Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không?

Ngày 09/10/2023
Kích thước chữ

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém nên rất dễ bị nhiều loại virus tấn công và xâm nhập vào cơ thể gây bệnh tật. Trong đó, phổ biến nhất là các virus gây cúm, đặc biệt là cúm A. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu việc trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi sẽ có sức đề kháng kém, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bởi vậy, bé rất dễ bị nhiễm bệnh do người lớn lây truyền, hoặc khi thời tiết thay đổi, chế độ ăn không phù hợp,... Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong những tháng đầu đời, trẻ sơ sinh sẽ dễ gặp các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cúm A. Liệu rằng trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không?

Biểu hiện của cúm A ở trẻ sơ sinh

Cúm A là một căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, gây ra bởi các chủng virus cúm A như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9. Trẻ sơ sinh khi mắc bệnh này cũng sẽ trải qua nhiều triệu chứng giống như các bé lớn hơn. Tuy nhiên, do trẻ còn nhỏ và chưa nói chuyện, việc phụ huynh nhận biết các dấu hiệu cúm A sẽ khá khó khăn, đặc biệt là đối với những người là lần đầu làm cha mẹ.

Các thông tin xoay quanh vấn đề trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không 1
Trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không? Trẻ có nguy cơ biến chứng cao hơn so với nhóm khác

Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp ở trẻ sơ sinh khi mắc cúm A:

  • Sốt cao;
  • Ho khan, hắt hơi, hoặc thở khò khè;
  • Trẻ trở nên dễ quấy khóc hơn, cơ thể khó chịu;
  • Ngủ nhiều hơn, ngủ li bì;
  • Trẻ có thể bị tiêu chảy và bỏ bú, nguyên nhân có thể do khó chịu ở dạ dày hoặc vòm họng.
  • Ngủ không ngon giấc và quấy khóc.

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có một số triệu chứng cúm A nguy hiểm bao gồm:

  • Chân tay lạnh;
  • Suy hô hấp, khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi;
  • Trẻ bỏ bú kèm nôn;
  • Da trẻ tái nhợt, xanh xao;
  • Trẻ thường ngủ li bì, trông rất mệt mỏi, không tỉnh táo;
  • Trẻ sốt cao không hạ có thể kèm co giật;
  • Biểu hiện trẻ bị mất nước như: Khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc hoặc không đi tiểu trong khoảng 4 - 8 tiếng;

Khi trẻ sơ sinh có những biểu hiện này cha mẹ nên nhanh chóng liên hệ tới bác sĩ hoặc đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để con được làm xét nghiệm cúm A để có phương án điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không?

Thời gian ủ bệnh cúm A ở trẻ thường chỉ từ 1 - 4 ngày, sau khi bé nhiễm virus cúm. Đặc biệt, thời gian lây bệnh khoảng 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 3 - 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng của bệnh cúm A. Nếu bệnh ở thể nhẹ và được điều trị kịp thời thì chỉ sau khoảng 1 tuần, những biểu hiện cúm A ở trẻ có thể sẽ giảm dần cũng như biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, vì sức đề kháng ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, cúm A có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đáng tiếc cho sức khỏe. Nhiều trường hợp thực tế đã cho thấy có nhiều trường hợp trẻ không tử vong vì cúm A nhưng lại tử vong về những biến chứng do bệnh cúm gây nên. Một trong những biến chứng thường gặp nhất của cúm A với trẻ sơ sinh là viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp cấp , nhiễm trùng tai giữa, nguy hiểm hơn là tình trạng sốt cao ảnh hưởng tới não bộ.

Vậy trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không? Cúm A là bệnh lý hết sức nguy hiểm với trẻ sơ sinh, do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm, đồng thời đưa con tới bệnh viện sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Việc điều trị kịp thời ngay khi mới mắc bệnh sẽ giúp con giảm thiểu được tối đa những biến chứng đồng thời rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Cúm A có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng gan, não và tim. Việc theo dõi và chăm sóc cho trẻ sơ sinh mắc cúm A là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé.

Các thông tin xoay quanh vấn đề trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không 2
Cha mẹ nên giữ nơi ở của trẻ sạch sẽ

Cha mẹ cần làm gì để chủ động phòng bệnh cho trẻ?

Cúm A là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, nhưng may mắn là căn bệnh này hoàn toàn có thể được phòng ngừa, đặc biệt khi cha mẹ biết cách chăm sóc và bảo vệ trẻ. Dưới đây là một số khuyến cáo từ Bộ Y tế giúp cha mẹ có thể chủ động trong việc phòng bệnh cúm A ở trẻ:

  • Hạn chế tiếp xúc với nhiều người: Hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là ở những nơi đông người.
  • Tiêm phòng: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm đầy đủ vaccine để giảm nguy cơ nhiễm virus cúm, bao gồm cúm A.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ: Nếu bạn thường xuyên ẵm bồng trẻ, thì cần đảm bảo giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, hạn chế hôm hít hoặc có những hành động âu yếm với con.
  • Vệ sinh đường hô hấp cho bé: Hàng ngày, cha mẹ nên vệ sinh tai, mũi, và họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
  • Vệ sinh môi trường sống: Giữ nơi ở của trẻ sạch sẽ, tránh tình trạng ẩm mốc và đảm bảo có đủ không gian để trẻ hoạt động.
  • Hạn chế việc trẻ mút tay hoặc ngậm đồ chơi: Để ngăn vi khuẩn lây lan, bạn không nên để trẻ mút tay hoặc ngậm đồ chơi.
  • Dinh dưỡng tốt: Đảm bảo trẻ có nguồn dinh dưỡng đủ và đa dạng để tăng sức đề kháng.
  • Vệ sinh không khí: Làm sạch không khí xung quanh bằng các loại máy hút bụi và hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
  • Độ ẩm trong phòng: Để tạo độ ẩm trong phòng, bạn có thể sử dụng máy phun sương.
  • Tắm cho bé một cách hợp lý: Cha mẹ không nên tắm cho bé quá lâu. Bạn hãy tắm nhanh và đảm bảo trẻ được lau khô người trước khi mặc đồ. Phụ huynh có thể thêm vài giọt tinh dầu tràm trà hoặc bạc hà vào nước tắm, nó sẽ giúp làm ấm cơ thể của bé.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào, dù là nhẹ nhất, thì cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách xử lý và điều trị thích hợp.
Các thông tin xoay quanh vấn đề trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không 3
Đối với trẻ sơ sinh khi có dấu hiệu cúm A, bạn nên đưa bé đi bệnh viện ngay

Lúc nào nên đứa bé đi bệnh viện khi bị cúm A?

Cúm A có thể điều trị tại nhà cho trẻ lớn trên 2 tuổi, hoặc các bé nhiễm bệnh nhẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sơ sinh bị cúm A, thì cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện ngay khi thấy có dấu hiệu. Điều này giúp kiểm soát bệnh tình của bé tốt, đồng thời ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, trong thời gian chăm sóc bé bị bệnh cúm A, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát để cơ thể dễ tỏa nhiệt.
  • Bổ sung nước và dinh dưỡng đúng cách.
  • Nếu con bú sữa mẹ, người mẹ cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và giàu vitamin C để có chất lượng sữa tốt nhất.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với câu hỏi trẻ sơ sinh bị cúm A có nguy hiểm không, thì câu trả lời chắc chắn là có. Vì thế các bậc phụ huynh nên nâng cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe con yêu được trọn vẹn trong những năm tháng đầu đời. Việc quan trọng vẫn là cha nên nên chủ động giúp bé phòng tránh nhiễm virus cúm, từ đó hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin