Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh nến xương là gì? Những vấn đề cần biết về Bệnh nến xương

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh nến xương là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp ảnh hưởng đến xương tứ chi. Trong bệnh lý này mô xương mới phát triển bên trên xương khỏe mạnh dẫn đến sự dày lên không đều theo chiều dài xương. Người mắc bệnh có thể bị đau, hạn chế cử động, thay đổi da,... Không có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh nến xương nhưng việc điều trị hỗ trợ có thể giúp người mắc bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh nến xương là gì?

Bệnh nến xương (Melorheostosis) hay bệnh Leri lần đầu tiên được nhà thần kinh học người Pháp Andre Leri (1875-1930) và J Joanny trình bài vào năm 1922. Tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với “melos” nghĩa là chi và “rhein” nghĩa là chảy do bệnh lý này đặc trưng bởi hình ảnh tăng sinh xương nhìn như kiểu nến chảy trên phim x-quang.

Bệnh nến xương là một loại loạn sản xương rất hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 1 trên 1 triệu người. Đến nay có khoảng 400 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới. Mặc dù những thay đổi của bệnh xảy ra ở thời thơ ấu nhưng tuổi biểu hiện bệnh thường muộn hơn và tình trạng này thường tiến triển tiềm ẩn cho đến cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Chỉ có khoảng một nửa số trường hợp được chẩn đoán trước 20 tuổi mặc dù trong một số trường hợp độ tuổi biểu hiện lâm sàng đầu tiên rất khác nhau từ 3 ​​tuổi đến 61 tuổi. 

Bệnh nến xương có sự phân bổ giới tính đồng đều về mặc giới tính. Bệnh thường xuất hiện ở xương dài chi trên, chi dưới và hiếm khi liên quan đến trục xương như xương cột sống hay xương chậu. Bệnh có thể gặp ở một xương (monostotic), một chi (monomelic) hay nhiều xương (polyostotic).

Nếu tình trạng khởi phát sớm có thể dẫn đến bệnh lùn vì xương không tiếp tục phát triển dài ra thêm. Cử động của chi có thể bị giảm do cứng khớp hoặc liên quan đến tổn thương cơ hoặc cả hai. Diễn biến thông thường của căn bệnh này diễn ra âm thầm và chậm rãi với các đợt biểu hiện trầm trọng định kỳ và cuối cùng là sự co rút mô mềm, xơ hóa và thậm chí cốt hóa mô. 

Triệu chứng

Những triệu chứng của Bệnh nến xương

Ở trẻ em thường không có triệu chứng, bệnh chỉ được chẩn đoán khi được phát hiện tình cờ trên x-quang với dấu hiệu “nến chảy”. Trong đó dấu hiệu “nến chảy” là hình ảnh phì đại vỏ xương không đồng đều, thường xảy ra ở một phía của xương bị tổn thương, giống như hình ảnh nến chảy một bên của đèn cầy.  

Bệnh ảnh hưởng đến mô mềm và xương dẫn đến dị tật, cứng khớp thường thấy ở phần dưới tứ chi và hiếm khi ở hộp sọ, xương sườn, bàn tay và cột sống. Khi bệnh nến xương biểu hiện trên lâm sàng thì các triệu chứng phổ biến nhất là co rút khớp, đau khớp và các triệu chứng này thường gặp ở người lớn hơn ở trẻ em. 

Đau là một triệu chứng không phổ biến ở trẻ em và nếu có đau thì thường nhẹ. Trong một nghiên cứu về bệnh nến xương ở trẻ em khoảng thời gian trung bình từ khi bắt đầu có dấu hiệu lâm sàng đến khi chẩn đoán là 6 năm. 

Những thay đổi về da có thể được nhìn thấy trong khoảng 17% trường hợp có thể bao gồm tăng sắc tố ở da và xơ cứng bì. Tóm lại các triệu chứng trong bệnh nến xương bao gồm các biến đổi về xương và về da như sau:

  • Co rút khớp.
  • Rối loạn tăng trưởng chiều cao.
  • Thay đổi về tư thế và dáng đi.
  • Da căng, sáng bóng, ban đỏ, đổi màu,...
  • Da chai cứng và xơ hóa.
nến xương 1.jpg
Đau và biến đổi da là một trong những triệu chứng của bệnh

Tác động của Bệnh nến xương đối với sức khỏe

Khi mắc bệnh nến xương các xương dày lên hay to ra bất thường có thể hạn chế cử động chi, biến dạng khớp, biến đổi da, đau đớn và hạn chế vận động,... Đau có thể trầm trọng hơn và gây suy nhược cơ thể ở người lớn. Bệnh nến xương không lan sang các xương khác nhưng nó có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Bệnh nến xương

Liệt dây thần kinh sọ như liệt dây thần kinh số VIIliệt dây thần kinh số III, cốt hóa mô, tăng mật độ khoáng xương, phì đại xương, teo cơ xương và mất cân đối ở chi dưới và chi trên là những biến chứng có thể xảy ra ở người mắc bệnh này nếu không được phát hiện sớm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ cơ xương khớp ngay khi bạn có bất kỳ dấu hiệu đau đớn hay hạn chế vận động khớp đã nêu ở trên để được thăm khám kỹ càng, chẩn đoán sớm bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Bệnh nến xương

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của hội chứng bất thường này vẫn chưa được biết rõ nhưng có nhiều cơ chế giải thích bệnh bao gồm suy mạch máu, viêm hoặc thoái hóa các mô liên kết và sự phát triển bất thường của dây thần kinh đặc biệt là yếu tố di truyền. 

Gần đây có một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh nến xương và hội chứng Buschke-Ollendorff (bệnh nến xương kết hợp với nevi mô liên kết lan tỏa) đã hỗ trợ giả thuyết cho rằng bệnh nến xương và một số loạn sản xơ xương khác có thể có chung nguồn gốc.

Nguyên nhân di truyền được đa số các nhà nghiên cứu ủng hộ. Các đột biến trong gen MAP2K1 được ước tính là nguyên nhân gây ra khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh. Gen MAP2K1 mã hóa cho một protein được gọi là protein kinase MEK1. Protein này được tìm thấy trong nhiều loại tế bào, bao gồm cả tế bào xương. Nó là một thành phần của đường truyền tín hiệu RAS/MAPK. 

Hệ thống tín hiệu này điều chỉnh sự tăng sinh, biệt hóa và di chuyển của tế bào. Tín hiệu RAS/MAPK cần thiết cho sự phát triển và hình thành xương. Các đột biến dẫn đến việc tạo ra một phiên bản hoạt động quá mức của protein kinase MEK1, giúp tăng cường tín hiệu RAS/MAPK trong mô xương. 

Tín hiệu tăng lên ảnh hưởng đến việc điều hòa sự tăng sinh tế bào xương làm xương phát triển bất thường. Sự thay đổi gen này là một đột biến ngẫu nhiên không được truyền lại.

nến xương 2.jpg
Đột biến gen là một trong những nguyên nhân gây bệnh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Bệnh nến xương?

Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nến xương bất kể tuổi tác, giới tính hay chủng tộc nào. Bệnh nến xương phổ biến nhất ở thanh thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành với tỷ lệ mắc là 0,9 phần triệu. Trong đó chỉ khoảng một nửa số trường hợp được chẩn đoán trước tuổi 20.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Bệnh nến xương

Chưa ghi nhận các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nến xương ở người. Tình trạng này không được di truyền từ cha mẹ cho con cái vì nó phát sinh từ đột biến soma trong tế bào xương xảy ra một cách ngẫu nhiên trong đời người. Bệnh lý này cũng không liên quan đến các bệnh lý mạn tính như tăng huyết ápđái tháo đường, bệnh lý chuyển hóa khác,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh nến xương

Bệnh nến xương rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng và X quang của nó giống với các khối u và các rối loạn xơ xương khác chẳng hạn như xơ cứng xương nội tủy và loãng xương. Mặc dù hình ảnh "nhỏ giọt sáp nến" là điển hình trên X quang là dấu hiệu điển hình cho chẩn đoán nhưng không phải là dấu hiệu luôn hiện diện ở tất cả bệnh nhân mắc bệnh nến xương.

Các xét nghiệm máu

Các chỉ số sinh hóa máu thường nằm trong giới hạn bình thường.

X-quang

Dấu hiệu trên X-quang được coi là đủ để thiết lập chẩn đoán khi có sự dày vỏ màng xương ​​hay dày màng trong xương với những đường xương dày nhấp nhô giống như sáp nến chảy dọc theo xương (hình dạng sáp nhỏ giọt hoặc hình dạng sáp nến chảy), khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên. 

Mặc dù hình ảnh phì đại xương dạng nến chảy được miêu tả là dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh nhưng ở một loạt ca bệnh được báo cáo với những biểu hiện Xquang khác nhau không hẳn là dạng nến chảy.

nến xương 3.jpg
Dấu nến chảy trên phim xquang có giá trị chẩn đoán bệnh

MRI

Thông thường nhìn thấy các tổn thương có tín hiệu thấp trên tất cả các chuỗi hình ảnh, không tăng đậm độ.

CT

Mặc dù các kỹ thuật hình ảnh khác như CT hiếm khi được chỉ định cho việc chẩn đoán bệnh vì cận lâm sàng này có chi phí cao, nhưng các dấu hiệu tương tự cũng có thể thấy trên CT khi được chụp CT.

Phương pháp điều trị Bệnh nến xương

Bệnh có mức độ nghiêm trọng khác nhau nhưng nhìn chung bệnh thường diễn biến tiến triển mạn tính ở người lớn và diễn biến nhanh hơn ở trẻ em. Trong một số trường hợp dẫn đến mất khả năng đi lại do co rút cơ hoặc biến dạng xương khớp. 

Điều trị nội khoa bảo tồn thường không mang lại hiệu quả đặc biệt là ở những trường hợp nghiêm trọng. Can thiệp bằng phẫu thuật bao gồm giải phóng gân, cắt xương và thậm chí cắt cụt chi được đề xuất cho một số trường hợp nhất định. 

Không có cách chữa trị bệnh nến xương hiệu quả, nhưng việc điều trị hỗ trợ có thể giúp người mắc bệnh kiểm soát các triệu chứng. Các phương pháp điều trị để kiểm soát cơn đau và cải thiện chức năng vận động như:

  • Vật lý trị liệu để tăng sức mạnh và phạm vi chuyển động các khớp bị tổn thương.
  • Trị liệu nghề nghiệp để cải thiện các kỹ năng vận động và giúp người mắc bệnh hoàn thành tốt công việc và các hoạt động hàng ngày như tắm rửa hoặc mặc quần áo.
  • Các loại thuốc có vai trò điều trị hỗ trợ cũng mang lại hiệu quả tích cực như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau hoặc bisphosphonates để hỗ trợ xương, Nifedipine và muối natri của axit diphosphonic cũng được sử dụng để kiểm soát cơn đau.
  • Phẫu thuật để loại bỏ sự phát triển xương dư thừa của mô xương hoặc định hình lại xương.
nến xương 4.jpg
Tập vật lý trị liệu là một trong những biện pháp giảm đau và phục hồi vận động hiệu quả

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Bệnh nến xương

Chế độ sinh hoạt:

Chẩn đoán và điều trị sớm giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh. Những bệnh nhân mắc bệnh cần tập luyện các bài tập vật lý trị liệu giúp hồi phục khả năng vận động và làm chậm diễn tiến nặng của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Phương pháp phòng ngừa Bệnh nến xương hiệu quả

Bởi vì bệnh nến xương xảy ra một cách ngẫu nhiên nên không có cách nào để ngăn chặn nó. Giữ gìn cơ thể khỏe mạnh với một lối sống lành mạnh giúp năng cao chất lượng cuộc sống và làm giảm nguy cơ mắc bệnh nói chung.

Nguồn tham khảo
  1. What Is Psoriatic Arthritis (PsA)?: https://www.psoriasis.org/about-psoriatic-arthritis/
  2. Psoriatic arthritis - Symptoms & causes: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/psoriatic-arthritis/symptoms-causes/syc-20354076
  3. Psoriatic Arthritis - Bone, Joint, and Muscle Disorders: https://www.msdmanuals.com/home/bone,-joint,-and-muscle-disorders/joint-disorders/psoriatic-arthritis
  4. Psoriatic Arthritis: Symptoms and Treatments: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13286-psoriatic-arthritis
  5. Psoriatic arthritis: https://www.nhs.uk/conditions/psoriatic-arthritis/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm amidan hốc mủ

  2. Xơ cứng động mạch không do xơ vữa

  3. Rối loạn sàn chậu

  4. Loạn dưỡng mỡ

  5. Xơ cứng xương

  6. Phù thũng

  7. Xơ gan cổ trướng

  8. Sán dây bò

  9. Bệnh nang gan

  10. Viêm mũi cấp tính