Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Vai trò của xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao

Ngày 22/12/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm TST và IGRA đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lao, đặc biệt là lao tiềm ẩn. Hai phương pháp này giúp đánh giá chính xác phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn lao, từ đó hỗ trợ quá trình phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Xét nghiệm TST và IGRA là hai công cụ chính trong việc xác định tình trạng nhiễm lao. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong chẩn đoán bệnh lao. Việc hiểu rõ về các xét nghiệm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán mà còn góp phần kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm lao trong cộng đồng.

Chẩn đoán lao tiềm ẩn như thế nào?

Chẩn đoán nhiễm lao tiềm ẩn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị toàn diện bệnh lao, góp phần giảm nguy cơ phát triển thành lao hoạt động. Việc chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa vào hai phương pháp chính là xét nghiệm da Mantoux (TST - tuberculin skin test) và xét nghiệm máu IGRA (Interferon-Gamma Release Assays). Để xác định lao tiềm ẩn, cần loại trừ khả năng mắc lao hoạt động thông qua thăm khám lâm sàng, chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm, hoặc kiểm tra các dấu hiệu bất thường tại các cơ quan nghi ngờ mắc lao ngoài phổi.

Vai trò của xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao 0
Chẩn đoán nhiễm lao tiềm ẩn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị toàn diện bệnh lao

Trong nhiều năm, xét nghiệm Mantoux là phương pháp chủ đạo trong chẩn đoán lao tiềm ẩn. Các nghiên cứu cho thấy, trong nhóm người có kết quả Mantoux dương tính nhưng không có yếu tố nguy cơ, tỷ lệ phát triển lao hoạt động chỉ khoảng 0,1% mỗi năm. Tuy nhiên, xét nghiệm này còn tồn tại một số hạn chế như dương tính giả ở người từng tiêm vắc xin BCG hoặc nhiễm vi khuẩn lao không điển hình, và âm tính giả ở người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hoặc người mới nhiễm lao dưới 8 tuần. Thêm vào đó, việc yêu cầu người bệnh quay lại đọc kết quả sau 48-72 giờ cũng gây bất tiện và ảnh hưởng đến hiệu quả chẩn đoán.

Xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao tiềm ẩn

Hai xét nghiệm TST và IGRA đều có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn, mỗi xét nghiệm đều có ưu nhược điểm khác nhau. Dưới đây là một số điểm khác nhau giữa 2 xét nghiệm này:

  • Xét nghiệm giải phóng Interferon-Gamma (IGRA), thường được gọi là xét nghiệm máu, và xét nghiệm Tuberculin (TST) gọi là xét nghiệm da.
  • Mẫu xét nghiệm: Xét nghiệm IGRA sử dụng mẫu máu để đánh giá phản ứng miễn dịch đối với các kháng nguyên đặc hiệu của vi khuẩn lao, trong khi xét nghiệm TST tiến hành bằng cách tiêm một lượng nhỏ kháng nguyên lao vào da và đo phản ứng miễn dịch tại vị trí tiêm.
  • Số lần thăm khám: Xét nghiệm IGRA bệnh nhân chỉ cần một lần thăm khám, còn với xét nghiệm TST cần phải có hai hoặc nhiều lần thăm khám bệnh nhân để tiến hành xét nghiệm.
  • Thời gian có kết quả: Xét nghiệm IGRA có kết quả trong vòng 24h, còn với xét nghiệm TST kết quả có sau 48 đến 72 giờ.
  • Ảnh hưởng của vắc xin BCG: Với xét nghiệm IGRA tiêm vắc xin BCG không gây ra kết quả dương tính giả, còn xét nghiệm TST thì tiêm vắc xin BCG có thể gây ra kết quả dương tính lao.
Vai trò của xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao 2
Hai xét nghiệm TST và IGRA đều có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn

Xét nghiệm IGRA thường áp dụng cho đối tượng nào?

Xét nghiệm IGRA được sử dụng để phát hiện lao tiềm ẩn (LTBI) và thường được ưu tiên cho các nhóm đối tượng sau:

  • Người từng tiếp xúc thân cận với bệnh nhân lao.
  • Trẻ em tiếp xúc với người mắc lao hoạt động.
  • Người sống chung với bệnh nhân nhiễm HIV.
  • Người bị suy giảm miễn dịch do sử dụng thuốc.
  • Bệnh nhân tiểu đường không có chế độ quản lý bệnh hợp lý.
  • Người từng tiêm vắc xin phòng lao (BCG).
  • Người gặp khó khăn về thời gian và số lần tái khám cần thiết với phương pháp xét nghiệm da TST.
Vai trò của xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao 3
Người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao nên làm xét nghiệm IGRA để chẩn đoán bệnh lao tiềm ẩn

Xét nghiệm IGRA thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bạn có nguy cơ mắc LTBI. Khi thăm khám, hãy cung cấp các thông tin sau để hỗ trợ chẩn đoán:

  • Có mắc bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch như HIV, ung thư hạch, hoặc bệnh thận.
  • Đang sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như steroid (prednisone), cyclosporin, hoặc hóa trị liệu.
  • Đã bị sốt hoặc nhiễm trùng trong tháng qua, ví dụ như cúm, sởi, hoặc viêm phổi.
  • Có tiêm vắc xin trong tháng gần đây.
  • Từng mắc bệnh lao, tiếp xúc với người mắc lao, tiêm phòng BCG, hoặc có lịch sử đi du lịch hay sống ở nước ngoài.

Khi nào dùng xét nghiệm TST xác định bệnh lao?

Những đối tượng cần thực hiện thử nghiệm TST bao gồm:

  • Người có tiếp xúc gần với bệnh nhân lao.
  • Nhân viên làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
  • Người suy giảm hệ miễn dịch do sử dụng một số loại thuốc, hoặc mắc các bệnh như ung thư, HIV/AIDS,...
Vai trò của xét nghiệm TST và IGRA trong chẩn đoán lao 4
Xét nghiệm TST có thể áp dụng cho những người suy giảm hệ miễn dịch do sử dụng thuốc hay bị bệnh

Xét nghiệm TST và IGRA đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và chẩn đoán lao tiềm ẩn, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp tùy thuộc vào đối tượng, điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh cụ thể, góp phần hỗ trợ tối ưu trong công tác phòng ngừa và điều trị bệnh lao.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin