ngoài, có thể kèm thêm một số bệnh lý như sa trực tràng, phình đại tràng, trĩ

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và xử trí như thế nào? 1
Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón là gì?

Nguyên nhân trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Đối với trẻ vẫn đang bú mẹ: Thông thường, bé còn đang bú mẹ sẽ ít khi gặp tình trạng táo bón. Tuy vậy, chế độ dinh dưỡng của mẹ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sữa và tình trạng sức khỏe của bé. Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ không lành mạnh, thường ăn đồ cay nóng, khó tiêu, ăn ít xơ hoặc thức ăn chứa nhiều canxi, sắt, đạm… Có thể khiến sữa khó hấp thu, trẻ có thể bị táo bón.
  • Đối với trẻ sử dụng sữa công thức: Trẻ 6 tháng tuổi có hệ tiêu hóa còn yếu và chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, thành phần của sữa công thức đôi khi vượt quá khả năng hấp thu của bé nên trong thời gian đầu sử dụng, bé có thể bị khó tiêu, táo bón. Ngoài ra, cơ địa một số bé không phù hợp với thành phần trong sữa công thức hoặc do mẹ pha sai tỷ lệ khiến bé uống vào khó tiêu.
  • Đối với trẻ bắt đầu ăn dặm: Giai đoạn tháng thứ 6, nhiều trẻ bắt đầu chuyển sang ăn dặm, khi đó hệ tiêu hóa của trẻ đang quen với sữa mẹ nên sẽ chưa kịp làm quen với đồ ăn dặm, khiến trẻ dễ gặp tình trạng táo bón hơn. Mặt khác, chế độ ăn dặm của bé đôi khi chứa quá nhiều protein, tinh bột, canxi và thiếu chất xơ khiến trẻ càng dễ táo bón hơn.
  • Do thuốc kháng sinh: Khi sử dụng thuốc kháng sinh cho bé, thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt luôn các lợi khuẩn đường ruột, khiến bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, táo bón… Thuốc kháng sinh cần được bác sĩ kê đơn, cha mẹ không tùy ý sử dụng.

Bên cạnh đó, khi bị táo bón, trẻ cần rặn mạnh, điều này có thể khiến tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng hơn, dễ khiến bé thêm đau đớn.

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và xử trí như thế nào? 2
Chưa quen với thức ăn dặm có thể khiến trẻ dễ bị táo bón

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón có thể xuất hiện một số dấu hiệu sau:

  • Trẻ chán ăn, bỏ bú, quấy khóc không rõ nguyên nhân: Nguyên nhân do táo bón khiến lượng thức ăn không được hấp thu và đào thải, đôi khi có thể gây ra tình trạng hấp thụ ngược. Thức ăn không được tiêu hóa đúng quy trình khiến bé biếng ăn. Sau khi đại tiện được tình trạng này có thể cải thiện.
  • Trẻ ít đại tiện hơn bình thường: Đối với trẻ từ 1 đến 6 tháng, trẻ thường đại tiện 2 lần/ngày, còn với trẻ 6 đến 12 tháng là 3 lần/tuần. Nếu ít hơn mức này cha mẹ cần lưu tâm, để ý các biểu hiện đi kèm như quấy khóc, rặn đến mức khóc, phân cục rắn… Khi đó, phân bé có dạng rắn, cứng, hình viên như phân dê và mỗi lần đại tiện của bé sẽ kéo dài hơn bình thường.
  • Trẻ quấy khóc, cả trước và sau đại tiện: Táo bón khiến trẻ khó khăn khi rặn và có thể khiến trẻ cảm thấy đau đến mức khóc, khi rặn có thể phải uốn cong lưng. Sau đại tiện, trẻ vẫn quấy khóc do đau vùng hậu môn, có trường hợp phân lẫn máu có thể là dấu hiệu do rách hậu môn.
  • Trẻ đầy bụng, khó tiêu: Dấu hiệu này khá phổ biến ở trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón. Có thể dễ thấy bụng trẻ phình to, sờ thấy cứng. Bạn có thể tìm hiểu trẻ đầy bụng khó tiêu uống thuốc gì để chữa bệnh.
Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và xử trí như thế nào? 3
Đầy bụng, khó tiêu là những dấu hiệu trẻ bị táo bón

Xử trí thế nào khi trẻ bị táo bón?

Tình trạng táo bón tuy khá phổ biến và có thể tự xử trí, nhưng cha mẹ không được chủ quan, tình trạng này cần được phát hiện và can thiệp sớm. Nếu tình trạng này không được cải thiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, khiến bé chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Khi thấy các dấu hiệu con bị táo bón, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau:

  • Bổ sung thêm nước cho bé: Đây là phương pháp đơn giản mà hiệu quả. Nước giúp phân bé trương nở hơn, khi đó việc đào thải phân sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, mẹ có thể cho con uống nước trái cây có chứa nhiều dưỡng chất giúp cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Xây dựng thực đơn ăn dặm khoa học: Một trong những nguyên nhân gây táo bón đến từ thức ăn dặm của bé. Cha mẹ cần chú ý xây dựng cho bé một thực đơn đa dạng, đủ dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, chất xơ hoặc một số thực phẩm có tính nhuận tràng như táo, mận, lê…
  • Giúp trẻ tăng vận động: Vận động giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa và trao đổi chất ở trẻ, kích thích tăng nhu động ruột giúp phân ra khỏi trực tràng dễ dàng hơn. Nếu trẻ chưa biết bò, trườn, cha mẹ có thể giúp bé bằng việc giúp con đạp chân như đạp xe đạp.
  • Massage bụng cho bé: Cách làm này khá hữu dụng, mẹ sử dụng 3 ngón tay chụm lại đặt lên vùng bụng quay rốn, xoa đều theo chiều kim đồng hồ ra ngoài. Mẹ có thể sử dụng dầu massage để tay giảm ma sát với bụng bé, giúp bé dễ chịu hơn. Có thể kết hợp massage bụng với tắm nước ấm, cách này giúp bé đi ngoài dễ hơn.
Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và xử trí như thế nào? 4
Massage bụng giúp bé dễ đi ngoài hơn

Trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón là một tình trạng khá phổ biến và cha mẹ có thể xử trí cho bé tại nhà nên khi gặp phải, cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy vậy, cha mẹ cũng không được chủ quan khi con gặp tình trạng này, cần phát hiện và can thiệp sớm giúp con cải thiện tình hình, tránh nguy cơ lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Cha mẹ cũng nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn một cách tốt nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin