Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tá tràng: Vị trí, vai trò và các bệnh thường gặp

Ngày 06/10/2023
Kích thước chữ

Bệnh dạ dày - tá tràng khá phổ biến hiện nay. Có lẽ bạn đã nghe nhiều về dạ dày (bao tử) nhưng tá tràng có thể chưa được biết nhiều. Tá tràng là gì? Ở đâu trong cơ thể? Có vai trò gì? Những bệnh lý có thể xảy ra ở tá tràng sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Tá tràng là phần tiếp theo của dạ dày và là phần đầu tiên của ruột non. Là một phần của ống tiêu hóa. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về giải phẫu tá tràng, qua đó biết được chức năng và các bệnh có thể gặp phải ở bộ phận này.

Tá tràng là gì?

Tá tràng là phần đầu tiên và là đoạn ngắn nhất của ruột non, dài khoảng 23 - 28 cm, đường kính 3 - 4 cm. Thế tá tràng nằm ở đâu? Nó nằm bên phải cột sống, giữa dạ dày và hỗng tràng. Sở dĩ có tên gọi là tá tràng bởi vì chiều dài của của nó tương đương 12 ngón tay nằm ngang. Nó gần giống hình móng ngựa hay hình chữ “C”, đầu mở hướng lên trên và sang trái, nằm phía sau gan.

Sau khi tìm biết "Tá tràng là gì?", chúng ta tiếp tục tìm hiểu về các phần trong tá tràng. Dựa trên cơ sở giải phẫu và chức năng, tá tràng có thể được chia thành bốn đoạn. Mỗi đoạn có cấu trúc, hình dạng khác nhau và thực hiện một chức năng khác nhau:

  • Tá tràng trên (D1): Dài khoảng 5 cm, bắt đầu từ môn vị dạ dày đi ra phía sau bên phải. Trong đó, ⅔ bên trái phình to ra gọi là hành tá tràng hay bóng tá tràng. Đây là vị trí dễ bị loét nhưng ít khi tiến triển thành ung thư.
  • Tá tràng xuống (D2): Dài khoảng 7 - 8 cm, nối tiếp từ đường cong trên của tá tràng đến ngang mức đốt sống thắt lưng thứ ba và uốn cong về phía bên trái.
  • Tá tràng ngang (D3): Dài khoảng 10cm, bắt đầu từ bờ cong dưới của tá tràng chạy ngang sang trái qua đốt sống thắt lưng thứ 3 rồi tiếp tục đi lên. Đây là vị trí mà khi có tổn thương xảy ra sẽ không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và giữa, giai đoạn muộn có thể có dấu hiệu vàng da tắc mật, nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tá tràng lên (D4): Dài khoảng 2 - 3 cm, bắt đầu từ bên trái của đốt sống thắt lưng thứ ba đến bên trái của đốt sống thắt lưng thứ hai và tiếp nối với hỗng tràng.
tim-hieu-ve-ta-trang-2.png
Tá tràng được chia thành 4 phần

Thành tá tràng được cấu thành từ 4 lớp từ trong ra ngoài bao gồm lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ trơn và lớp thanh mạc.

Tá tràng có vai trò gì?

Sau khi thức ăn được tiêu hóa trong dạ dày sẽ trở thành nhũ trấp, thông qua môn vị sẽ đổ vào tá tràng. Tá tràng là nơi nhận được cả dịch dạ dày, dịch tụy và mật nên chức năng tiêu hóa của tá tràng rất quan trọng.

Tá tràng thực hiện điều hòa môi trường bằng hormone secretin và hormone cholecystokinin được giải phóng từ biểu mô tá tràng.

  • Hormone secretin có tác dụng trung hòa độ pH khi độ pH của tá tràng giảm xuống mức thấp hơn mức bình thường, bằng cách kích thích tiết nước và bicarbonate vào tá tràng. Nhờ vậy mà thúc đẩy quá trình tiêu hóa vì amylase do tuyến tụy tiết ra và lipase sẽ hoạt động tối ưu khi ở độ pH nhất định.
  • Hormone cholecystokinin (CCK) được giải phóng khi có axit béo và axit amin. Cả secretin và cholecystokinin đều khuyến khích bài tiết mật và dịch tụy.
tim-hieu-ve-ta-trang-3.jpg
Quá trình hoạt động của Secretin và CCK trong cơ thể

Tá tràng thực hiện trộn enzyme mật, tuyến tụy với nhũ trấp để phân hủy thức ăn thành các dạng đơn giản hơn mà ruột non có thể hấp thu. Ngoài ta, tá tràng còn có vai trò hấp thu nước, chất dinh dưỡng như sắt, vitamin A, vitamin B1, chất béo, axit amin và chất điện giải.

Các bệnh thường gặp ở tá tràng

Viêm tá tràng

Viêm tá tràng là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc tá tràng. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm như sử dụng thuốc NSAID trong thời gian dài, dị ứng với gluten, uống rượu, bệnh Celiac hay bệnh Crohn,... Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Như đã giải thích ở trên về "tá tràng nằm ở đâu?". Bạn có thể gặp một số triệu chứng ở gần dạ dày và có thể nhầm với các triệu chứng của bệnh dạ dày như:

  • Đau rát;
  • Đau bụng, buồn nôn;
  • Khó tiêu;
  • Nhanh no;
  • Mệt mỏi.

Hầu hết viêm tá tràng đều có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng cách:

  • Viêm do vi khuẩn HP, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định uống kháng sinh diệt H.pylori và thuốc giảm axit dạ dày như thuốc PPI.
  • Viêm do NSAID thì bạn có thể hỏi bác sĩ về việc ngưng thuốc hoặc đổi sang loại khác. Nếu bạn bệnh tim hoặc đột quỵ buộc phải dùng aspirin thì đừng ngưng thuốc trước khi thảo luận với bác sĩ. Nếu bạn uống NSAID vì bị viêm khớp hoặc đau thì cũng hỏi bác sĩ về lựa chọn khác. Không nên tự ý thay đổi khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Viêm do dị ứng với gluten thì bạn nên chọn các thực phẩm không chứa gluten.
  • Không uống rượu.

Loét tá tràng

Loét tá tràng xảy ra ở vị trí niêm mạc tá tràng, là kết quả của việc bị acid trong dịch tiết dạ dày ăn mòn lên biểu mô bề mặt của ruột non đã bị tổn thương trước đó. Có 2 nguyên nhân chính gây loét tá tràng là người có tiền sử sử dụng NSAID và nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Khi bị loét tá tràng bạn có thể gặp các dấu hiệu như khó tiêu, đau bụng trên, nghiêm trọng hơn bao gồm xuất huyết tá tràng (biểu hiện như phân đen, nôn máu, tiểu máu, mệt mỏi do thiếu máu), thủng hoặc phát triển lỗ rò.

Loét tá tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chúng thường được chẩn đoán ở những bệnh nhân từ 20 đến 45 tuổi và phổ biến ở nam hơn nữ. Mục tiêu điều trị loét tá tràng là giảm nồng độ axit tiếp xúc với vết thương từ đó giảm cảm giác đau và tạo cơ hội cho vết loét lành lại. Hầu hết, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế tiết axit như thuốc đối kháng thụ thể Histamin H2, thuốc ức chế bơm proton. Nếu bệnh nhân bị loét do vi khuẩn HP thì sẽ dùng thuốc kháng sinh theo phác đồ cùng với thuốc ức chế tiết axit. Đối với những bệnh nhân có tiền sử sử dụng NSAID lâu dài, lời khuyên là nên tránh sử dụng NSAID nhưng phải có sự đồng ý của bác sĩ. Còn với những bệnh nhân có xuất hiện biến chứng như thủng, chảy máu thì cần có sự can thiệp của phẫu thuật.

tim-hieu-ve-ta-trang-4.jpg
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng

Hẹp tá tràng

Hẹp tá tràng là tình trạng tắc ruột bẩm sinh không hoàn toàn ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở 1 trong 5000 - 10000 ca sinh. Nguyên nhân là do trong tuần thứ 8 - 10 của thai nhi, đã có sự sai sót trong việc tái thông tá tràng là nguyên nhân chính gây ra chứng hẹp tá tràng.

tim-hieu-ve-ta-trang-5.jpg
Hẹp tá tràng (hẹp không hoàn toàn) khác với teo tá tràng (hẹp hoàn toàn)

Trong hẹp tá tràng, lòng tá tràng bị tắc nghẽn không hoàn toàn và biểu hiện sớm khi trẻ bị nôn mửa, chướng bụng, không đi đại tiện trong vòng 24 - 38 giờ đầu sau lần bú đầu tiên và dần dần trở nên trầm trọng hơn như nhiễm kiềm chuyển hóa hạ kali máu nếu không được điều trị.

Khi bị hẹp tá tràng, bác sĩ chỉ có thể làm phẫu thuật bắt cầu để điều chỉnh tổn thương tắc nghẽn này.

Ung thư tá tràng

Ung thư tá tràng được coi là ung thư biểu mô ruột non, là một loại ung thư hiếm gặp và triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh khác nên khó phát hiện như đau bụng, buồn nôn, táo bón, phân máu, sụt cân, trào ngược dạ dày thực quản,...

Bệnh được chia thành 4 loại:

tim-hieu-ve-ta-trang-6.jpg
Ung thư tá tràng có những dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Tùy vào từng giai đoạn bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau. Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp chính trong điều trị ung thư. Bên cạnh đó, có thể phối hợp với xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp sinh học. Trong đó, hóa trị - xạ trị sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ tới nặng. Liệu pháp sinh học là một phương pháp mới đầy triển vọng bằng cách thúc đẩy tế bào trong cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư với ít tác dụng phụ hơn các phương pháp khác.

Hy vọng bài viết cung cấp thêm các kiến thức bổ ích cho bạn về tá tràng. Nếu bạn có nghi ngờ về bệnh tá tràng thì không nên tự phán đoán, điều trị tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ để có kết quả chính xác và phương pháp điều trị tốt nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin