Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm cơ tim cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh

Ngày 24/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh lý này gây ra do sự viêm nhiễm thành cơ tim làm suy giảm chức năng co bóp của tim. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu triệu chứng cũng như những phương pháp điều trị bệnh nhé!

Các tác nhân gây bệnh tới từ cơ quan khác trong cơ thể có thể gây viêm cơ tim cấp. Nguy hiểm hơn, bệnh lý này thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu cho tới khi triệu chứng bệnh gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Việc nhận biết bệnh sớm giúp bệnh nhân phục hồi tốt sau điều trị. Ngược lại, nếu tế bào cơ tim bị hoại tử không thể hồi phục sẽ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của người bệnh.

Thông tin về bệnh viêm cơ tim cấp

Viêm cơ tim cấp (acute myocarditis) là một bệnh tim mạch nghiêm trọng do viêm nhiễm lớp cơ thành quả tim. Bệnh thường gặp ở đối tượng người trẻ từ 20 đến 40 tuổi, vào thời gian giao mùa. Tình trạng viêm thường do nhiễm trùng từ các nguồn gốc khác nhau như:

  • Parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban);
  • Virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus);
  • Echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa);
  • Virus herpes (gây bệnh thủy đậu, bệnh zona thần kinh);
  • Virus rubella (gây bệnh sởi).

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ, mức độ tổn thương cơ tim cũng như đáp ứng điều trị của người bệnh. Trong một số trường hợp, tình trạng cơ tim có thể phục hồi. Ngược lại với trường hợp nặng, bệnh nhân phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Viêm cơ tim cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh 1
Vi khuẩn, virus từ cơ quan khác gây viêm cơ tim cấp

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm cơ tim cấp

Bệnh viêm cơ tim cấp khó nhận biết trong giai đoạn đầu do triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tim mạch khác. Tuy nhiên, việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu cảnh báo giúp người bệnh điều trị sớm. Dưới đây là một số triệu chứng viêm cơ tim cấp trên lâm sàng, bao gồm:

  • Đau thắt ngực: Một trong những triệu chứng quan trọng nhất của bệnh là đau thắt ngực. Cơn đau có thể có tính chất đặc trưng, thường tập trung ở vùng ngực sau đó lan ra vai, cổ, lưng. Đau thắt ngực do viêm cơ tim cấp thường có sự biến đổi cường độ theo thời gian.
  • Khó thở: Sự suy yếu khả năng cơ tim bơm máu hiệu quả dẫn đến thiếu oxy trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở khi vận động hoặc ngay khi đang nghỉ ngơi.
  • Mệt mỏi: Bệnh nhân thường cảm thấy mất năng lượng và mệt mỏi nhanh chóng. Điều này gây suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.
  • Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim đập không đều là dấu hiệu viêm cơ tim cấp. Sự viêm nhiễm cơ tim ảnh hưởng đến hoạt động đập của tim. Bệnh nhân có thể xuất hiện nhịp tim nhanh, không đều hoặc bất thường hoàn toàn.
  • Phù nề: Do suy yếu cơ tim, cơ thể có thể tích nước, gây ra sưng chân, tay, thậm chí toàn bộ cơ thể.
Viêm cơ tim cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh 2
Đau thắt ngực là triệu chứng đặc trưng của viêm cơ tim cấp

Chẩn đoán viêm cơ tim cấp thông qua cận lâm sàng

Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cơ tim cấp thông qua thăm dò cận lâm sàng và các xét nghiệm liên quan, cụ thể:

  • Tốc độ máu lắng: Đây là một xét nghiệm đơn giản thường được thực hiện trong cận lâm sàng. Tốc độ lắng máu tăng trong trường hợp viêm nhiễm, bao gồm viêm cơ tim cấp. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cũng có thể tăng trong nhiều tình trạng viêm khác, do đó không đặc hiệu cho viêm cơ tim.
  • Men tim: Các men tim như creatine phosphokinase (CPK), troponine T, CK-MB, lactate dehydrogenase (LDH), SGOT (AST), SGPT (ALT) có thể tăng khi viêm cơ tim cấp và mạn tính. Tuy nhiên, việc các chỉ số men này tăng hoặc âm tính không thể loại trừ được viêm cơ tim.
  • Kỹ thuật khuếch đại chuỗi polymerase (PCR): PCR có khả năng phát hiện bộ gen của virus trong tế bào cơ tim. Tuy nhiên, kỹ thuật này không phát hiện được virus trong máu ngoại vi. PCR có thể xác định loại virus gây bệnh, giúp tìm hiểu nguyên nhân của viêm cơ tim.
  • Siêu âm tim cho phép quan sát trực tiếp chức năng co bóp của cơ tim. Thay đổi chức năng co bóp và xuất hiện tràn dịch màng ngoài tim có thể là dấu hiệu của viêm cơ tim. Siêu âm tim cũng có khả năng phát hiện các bất thường bẩm sinh khác như hở van hai lá, hẹp van ba lá…
  • Sinh thiết nội tâm mạc: Sinh thiết thông qua kỹ thuật thăm dò thông tim có thể giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim. Phương pháp này cũng cho biết các nguyên nhân khác của bệnh cơ tim như khiếm khuyết ty lạp thể hoặc bệnh tích trữ.
  • Điện tim: Đây là phương pháp giúp ghi nhận thay đổi trong dấu hiệu điện tim, bao gồm rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất, block nhĩ thất độ I, II, III hoặc các rối loạn dẫn truyền trong thất. Thay đổi điện tim có thể bao gồm nhịp tim nhanh xoang với đoạn ST không đặc hiệu và thay đổi sóng T.
  • X-quang tim: Phim X-quang tim có thể cho thấy tim to toàn bộ với tốc độ nhanh. Biểu hiện ứ trệ tuần hoàn ở phổi cũng có thể phản ảnh trên phim chụp.

Trong việc chẩn đoán bệnh viêm cơ tim cấp, cần kết hợp các thông tin khai thác trên lâm sàng cùng kết quả của kỹ thuật thăm dò hình ảnh, các xét nghiệm liên quan. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, đồng thời đưa ra phương án chữa trị phù hợp.

Viêm cơ tim cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh 3
Xét nghiệm máu là kỹ thuật đơn giản giúp đánh giá chức năng tim

Biện pháp điều trị viêm cơ tim cấp

Dưới đây là thông tin tổng quan về các biện pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh viêm cơ tim cấp:

Can thiệp điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc là một phần quan trọng trong quản lý viêm cơ tim cấp. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả cũng như tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Đối với bệnh nhân suy tim, digoxin và thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng để hỗ trợ chức năng tim cũng như kiểm soát dịch cơ thể.

Trong trường hợp rối loạn chức năng tim, thuốc tăng co bóp có thể được sử dụng trong giai đoạn cấp tính. Sau đó, bệnh nhân thường được chuyển sang sử dụng thuốc ức chế men chuyển sau khi dung nạp.

Liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể

Đối với các trường hợp viêm cơ tim cấp ở cấp độ nặng, khi tim không thể đáp ứng với liệu pháp thông thường, liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) có thể được sử dụng. ECMO là một phương pháp hỗ trợ chức năng tim bằng cách sử dụng thiết bị màng trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, giúp cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide từ máu.

Phẫu thuật ghép tim

Trong một số trường hợp, khi tình trạng tim không thể cải thiện sau điều trị cũng như phương pháp khác không hiệu quả, bệnh nhân có thể được xem xét cho việc ghép tim.

Phẫu thuật ghép tim là một phương pháp nâng cao đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và quá trình phục hồi dài hạn. Đồng thời, biện pháp này yêu cầu về tài chính kết hợp hỗ trợ chăm sóc lâu dài.

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim. Tuy nhiên, vệ sinh cá nhân, đồng thời hạn chế tiếp xúc với nguy cơ nhiễm trùng cơ tim giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin phòng một số bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim như rubella, cúm cũng nên được thực hiện.

Viêm cơ tim cấp: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị bệnh 4
Phẫu thuật ghép tim đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài của bệnh nhân và bác sĩ

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới độc giả thông tin hữu ích về bệnh viêm cơ tim cấp bao gồm dấu hiệu phát hiện bệnh, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim trên lâm sàng kết hợp cận lâm sàng và các phương pháp chữa trị bệnh hiện thời. Đừng quên đón chờ những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm