Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xương chẩm là gì? Một số vấn đề liên quan đến xương chẩm thường gặp

Ngày 28/06/2024
Kích thước chữ

Xương chẩm là một trong tám xương chính cấu tạo nên hộp sọ người. Khi bị chấn thương ở khu vực này có thể dẫn đến rách mạch máu, chảy máu trong não hoặc rò rỉ dịch não tủy, gây nhiều tổn thương cho não. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về xương chẩm trong bài viết dưới đây.

Xương chẩm là một trong những xương chính của hộp sọ. Nó có vai trò bảo vệ tiểu não và các thùy chẩm của đại não, cũng như liên kết với cột sống thông qua lỗ lớn để tủy sống đi qua. Xương chẩm có ba phần chính là phần bên, phần nền và trai chẩm.

Xương chẩm là gì?

Xương chẩm (occipital bone) là một trong tám xương chính tạo nên hộp sọ người, bao phủ lên thùy chẩm của đại não. Xương chẩm nằm ở phía sau đầu, bảo vệ thùy chẩm và liên kết với cột sống qua lỗ lớn (foramen magnum), nơi tủy sống đi qua. Xương này có cấu trúc nằm ở mặt dưới hộp sọ, gần cột sống và đường khâu xương đệm, tạo nên phần sau của hộp sọ. Xương chẩm gồm ba phần chính là phần bên, phần nền và trai chẩm. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các bộ phận của hệ thần kinh trung ương. 

Những vấn đề liên quan đến xương chẩm 1
Xương chẩm nằm ở phía sau đầu, bao phủ lên thùy chẩm của đại não

Ngoài ra, xương chẩm còn tham gia vào việc hỗ trợ cấu trúc của hộp sọ, tạo điểm bám cho các cơ cổ và cơ lưng, giúp kiểm soát và ổn định phần đầu. Cấu trúc phức tạp và vị trí quan trọng của xương chẩm làm cho nó trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống bảo vệ và hỗ trợ của cơ thể con người.

Một số vấn đề liên quan đến xương chẩm thường gặp

Hai tình trạng liên quan đến xương chẩm thường gặp nhất đó là xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh và vỡ xương chẩm. Để hiểu hơn về các vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh

Dù không phải hiện tượng hiếm gặp nhưng xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh vẫn có thể là dấu hiệu cảnh báo đến các bậc cha mẹ. Hiện tượng xương chẩm nhô cao không chỉ gặp ở trẻ sơ sinh mà cả ở người lớn. Nếu trẻ không có dấu hiệu bất thường khác, phụ huynh có thể yên tâm. Đôi khi, phần đầu nhô cao là thóp của trẻ, một phần linh động chưa đóng chặt, chứa dịch để giảm chấn động cho trẻ. Thóp sẽ dần phát triển và cứng cáp khi não bộ và kích thước đầu của trẻ hoàn thiện.

Trong một số trường hợp, xương chẩm nhô cao có thể là dấu hiệu của bệnh lý như dính khớp sọ, dị tật sọ, tăng áp lực nội sọ. Phụ huynh cần theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

xuong-cham 2.jpeg
Xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần lưu ý

Một số nguyên nhân dẫn đến xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Tật đầu méo do tư thế: Một nguyên nhân phổ biến khiến xương chẩm nhô cao là tư thế nằm không đúng của trẻ hoặc do thai đôi, thai ba khiến tử cung chật chội, dẫn đến chèn ép đầu. Tình trạng này không cần phẫu thuật mà có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi tư thế nằm của bé.
  • Hội chứng apert: Hội chứng apert là một dị tật hiếm gặp, xuất hiện ở khoảng 1/100.000 đến 1/160.000 trẻ. Đây là rối loạn di truyền khiến xương sọ, bàn tay và bàn chân dính lại với nhau. Các dấu hiệu của hội chứng này bao gồm xương chẩm lồi, hộp sọ và trán cao, xương hàm trên kém phát triển, ngón tay và chân dính, thị lực kém và tăng tiết mồ hôi.
  • Hội chứng crouzon: Đây cũng là một rối loạn di truyền với các triệu chứng tương tự hội chứng apert. Ngoài ra, trẻ còn có thể mất thính giác, vòm miệng hình chữ V, tắc nghẽn đường thở và viêm giác mạc. Phẫu thuật hộp sọ thường được thực hiện khi trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi.
  • Rối loạn sản sụn: Rối loạn này ảnh hưởng đến sự phát triển của các phần xương chẩm giữa các khớp. Điều này khiến chúng phát triển không bình thường và xương chẩm trở nên ngắn và nhỏ hơn bình thường, gây ra dị tật xương chẩm.

Vỡ xương chẩm

Vỡ xương chẩm là hiện tượng xương bị nứt, gãy hoặc tổn thương. Tùy vào lực và vị trí tác động, bể xương chẩm được chia thành hai loại là vỡ xương kín (không làm rách da, xương không bị lộ ra ngoài) và vỡ xương hở (làm rách da, xương lộ ra ngoài).

Chấn thương gây bể xương chẩm phía sau gáy xảy ra khi có lực tác động mạnh làm phá bể xương chẩm. Bất kỳ loại lực nào tác động lên phần đầu đều có thể dẫn đến bể xương chẩm, chẳng hạn như té ngã và đập đầu xuống đất, bị vật rơi trúng đầu, chấn thương vùng đầu do tai nạn xe hơi hoặc các loại chấn thương khác ở vùng đầu.

Những vấn đề liên quan đến xương chẩm 5
Té ngã đập đầu xuống đất có thể gây bể xương chẩm

Dấu hiệu bị vỡ xương chẩm

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khi bị bể xương chẩm có thể kể đến như:

  • Máu chảy từ vết thương, tai, mũi hoặc quanh mắt;
  • Mắt hoặc sau tai có vết bầm tím;
  • Đồng tử không phản ứng với ánh sáng hoặc kích thước giữa hai đồng tử không đều;
  • Co giật;
  • Đau đầu;
  • Mất cân bằng;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Buồn ngủ;
  • Nói lắp;
  • Mất ý thức;
  • Cứng cổ;
  • Thị giác bị rối loạn;
  • Khó chịu, bứt rứt.

Những dấu hiệu và triệu chứng cần đưa bệnh nhân đi khám ngay lập tức:

  • Có dịch trong chảy ra từ mũi hoặc tai;
  • Có vật nhô ra từ hộp sọ;
  • Chảy máu không ngừng từ vết thương, tai hoặc mũi;
  • Sưng mặt, bầm tím;
  • Khó thở hoặc lưu thông máu có vấn đề;
  • Xuất hiện nhiều chấn thương, bất tỉnh hoặc co giật.

Bị bể xương chẩm cần xử lý như thế nào?

Nếu gặp trường hợp bệnh nhân bị bể xương chẩm, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi sự hỗ trợ y tế, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Không di chuyển bệnh nhân: Không nên di chuyển người bị thương trừ khi cần thiết để tránh làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
  • Cầm máu: Cầm máu vết thương bằng băng vô trùng, vải hoặc mảnh quần áo sạch.
  • Cố định khu vực bị tổn thương: Không nên điều chỉnh lại xương hoặc đẩy xương vào bên trong. Hãy cố định khu vực bị gãy bằng cách nẹp ở hai bên vị trí gãy.
  • Điều trị sốc: Nếu người bệnh bất tỉnh hoặc thở nhanh và ngắn, hãy đặt họ nằm xuống với đầu thấp và chân nâng cao.

Phương pháp điều trị bể xương chẩm

Phương pháp điều trị bể xương chẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tiền sử y tế, loại vỡ xương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

  • Điều trị không phẫu thuật: Điều trị không phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp gãy xương kín, nhẹ và đơn giản. Khi bị bể xương chẩm kín thường không cần can thiệp đặc biệt vì xương chẩm sẽ tự lành. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Điều trị phẫu thuật: Điều trị phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp gãy xương chẩm hở, nặng, nghiêm trọng và phức tạp. Khi bị bể xương chẩm hở thì cần phẫu thuật để loại bỏ các mảnh xương vỡ, đặc biệt nếu có rò dịch não tủy và độ dày của xương chẩm lớn hơn phần xương bị đè ép. Sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng ở vết thương hở, bầm dập và chảy máu.
Những vấn đề liên quan đến xương chẩm 3
Điều trị phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp gãy xương hở, nặng

Một số lưu ý sau khi bị vỡ xương chẩm

Để giúp xương chẩm mau lành và phục hồi nhanh, người bệnh và người chăm sóc cần chú ý những điều sau:

  • Tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi tối đa và tránh stress, mệt mỏi.
  • Sau điều trị, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu nâng cao.
  • Tránh các động tác như xì mũi, hắt hơi, ngoáy cổ, lắc đầu.
  • Tránh mang vác vật nặng hoặc làm các công việc liên quan đến vùng đầu khi xương chẩm chưa hoàn toàn hồi phục.
  • Ăn uống đa dạng và đủ chất, đặc biệt là canxi, sắt, kẽm, vitamin D, vitamin K, phosphat,...
  • Không hút thuốc lá, nước ngọt có ga, uống cà phê, bia rượu, nước trà đặc.
Những vấn đề liên quan đến xương chẩm 4
Hút thuốc lá sẽ khiến xương lâu hồi phục

Bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin cần thiết về xương chẩm. Đây một phần quan trọng của hộp sọ, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ não bộ. Khi gặp tình trạng xương chẩm nhô cao ở trẻ sơ sinh hay bị vỡ xương chẩm, cần tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin