Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những thông tin cần biết về đặc điểm và phân loại u thần kinh đệm

Ngày 15/08/2024
Kích thước chữ

U thần kinh đệm là bệnh lý khá nguy hiểm, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh. Tùy vào tính chất của mỗi trường hợp mà bệnh lý được chia thành nhiều loại khác nhau. Để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của u thần kinh đệm, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

Tế bào thần kinh đệm có vai trò hỗ trợ và nuôi dưỡng các tế bào thần kinh khác trong não. Theo thống kê, khoảng 33% trường hợp u thần kinh đệm trong tổng số ca mắc khối u trong não. Bệnh lý này tương đối nguy hiểm, có thể gây đe doạ tính mạng người bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là các đặc điểm của u thần kinh đệm mà bạn nên biết.

U thần kinh đệm là gì?

Tế bào thần kinh đệm là những tế bào nằm xung quanh và hỗ trợ hoạt động của các tế bào thần kinh trong não bộ. U thần kinh đệm là tình trạng các tế bào thần kinh phát triển quá mức, vượt qua sự kiểm soát của cơ thể tạo thành khối u nguyên phát hình thành trong não. U thần kinh đệm còn được gọi là u não trong trục, lí do là bởi các khối u này bắt nguồn từ nhu mô não và có xu hướng hòa trộn với nhu mô não của người bệnh.

Theo thống kê, các trường hợp mắc u thần kinh đệm chiếm khoảng 33% trên tổng số trường hợp mắc bệnh u não nguyên phát. Bệnh lý này rất nguy hiểm, bởi các khối u thần kinh đệm nằm ở vị trí khó tiếp cận, việc xâm lấn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan sang những vùng khác của não bộ. U thần kinh đệm khởi phát từ não bộ với những cấp độ nguy hiểm cao, chính vì thế người bệnh cần nhanh chóng đến khám và điều trị khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ. Việc điều trị sớm, kịp thời và đúng cách sẽ có tiên lượng bệnh khả quan.

cac-dac-diem-cua-u-than-kinh-dem 1.jpg
U thần kinh não là một trong những bệnh lý thuộc bệnh u não nguyên phát

Phân loại u thần kinh đệm

Người ta phân loại u thần kinh đệm dựa trên sự phân chia của các tế bào, tăng sinh nội mạch, cách thức hoại tử tế bào, các dấu ấn hóa mô miễn dịch… Một số loại u thần kinh đệm phổ biến:

U tế bào hình sao

Các khối u bắt nguồn từ những tế bào hình sao của não bộ hoặc tủy sống. Thông thường, nhiệm vụ của các tế bào hình sao đó là hỗ trợ cũng như kết nối các tế bào thần kinh khác. Khi xuất hiện các u tế bào hình sao sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Thông thường nó sẽ gây ra những rối loạn về tính cách và tinh thần. Nếu các khối u hình thành ở tủy sống sẽ có xu hướng khiến cho vùng đó trở nên yếu liệt, thậm chí có thể gây ra tàn tật.

U nguyên bào thần kinh đệm

Được hình thành từ sự kết hợp của nhiều tế bào hình sao phát triển bất thường hay đôi khi có sự kết hợp giữa nhiều loại tế bào khác nhau. Ở bệnh lý này, các khối u phát triển không đồng nhất, dễ bị thay đổi theo thời gian, làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả điều trị. U nguyên bào thần kinh đệm thường bắt nguồn từ chất trắng của não và có khả năng xâm lấn các vùng khác hay thậm chí di căn nhanh chóng đến tủy sống.

U thần kinh đệm thân não

Đây là bệnh lý ác tính, bắt nguồn từ các khối u của tế bào hình sao. Thân não là bộ phận đảm nhiệm vai trò truyền thông tin đến tủy sống và những cơ quan khác và kiểm soát một số chức năng quan trọng như thở, điều hòa giấc ngủ, nhịp tim, thăng bằng, đảm bảo hoạt động của bàng quang… Khi các khối u thần kinh đệm thân não phát triển lớn hơn, có thể gây ra sự chèn ép, gia tăng áp lực lên những vùng não khác, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều dây thần kinh kiểm soát cảm giác của gương mặt.

cac-dac-diem-cua-u-than-kinh-dem 2.jpg
U thần kinh đệm thân não gặp nhiều ở trẻ em

U thần kinh đệm lan tỏa

Đây là tình trạng các khối u tế bào sao xâm lấn vào thân não và thường có xu hướng sẽ xâm lấn sang vùng đồi thị, vùng tuỷ sống, vùng dưới đồi hoặc dây sống của cơ thể. Bệnh lý này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người mang đột biến H3K27M(+) hoặc người mắc u xơ dây thần kinh tuýp 1.

U thần kinh đệm ít nhánh

Khối u thường có xu hướng hình thành ở não trước, tốc độ phát triển tương đối chậm. Bệnh lý này được hình thành từ sự xoá bỏ nhánh p của nhiễm sắc thể số 1 và nhánh q của nhiễm sắc thể số 19. U thần kinh đệm ít nhánh thường gặp ở người lớn hơn trẻ em.

U thần kinh đệm thị giác

Các khối u hình thành bên trong dây thần kinh thị giác hoặc tại vị trí truyền tín hiệu từ mắt đến não. Thông thường, các khối u thường hình thành ở vùng đáy não, bên cạnh việc bị giảm thị lực, người bệnh còn có nguy cơ bị ảnh hưởng đến hoạt động của hormone trong cơ thể.

Triệu chứng và biến chứng của u thần kinh đệm

Các triệu chứng của u thần kinh đệm thường khó để phát hiện, thậm chí có một số trường hợp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh thường được phát hiện khi vô tình kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra một bệnh lý khác. Dưới đây là một số triệu chứng có thể xuất hiện trên người bệnh u thần kinh đệm:

  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Chóng mặt, đau đầu dữ dội.
  • Rối loạn thị giác, mất thị lực, nhìn đôi, nhìn mờ…
  • Suy giảm nhận thức, thay đổi tính cách và hành vi một cách đột ngột.
  • Động kinh, co giật.
  • Gặp khó khăn khi giữ thăng bằng cơ thể.
  • Yếu hoặc liệt một nửa thân người…
cac-dac-diem-cua-u-than-kinh-dem 3.jpg
Rối loạn thị giác có thể là dấu hiệu của u thần kinh đệm

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, u thần kinh đệm có thể diễn tiến nặng hơn và gây ra một số biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh như:

  • Các mô não dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu, gây ra tình trạng thoái vị não.
  • Não tích tụ chất lỏng, gây ra bệnh não úng thuỷ.
  • Xuất huyết não.
  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Động kinh, co giật…

U thần kinh đệm là bệnh lý rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Việc tự bổ sung cho bản thân những kiến thức về đặc điểm của u thần kinh đệm giúp bạn tự bảo vệ bảo thân tốt hơn, sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có thể điều trị sớm và kịp thời, nâng cao hiệu quả trị liệu. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin