Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm loét hành tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và chữa trị

Ngày 06/10/2023
Kích thước chữ

Viêm loét hành tá tràng là gì? Tại sao nó lại bị viêm loét? Có chữa khỏi được không? Bài viết này sẽ giải đáp cho những băn khoăn của bạn.

Viêm loét hành tá tràng là một bệnh của đường tiêu hóa. Theo thống kê, người có tỉ lệ mắc bệnh này còn cao hơn người mắc viêm loét dạ dày. Bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề như nguyên nhân phổ biến gây viêm loét hành tá tràng, dấu hiệu của bệnh và cách khắc phục.

Hành tá tràng ở đâu?

Tá tràng là bộ phận đầu tiên trong ba phần của ruột non, nằm giữa dạ dày và hỗng tràng. Có nhiệm vụ nhận dưỡng chất từ dạ dày và nhào trộn với các enzyme mật, tụy và hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, axit béo, axit amin, vitamin A,... Nó được chia thành 4 phần:

  • Tá tràng trên: Hay còn được gọi là hành tá tràng vì đoạn này phình ra hơn so với các đoạn còn lại;
  • Tá tràng xuống;
  • Tá tràng ngang;
  • Tá tràng lên.

Hành tá tràng là phần đầu tiên của tá tràng, có tính di động và được nối với gan bằng dây chằng gan tá tràng. Nó nằm trong 2 - 3 cm đầu tiên của phúc mạc. Về mặt mô học, tá tràng nói chung và hành tá tràng nói riêng là một cơ quan rỗng, được cấu tạo từ 4 lớp: Niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc. Hành tá tràng là vị trí dễ bị viêm loét nhất trong 4 phần nhưng ít tiến triển thành ung thư ruột nhất.

viem-loet-hanh-ta-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-chua-tri-2.png
Vị trí tá tràng trong cơ thể 

Nguyên nhân viêm loét hành tá tràng

Nguồn gốc của viêm loét hành tá tràng là nồng độ axit tăng cao và sức đề kháng của niêm mạc tá tràng giảm, dẫn đến tình trạng viêm, tạo cơ hội cho vi khuẩn Helicobacter pylori xâm nhập. Bệnh kéo dài không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến loét, có thể nặng hơn với các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng, rò, ung thư ruột.

NSAID là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng viêm dạ dày - tá tràng. Thuốc này có tác dụng kháng viêm bằng cách ức chế COX, qua đó ức chế prostaglandin - một yếu tố bảo vệ niêm mạc hành tá tràng. ngoài ra, NSAID làm giảm lưu lượng máu ở niêm mạc hành tá tràng và cản trở quá trình sửa chữa khiến vết thương trở nên lâu lành hơn.

H. pylori được biết đến là nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính và được coi là yếu tố căn nguyên trong sự phát triển của bệnh loét hành tá tràng. Ở các nước đang phát triển có tỷ lệ nhiễm H. pylori cao và người dân chỉ đến bệnh viện với tình trạng mãn tính kéo dài.

Về cơ chế, thứ nhất, khi vi khuẩn H. pylori xâm nhập, cơ thể sẽ tiết ra cytokine tiền viêm dẫn đến tình trạng viêm mãn tính. Thứ hai, nó tiết ra một số chất bào mòn lớp màng nhầy bảo vệ tá tràng, từ đó axit xâm nhập vào lớp niêm mạc bên dưới. Thứ ba, vi khuẩn HP làm giảm tiết bicarbonate ở hành tá tràng làm giảm yếu tố bảo vệ, gây tăng nguy cơ viêm loét hành tá tràng.

viem-loet-hanh-ta-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-chua-tri-3.png
Thuốc NSAID và vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày - tá tràng

Ngoài hai nguyên nhân là vi khuẩn và thuốc, còn một số nguyên nhân thứ phát khác như bệnh Crohn hay hội chứng Zollinger Ellison,...

Yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm sức đề kháng của niêm mạc tá tràng bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Ăn uống không điều độ, ăn thực phẩm có tính axit, cay nóng;
  • Môi trường, áp lực cuộc sống;
  • Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, nước ngọt có gas quá nhiều;
  • Thiếu máu.
viem-loet-hanh-ta-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-chua-tri-4.png
Thói quen sinh hoạt không tốt cũng góp phần gây viêm loét hành tá tràng

Triệu chứng viêm loét hành tá tràng

Triệu chứng của bệnh khá giống với triệu chứng khó tiêu, viêm loét dạ dày. Tùy vào mức độ bệnh mà có triệu chứng nhẹ hay nặng.

  • Đau vùng thượng vị hơi lệch sang phải, theo từng đợt;
  • Cơn đau sẽ được cải thiện sau bữa ăn. Khác với cơn đau liên quan đến loét dạ dày thường nặng hơn sau bữa ăn;
  • Khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn;
  • Mệt mỏi, da nhợt nhạt do thiếu máu thiếu sắt khi vết loét xuất huyết thường xuyên. Khi có xuất huyết tiêu hóa xảy ra sẽ có các dấu hiệu như nôn ra máu, phân đen,...

Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, thủng và tắc nghẽn. Trong đó, biến chứng tắc nghẽn khá hiếm gặp nhất. Những bệnh nhân này thường biểu hiện đau bụng lan tỏa rất nặng, có thể bắt đầu bằng đau vùng thượng vị và lan tỏa.

viem-loet-hanh-ta-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-chua-tri-5.png
Dấu hiệu nhận biết viêm loét tá tràng rất dễ nhầm với các bệnh lý đường tiêu hóa khác

Phương pháp khắc phục

Loét tá tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, những bệnh nhân từ 20 - 45 tuổi sẽ thường thấy hơn và phổ biến ở nam hơn nữ. Tùy vào nguyên nhân vào tình trạng bệnh mà có các phương pháp khắc phục khác nhau.

Viêm loét hành tá tràng do vi khuẩn

Nguyên tắc chữa trị trong viêm loét do nhiễm khuẩn là kết hợp loại bỏ H.pylori bằng kháng sinh và điều trị loét tá tràng bằng thuốc. Thời gian điều trị mỗi đợt là 7 ngày (đối với tiêu chuẩn Anh) hoặc 10-14 ngày (đối với tiêu chuẩn Mỹ) và 14 ngày đối với hành tá tràng có biến chứng.

Bệnh sẽ được chữa trị theo phác đồ sau:

  • Phác đồ 3 thuốc: 1 Thuốc ức chế bơm proton + 2 kháng sinh.
  • Phác đồ 4 thuốc: 1 Thuốc ức chế bơm proton + 2 kháng sinh + 1 bismuth.

Viêm loét hành tá tràng do thuốc NSAID

Hãy thăm hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngưng thuốc. Vì có một số bệnh buộc phải dùng NSAID trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch.

  • Trường hợp có thể ngưng NSAID: Bạn sẽ được sử dụng thuốc để bảo vệ vết tổn thương cho chúng nhanh lành như thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamin H2, thuốc bảo vệ niêm mạc tá tràng trong 4 tuần.
  • Trường hợp không thể ngưng NSAID: Bạn sẽ được sử dụng thuốc NSAID ức chế chọn lọc COX-2 phối hợp với thuốc ức chế bơm proton trong 4 tuần hoặc thuốc kháng histamin H2 trong 8 tuần và/hoặc thuốc bảo vệ niêm mạc tá tràng.

Phương pháp ngoại khoa

Nếu tá tràng xuất huyết không cầm máu được hay vết thủng không thể tự lành lại thì bắt buộc bác sĩ phải can thiệp ngoại khoa. Hiện tại có một số phương pháp can thiệp sau:

  • Phẫu thuật nội soi: Là phẫu thuật tiêu chuẩn nhất, có thể giảm đau sau phẫu thuật so với phẫu thuật truyền thống. Đây là phương pháp có hiệu quả trong việc kiểm soát chảy máu do loét hành tá tràng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vết loét: Phẫu thuật này kiểm soát trực tiếp vị trí chảy máu, chỉ áp dụng khi phương pháp nội soi không hiệu quả.

Bên cạnh việc những phương pháp trên, bạn nên thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, đều đặn, tránh các thực phẩm có tính kích thích, ngủ đủ, quản lý căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, nếu bạn đã có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng, kể cả chưa có cũng nên khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa - phát hiện - chữa trị kịp thời.

viem-loet-hanh-ta-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-va-chua-tri-6.png
Bên cạnh việc dùng thuốc thì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng

Mong rằng bài viết này có thể cung cấp cái nhìn tổng quan cho bạn về những kiến thức cần thiết của bệnh viêm loét hành tá tràng. Từ đó có cách bảo vệ, chăm sóc cơ thể tốt hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin