Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Vảy nến vùng kín là gì? Cách điều trị bệnh như thế nào?

Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ

Vảy nến vùng kín có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ là một trong những thể vảy nến thường gặp. Tình trạng này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống tình dục và khiến người bệnh mặc cảm trong giao tiếp.

Vảy nến vùng kín là bệnh lý được xem là lành tính nhưng sẽ diễn tiến nặng hơn nếu không được chữa trị và chăm sóc tích cực, thậm chí bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy tham khảo bài viết trên để tìm hiểu tất cả thông tin về căn bệnh này.

Vẩy nến vùng kín là gì?

Vảy nến vùng kín hay còn gọi là vảy nến sinh dục có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ là tình trạng tổn thương trên da ở cơ quan sinh dục do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Bệnh lý này thuộc nhóm viêm da mạn tính với triệu chứng thường gặp là da ngứa, sưng đỏ, đau nhức và bao phủ xung quanh là vảy trắng màu bạc.

Các đốm vảy nến còn lan nhanh sang các khu vực xung quanh như vùng nếp gấp giữa háng, đùi, mông… Các yếu tố kích thích bệnh khởi phát gồm viêm nhiễm, ma sát mạnh, rối loạn nội tiết hoặc hệ miễn dịch, căng thẳng quá mức…

Hầu hết các trường hợp bị vảy nến vùng kín chỉ gây ra các tổn thương ngoài da, không gây hại cấu trúc sinh dục bên trong, khả năng sinh sản của người bệnh và sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, vì vị trí vùng kín khá nhạy cảm, dễ ẩm ướt nên việc điều trị thường khó khăn, lâu lành hơn.

bai-viet/vay-nen-vung-kin-la-gi-cach-dieu-tri-benh-nhu-the-nao.html 1
Vảy nến vùng kín là tình trạng xuất hiện những tổn thương trên da ở cơ quan sinh dục

Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến vùng kín

Bệnh vảy nến vùng kín gây ra rất nhiều triệu chứng như sau:

  • Đối với nữ giới: Nổi các nốt sần đỏ, sáng bóng, có vảy xung quanh vùng da bên ngoài âm hộ như vùng xương mu, hai bờ mông, lỗ hậu môn. Không ảnh hưởng bên trong âm đạo, chỉ tổn thương ngoài da.
  • Đối với nam giới: Xuất hiện các nốt vảy đỏ, sáng, không gây ngứa tại vùng mông, hậu môn, đầu và thân dương vật, vùng xương mu và bìu. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn với người đã cắt bao quy đầu.

Ngoài ra còn một số triệu chứng phổ biến khác như sau:

  • Ngứa ngáy dữ dội: Ngứa nhiều vào ban đêm, bị kích thích gây phản xạ gãi mạnh, càng gãi nhiều và liên tục để bớt ngứa khiến da chảy máu và ngứa hơn.
  • Đau nhức: Người mắc bệnh vảy nến thể đảo ngược sẽ rất đau nhức khi hoạt động tình dục hay vận động, tập thể dục.
  • Ngứa như kim châm khắp người: Tổn thương khiến da mất độ ẩm tự nhiên, trở nên sần sùi, và gây ra cảm giác châm chích, khó chịu. Khi có sự ma sát mạnh hoặc bí hơi đổ mồ hôi sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Triệu chứng của bệnh còn tùy thuộc vào vị trí xuất hiện vảy nến như:

  • Vảy nến ở vùng xương mu: Gây đau rát, ửng đỏ và xuất hiện vảy trắng vì vùng da tại đây rất nhạy cảm, dễ bị tác động .
  • Vảy nến tại bộ phận sinh dục: Vảy nến không gây bong tróc, da đổi màu thành đỏ mịn, sáng bóng, khô và ngứa ngáy nhiều và có thể gây ra nhiễm trùng.
  • Vảy nến tại phần đùi trên: Xuất hiện các mảng nhỏ hình tròn, có vảy, đỏ tươi.
  • Vảy nến tại phần giữa đùi và háng: Tổn thương vảy nến có màu đỏ và không vảy, da rất khô, có thể gây nứt nẻ, đau rát. Những người thừa cân, béo phì, lười vận động thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tại các nếp gấp của da.
  • Vảy nến ở mông: Nổi mẩn ngứa ở mông, tổn thương vảy nến tại mông thường có màu đỏ kèm theo bong tróc vảy ở các nếp gấp.
  • Vảy nến ở hậu môn và vùng da xung quanh: Vảy nến ở hậu môn thường không có vảy, da ửng đỏ và gây ngứa dữ dội. Người bị vảy nến hậu môn khi đi đại tiện có thể bị chảy máu, đau rát, vùng da xung quanh khô và ngứa ngáy.
bai-viet/vay-nen-vung-kin-la-gi-cach-dieu-tri-benh-nhu-the-nao.html 2
Vảy nến ở vùng kín thường không có vảy, da ửng đỏ và gây cảm giác ngứa ngáy dữ dội

Nguyên nhân gây vảy nến vùng kín

Cho đến nay, vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra vảy nến sinh dục. Tuy nhiên, một số các yếu tố được phát hiện có liên quan đến căn bệnh vảy nến vùng kín này:

Rối loạn gen và hệ thống miễn dịch

  • Bất thường về gen: Người bệnh vảy nến vùng kín đều có gen bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6 gây ra sự rối loạn quá trình chuyển hóa tế bào sừng trên da và có khả năng hoạt hóa các tế bào miễn dịch.
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Các tế bào da tự động tăng sinh không kiểm soát do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, hoạt động sai chức năng. Trong khi các tế bào da cũ vẫn tồn tại trên cơ thể, từ đó da mới chồng da cũ tạo nên những mảng sần sùi, bong tróc trên da.

Yếu tố di truyền

Theo các nhà di truyền học, thông qua đoạn gen bị biến đổi, bệnh vảy nến sinh dục có khả năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Một số yếu tố tác động từ bên ngoài

Bệnh vảy nến là hậu quả của lối sống không lành mạnh, những thói quen xấu như: Nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid…, thừa cân - béo phì, chấn thương da, thời tiết thay đổi đột ngột, căng thẳng thần kinh gây rối loạn nội tiết tố…

Cách điều trị vảy nến vùng kín hiệu quả

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Một số cách điều trị vảy nến vùng kín phổ biến như:

Dùng thuốc Tây 

Thuốc điều trị kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả cao và nhanh chóng. Các loại thuốc bôi tại chỗ giúp làm bong vảy, bạt sừng. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng cách trị vảy nến vùng kín tại nhà bằng thuốc Tây, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ. 

Các loại thuốc được dùng để trị vảy nến vùng kín có chung đặc điểm là chứa thành phần sau:

Thuốc bôi Axit salicylic

Có các nồng độ như 2%, 3% và 5%, là một loại dẫn xuất của BHA (beta hydroxyn axit) giúp giảm bong tróc vảy, loại bỏ các tế bào sừng, làm mềm vùng da khô ráp. 

Thuốc bôi Corticoid liều thấp

Một số loại thuốc bôi Corticoid trị vảy nến phổ biến như Betnovate, Synalar, Eumovate… giúp chống viêm, ức chế miễn dịch và kháng lại các tác nhân dị ứng. 

Thuốc có tác dụng không mong muốn là dễ vào tuần hoàn máu làm giãn mao mạch, rạn da, teo da, nổi mụn trứng cá

bai-viet/vay-nen-vung-kin-la-gi-cach-dieu-tri-benh-nhu-the-nao.html 3
Một số loại thuốc bôi Corticoid liều thấp có khả năng trị vảy nến nhưng gây nhiều tác dụng phụ

Thuốc bôi trị vảy nến Calcipotriol

Thuốc được chỉ định dùng xen kẽ với corticoid nhằm hạn chế những tác dụng quá mức của thuốc. Trong đó, Calcipotriol được sử dụng tại chỗ là chất đồng đẳng của vitamin D3, giúp chống viêm, giảm các tổn thương và ức chế tình trạng tăng sinh các tế bào thượng bì.

Thuốc bôi Dapsone

Dapsone chứa chất kháng sinh điều trị bệnh phong, mụn trứng cá và có thể được chỉ định để điều trị bệnh vảy nến vùng kín nhằm ngừa nhiễm trùng.

Thuốc uống hoặc thuốc tiêm

Các loại thuốc bôi chỉ được dùng để điều trị bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình. Còn những trường hợp bệnh nặng được chỉ định dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm, hiệu quả nhanh chóng chỉ sau 2 - 3 ngày sử dụng nhưng tác dụng phụ cũng rất nhiều.

Thuốc Retinols (vitamin A) dạng uống

Thuốc có khả năng kiểm soát quá trình tăng trưởng của tế bào thượng bì, từ đó giảm nhẹ mức độ tổn thương da và viêm nhiễm, phòng ngừa tái phát.

Thuốc kháng Histamine H1

Người bị vảy nến dùng hoạt chất này có tác dụng làm giảm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu ở bộ phận sinh dục.

bai-viet/vay-nen-vung-kin-la-gi-cach-dieu-tri-benh-nhu-the-nao.html 4
Thuốc kháng histamine H1 làm giảm triệu chứng ngứa khó chịu ở bộ phận sinh dục

Thuốc ức chế miễn dịch

Loại thường dùng nhất là Cyclosporin và Methotrexate nhờ khả năng ức chế tổng hợp axit nucleic, giúp chống viêm và ức chế khả năng tăng sinh tế bào thượng bì.

Một số loại thuốc khác như thuốc sinh học, thuốc giảm miễn dịch Cyclosporin A, một số viên uống bổ sung như vitamin A, vitamin H3, C, B12…

Quang hóa trị liệu 

Để điều trị vảy nến vùng kín hiệu quả và nhanh chóng hơn nhưng an toàn ít độc hại, người bệnh có thể điều trị kết hợp liệu pháp quang hóa trị liệu giúp loại bỏ các tổn thương ngoài da. 

Tóm lại, sau khi đọc bài viết trên bạn đã có đầy đủ thông tin về bệnh vảy nến vùng kín và cách chữa trị như thế nào. Tuy nhiên, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị đúng cách, không tự ý dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin