Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng có nguy hiểm không?

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ

Do nhiều yếu tố, trong đó có việc ít vận động mà tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng ngày càng gia tăng. Vậy đây có phải căn bệnh nguy hiểm không và có giải pháp nào khắc phục hiệu quả? Một số thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là bệnh lý viêm khớp khá thường gặp. Theo thống kê, đây là căn bệnh viêm khớp phổ biến, chỉ đứng sau viêm quanh khớp vai thông thường. Làm thế nào để ngăn ngừa chứng bệnh này và đâu là giải pháp điều trị hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé!

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là bệnh gì?

Để hiểu rõ viêm quanh khớp vai thể đông cứng là bệnh gì, trước hết ta cần hiểu rõ cấu trúc của vai trên cơ thể. Vai gồm 3 xương tạo thành một khớp chỏm và ổ chảo bao gồm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Mô liên kết bao quanh khớp gọi là bao khớp vai. Thể đông đặc khớp vai xảy ra khi là mô sẹo hình thành xung quanh khớp, khiến bao khớp vai dày lên và co cứng, kèm theo cảm giác đau đớn và khả năng vận động khớp vai bị hạn chế.

Tùy từng người mà cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội, ở vùng vai ngoài hoặc phần trên cánh tay. Mức độ đau thường tăng dần lên theo quá trình diễn tiến của bệnh hoặc khi người bệnh cử động cánh tay. Cơn đau thường xảy ra ở vùng vai ngoài hoặc phần trên cánh tay.

Theo các nghiên cứu, người mắc viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường phải trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đau khớp bả vai: Trong giai đoạn này, người bệnh bị đau nhiều, thậm chí cả khi không cử động. Cơn đau tăng nhanh và dữ dội hơn khi cử động tay, khả năng vận động khớp vai giảm dần. Người bệnh không thể thực hiện các sinh hoạt đơn giản hằng ngày như chải đầu, gãi lưng hay đưa tay ra trước ra sau. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 tuần cho đến 9 tháng, tùy từng người.
  • Giai đoạn đông cứng: Ở giai đoạn này, các triệu chứng đau khớp bả vai được cải thiện hơn nhưng độ cứng vẫn còn. Giai đoạn này thường kéo dài 4 - 6 tháng, các hoạt động hàng ngày vẫn rất khó khăn.
  • Giai đoạn tan đông: Bước sang giai đoạn này, chuyển động của vai được cải thiện dần, tầm hoạt động của khớp vai từ từ trở lại bình thường, tuy nhiên cảm giác đau khi cử động tay vẫn còn kéo dài thêm một vài tháng. Thực tế giai đoạn này thường mất từ 6 tháng đến 2 năm.
viem-quanh-khop-vai-the-dong-cung-1.jpg
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường kéo dài trong nhiều năm

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng có nguy hiểm không?

Khi gặp chứng bệnh này, nhiều người tỏ ra hoang mang và không biết liệu viêm quanh khớp thể đông cứng có nguy hiểm không. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một bệnh khó điều trị do bao khớp bị viêm dính, dày, xơ hóa, dẫn đến tình trạng mất chức năng khớp.

Mặc dù bệnh thường được cải thiện hơn qua thời gian, tuy nhiên lại mất đến vài năm. Người bệnh thường phải chịu đựng những cơn đau quanh khớp vai trong thời gian dài. Do đó, dù không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng viêm quanh khớp thể đông cứng lại gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh.

Vậy làm thế nào để ngăn ngừa chứng bệnh này? Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này. Theo nghiên cứu, bệnh xảy ra thường do một vài yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Tuổi tác và giới tính: Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có nhiều mắc căn bệnh này hơn nam giới.
  • Bệnh nhân tiểu đường: Thực tế cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc căn bệnh này nhiều hơn.
  • Vai bị bất động khớp trong thời gian dài: Những người gặp tình trạng vai bất động trong một khoảng thời gian do phẫu thuật, gãy xương hoặc chấn thương khác thường có nguy cơ vai bị đông cứng. Do đó, thông thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân cử động vai ngay sau khi hết quá trình giữ nguyên khớp để tránh gặp phải viêm quanh khớp vai sau chấn thương.
  • Các nguyên nhân khác: Những người bị rối loạn hệ miễn dịch, thay đổi nội nội tiết tố, rối loạn thần kinh sinh dưỡng vùng khớp vai, thoái hóa khớp,... cũng tăng nguy cơ khả năng mắc bệnh.

Từ những thông tin đối tượng nào dễ mắc phải viêm quanh khớp vai và hiểu về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh như trên, bạn nên có sự thăm khám kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, từ đó xác định phương pháp điều trị phù hợp.

viem-quanh-khop-vai-the-dong-cung-2.jpg
Cơn đau viêm quanh khớp vai có thể xảy ra kể cả khi nghỉ ngơi

Các giải pháp điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Hiện nay, việc điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng chủ yếu là kiểm soát cơn đau và phục hồi chức năng của khớp. Thực tế, việc điều trị sớm trong giai đoạn đầu thường mang lại kết quả tốt hơn so với điều trị muộn. Một số giải pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay như:

Điều trị bằng thuốc: Theo các bác sĩ, thời gian đầu, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau. Giai đoạn đông khớp, có thể kết hợp thêm corticoid với thuốc tê trong bơm áp lực, bơm vào ổ khớp để bóc tách các xơ dính. Khi thực hiện quy trình tiêm, bác sĩ sẽ phải thực hiện trong điều kiện vô khuẩn để tránh dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn khớp vai.

Điều trị bằng vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có vai trò quan trọng giúp phục hồi khả năng vận động như ban đầu. Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng là sử dụng các phương pháp vật lý như sóng ngắn, sóng cực ngắn, bức xạ hồng ngoại, vi sóng, điện xung, điện di ion thuốc có tác dụng chống viêm và tăng tuần hoàn dinh dưỡng cho khớp vai,... Ngoài ra, có thể thực hiện các bài tập chức năng như: Bài tập con lắc, tập với dụng cụ, kéo nắn trị liệu bằng tay, gấp cánh tay ra sau, xoay cánh tay,...

Điều trị can thiệp: Khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, chức năng khớp suy giảm nghiêm trọng, người bệnh đau đớn nhiều, bác sĩ có thể chỉ định các điều trị can thiệp như: Mổ nội soi khớp vai, kéo giãn khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai,... Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh nên được tiếp tục áp dụng phương pháp vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động của khớp vai, giúp quá trình hồi phục nhanh hơn.

viem-quanh-khop-vai-the-dong-cung-3.jpg
Điều trị viêm quanh khớp vai bằng châm cứu

Với những thông tin có thể thấy viêm quanh khớp vai thể đông cứng không phải là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, thời gian để chức năng khớp vai trở lại như bình thường rất lâu. Do đó, phát hiện và điều trị bệnh sớm là cực kỳ cần thiết, giúp rút ngắn diễn biến của bệnh, khớp vai nhanh chóng được phục hồi. Bạn nên được khám đau khớp vai từ sớm và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Xem thêm: Tư thế ngủ cho người viêm cột sống dính khớp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin