Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xét nghiệm acid folic là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic?

Ngày 28/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Acid folic hay còn được gọi là vitamin B9, là một loại vitamin đóng một vai trò quan trọng đối với sức khoẻ của con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Để kiểm tra xem cơ thể của bạn có bị thiếu vitamin B9 hay không, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện xét nghiệm acid folic. Vậy xét nghiệm acid folic là gì và khi nào cần thực hiện loại xét nghiệm này?

Xét nghiệm acid folic là một xét nghiệm nhằm mục đích đánh giá tình trạng cơ thể con người có bị thiếu vitamin B9 hay không, từ đó giúp phát hiện ra những bất thường đang diễn ra bên trong cơ thể. Vậy xét nghiệm acid folic là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm acid folic như thế nào?

Tìm hiểu chung về acid folic

Acid folic (vitamin B9) là một thành phần không thể thiếu cho quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh của cơ thể. Đặc biệt, acid folic là dưỡng chất rất quan trọng và cần thiết cho quá trình phát triển của thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Theo các chuyên gia, acid folic mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ và có nhiều tác dụng như:

  • Điều trị tình trạng thiếu folate: Việc cơ thể thiếu chất folate có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống hay một số bệnh lý khác làm giảm khả năng hấp thu folate. Khi cơ thể thiếu folate có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, thiếu máu hay trầm cảm. Do đó, việc bổ sung acid folic thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ giúp duy trì và cải thiện sức khoẻ.
  • Ngăn ngừa dị tật bẩn sinh ở thai nhi: Việc bổ sung đầy đủ vitamin B9 trong thai kỳ sẽ giúp ngăn ngừa được các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, đặc biệt là dị tật ống thần kinh hay hở hàm ếch. Ngoài ra, acid folic còn giúp làm giảm nguy cơ về các biến chứng của thai kỳ như tiền sản giật.
  • Bảo vệ sức khoẻ của não bộ: Tình trạng suy giảm chức năng của não bộ và sa sút trí tuệ có thể xảy ra khi nồng độ folate trong máu thấp. Do vậy, việc bổ sung đầy đủ acid folic cho cơ thể sẽ giúp cải thiện chức năng của não và hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm: Theo một số nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh trầm cảm thường có nồng độ acid folic trong máu thấp hơn so với những người khoẻ mạnh. Do đó, việc bổ sung acid folic thông qua các bữa ăn có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch: Homocysteine là một loại axit amin có thể là tác nhân gây ra một số vấn đề về sức khoẻ tim mạch như tạo cục máu đông, xơ vữa động mạch. Trong khi đó, folate là một thành phần quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hoá homocystein thành hợp chất khác không gây hại cho cơ thể. Do đó, việc bổ sung acid folic cho cơ thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, đồng thời cải thiện lưu lượng máu cũng như chức năng tim mạch.

Một số thực phẩm giàu acid folic có thể kể đến như:

  • Các loại đậu: Đậu phộng, đậu Hà Lan…
  • Các loại rau xanh: Súp lơ xanh, bắp cải, xà lách…
  • Trái cây: Cam, bơ, chuối, đu đủ…
  • Thực phẩm khác: Bánh mì, ngũ cốc, mỳ ống…

Như vậy, acid folic đóng một vai trò quan trong đối với sức khoẻ con người. Vậy làm thế nào để biết cơ thể bạn có bị thiếu acid folic hay không? Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện xét nghiệm acid folic. Vậy xét nghiệm acid folic là gì?

Xét nghiệm acid folic là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic? 1
Acid folic mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ con người

Xét nghiệm acid folic là gì?

Trên thực tế, bạn rất khó để nhận ra cơ thể đang thiếu hụt vitamin B9. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thiếu acid folic nghiêm trọng, cơ thể của bạn sẽ xảy ra triệu chứng như mệt mỏi, tiêu chảy, thậm chí là thiếu máu. Do đó, để phát hiện sớm tình trạng thiếu viamin B9 và có biện pháp xử trí kịp thời, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm xét nghiệm acid folic hay còn gọi là xét nghiệm folate. Vậy xét nghiệm acid folic là gì?

Xét nghiệm acid folic là loại xét nghiệm giúp kiểm tra nồng độ folate có trong máu nhằm chẩn đoán sớm các trường hợp bị thiếu vitamin B9 gây thiếu máu, từ đó đưa ra biện pháp điều trị kịp thời.

Ngay cả khi cơ thể chưa có các triệu chứng lâm sàng thể hiện ra bên ngoài thì xét nghiêm acid folic cũng có thể cho biết người bệnh có đang bị thiếu vitamin B9 hay không. Do đó, xét nghiệm acid folic đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Xét nghiệm acid folic là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic? 2
Xét nghiệm acid folic giúp kiểm tra nồng độ folate có trong máu

Quy trình thực hiện xét nghiệm acid folic như sau:

  • Trước khi thực hiện: Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất từ 6 - 8 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm acid folic. Thông thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn từ đêm hôm trước và lấy mẫu máu vào buổi sáng hôm sau. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thông báo với bác sĩ về những loại thuốc hay thảo dược… đang sử dụng để bác sĩ có thể quyết định ngưng thuốc đúng thời gian trước khi thực hiện xét nghiệm nhằm tránh ảnh hưởng đến kết quả.
  • Trong khi thực hiện: Nhân viên y tế sẽ lấy một lượng máu vừa đủ tại tĩnh mạch ở mặt trong của khuỷu tay đem đi phân tích. Trong quá trình lấy máu, để đảm bảo độ tinh sạch của mẫu máu, thủ thuật lấy máu thường diễn ra trong môi trường vô trùng. Sau khi lấy máu, vị trí lấy máu sẽ được băng lại bằng gạc vô khuẩn để cầm máu.
  • Sau khi thực hiện: Người bệnh thường được cho phép về nhà ngay sau khi lấy xong mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm acid folic sẽ có trong vài ngày tới và được gửi đến bạn.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc uống quá nhiều rượu cũng sẽ tác động đến kết quả của xét nghiệm acid folic nên người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử uống rượu của bản thân. Vậy khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic?

Xét nghiệm acid folic là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic? 3
Mẫu máu làm xét nghiệm acid folic thường được rút ở tĩnh mạch trong của khuỷu tay

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic?

Hầu hết các trường hợp được chỉ định thực hiện xét nghiệm acid folic khi có biểu hiện của tình trạng thiếu hụt vitamin B9 hoặc thiếu máu như da xanh tái, niêm mạc kém hồng, chóng mặt, khó thở, đờ đẫn, nhịp tim nhanh…

Xét nghiệm acid folic cũng được chỉ định cho những trường hợp người bệnh có một số triệu chứng của thiếu vitamin B9 và vitamin B12 như:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy;
  • Nướu răng bị chảy máu;
  • Lưỡi bị sưng và đỏ;
  • Nhiệt miệng;
  • Chán ăn;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi, cơ thể suy nhược;
  • Tê bì chân tay;
  • Gặp khó khăn trong vận động;
  • Suy giảm trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ.

Bên cạnh đó, xét nghiệm acid folic còn được chỉ định trong các trường hợp như:

  • Xác định nguyên nhân gây thiếu máu;
  • Đánh giá tình trạng kém hấp thu viamin B9 và suy dinh dưỡng;
  • Theo dõi và đánh giá quá trình điều trị tình trạng thiếu vitamin B9 và vitamin B12;
  • Đánh giá cơ thể của phụ nữ mang thai có bị thiếu acid folic không;
  • Kiểm tra cơ thể bạn có khó hấp thu acid folic hay không nếu bạn mắc phải một số bệnh lý như rối loạn đường ruột, bệnh Crohn hay bệnh Celiac.
Xét nghiệm acid folic là gì? Khi nào cần thực hiện xét nghiệm acid folic? 4
Xét nghiệm acid folic được chỉ định khi muốn xác định nguyên nhân thiếu máu

Tóm lại, acid folic là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ acid folic thông qua chế độ ăn uống hay thực phẩm chức năng là một cách giúp cơ thể của bạn phòng ngừa một số bệnh lý có liên quan đến hàm lượng acid folic có trong máu. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện xét nghiệm acid folic kiểm tra nồng độ folate có trong máu và phát hiện sớm những vấn đề sức khoẻ có liên quan đến vitamin B9.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm