Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vôi hóa mạch máu có nguy hiểm không?

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những kết quả xét nghiệm hay gặp của người lớn tuổi khi đi khám sức khỏe là vôi hóa mạch máu. Vậy bệnh vôi hóa mạch máu là gì và có nguy hiểm không?

Cùng với sự phát triển ngày càng hiện đại của nền y học, mỗi chúng ta đều được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tầm soát và phát hiện sớm nhiều bệnh lý trong đó có vôi hóa mạch máu. Việc trang bị những kiến thức căn bản về các bệnh thường gặp sẽ giúp bạn bớt hoang mang lo lắng, hiểu đúng lời giải thích của bác sĩ và biết các xét nghiệm cần được làm. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh vôi hóa mạch máu qua bài viết sau.

Vôi hóa mạch máu là bệnh gì?

Trong cơ thể canxi được lưu trữ nhiều nhất ở xương và răng, trong máu cũng có một lượng nhỏ canxi nhưng chỉ chiếm 1% tổng lượng canxi của cơ thể. Vôi hóa mạch máu là hiện tượng các mảng tích tụ canxi hình thành và kết tủa theo thời gian tạo thành những mảng ở thành mạch, đây được xem là một dạng của bệnh xơ vữa động mạch. Một nguyên nhân khác được biết đến là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến mạch máu bị suy giảm độ đàn hồi. Hiện tượng vôi hóa thường xảy ra ở nơi có lưu lượng tuần hoàn cao như các động mạch, màng ngoài tim, thận, não, tuyến vú,...

Vôi hóa mạch máu có nguy hiểm không 1
Vôi hóa mạch máu là hiện tượng các mảng tích tụ canxi hình thành và kết tủa ở thành mạch

Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh vôi hóa mạch máu là:

  • Tuổi cao, bị lão hóa mạch máu sớm.
  • Các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu (đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất),...
  • Người béo phì, ít vận động, chế độ ăn nhiều dầu mỡ trong khẩu phần.
  • Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
  • Gia đình có người bị vôi hóa mạch máu (tính di truyền của bệnh).

Hậu quả của vôi hóa thành mạch

Sự lắng đọng canxi làm cho lòng mạch máu hẹp lại, trở nên cứng hơn và mất tính đàn hồi, từ đó đưa đến các hậu quả như:

Lòng mạch hẹp lại

Các mảng tích tụ canxi phình sâu vào lòng mạch làm cản trở dòng máu chảy và giảm lượng máu tưới cho các cơ quan. Khi lòng mạch máu hẹp đến hơn 70% thì cũng được xem như là tắc mạch, vì lượng máu chảy qua chỗ quá hẹp, không đủ nuôi dưỡng các mô mà nó chi phối.

Tắc mạch hoàn toàn

Lòng mạch gồ ghề vì các mảng tích tụ canxi lồi vào trong, làm cho các tiểu cầu dễ bám dính vào và kích hoạt quá trình đông máu trong cơ thể. Đây là một chuỗi phản ứng dây chuyền tạo nên cục máu đông trong lòng mạch.

Cục máu đông nếu đủ lớn sẽ làm tắc mạch ngay tại chỗ, nếu không nó sẽ bị dòng máu với áp lực đủ lớn đẩy trôi theo đường đi của mạch. Mà càng xa tim đường kính của các mạch máu càng nhỏ, cuối cùng gây tắc ở mạch máu một đoạn nào đó.

Tắc mạch có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào trên đường đi của dòng chảy máu, nhưng nguy hiểm nhất là tắc mạch vành tim và tắc mạch não, gây nhồi máu cơ timnhồi máu não, dẫn đến phần mô do nhánh bị tắc chi phối không được nuôi dưỡng và dần hoại tử.

Bể vỡ mạch máu

Thành mạch không còn độ đàn hồi do thoái hóa kèm theo áp lực máu cao ép vào thành mạch sẽ làm mạch dễ phình ra và có thể bể vỡ, là một tình trạng chảy máu cấp tính cần được cấp cứu kịp thời.

Vôi hóa mạch máu có nguy hiểm không? 2
Vôi hóa màng ngoài tim do vôi hóa mạch máu

Tăng huyết áp

Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, sự vôi hóa mạch máu làm cho mạch máu cứng đơ như một ống nước, không co giãn đàn hồi được nữa nên sức cản ngoại biên mạch máu tăng lên nhiều dẫn đến tăng huyết áp.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Bệnh vôi hóa mạch máu thường không có triệu chứng báo trước, nhiều trường hợp chỉ khi có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng mới phát hiện ra. Một số triệu chứng gợi ý bệnh mà bạn nên gặp bác sĩ sớm nhất là:

  • Mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khi nằm hoặc nghiêng người về phía trước là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim gợi ý vôi hóa màng ngoài tim.
  • Các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua như yếu hoặc tê ở tay chân, nói lắp hoặc nói khó, mất thị lực tạm thời,...
  • Giảm huyết áp ở chi hoặc tê đau các chi gợi ý tắc mạch ở các chi, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử, phải cắt cụt chi.
  • Các triệu chứng như phù tay chân, chán ăn, tiểu ít,... gợi ý đến bệnh thận mạn.

Ở những giai đoạn sau của bệnh, nếu được phát hiện và tiến hành điều trị cũng không đảo ngược được tình thế, tức là không đưa được bệnh trở về giai đoạn đầu vì cấu trúc thành mạch đã thay đổi gần như cố định, không thể loại bỏ tổ chức vôi hóa ra và làm mềm thành mạch được nữa. Vì vậy việc phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực ngay ở giai đoạn đầu sẽ đạt được hiệu quả cao hơn so với điều trị muộn bằng cách làm chậm hay ngừng sự tiến triển của bệnh.

Vôi hóa mạch máu có nguy hiểm không? 3
Cơn đau thắt ngực trên bệnh nhân có vôi hóa

Sự lắng đọng quá mức canxi trên thành mạch sau một khoảng thời gian gây ra bệnh vôi hóa mạch máu và để lại nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm tàng đối với người bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tầm soát sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để kịp thời phát hiện các tình trạng bất thường và điều trị sớm nhất. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm