Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu giáp nhân là một khối tế bào tăng trưởng bất thường tại tuyến giáp của bạn. Bướu giáp nhân là một tình trạng khá phổ biến, với khoảng hơn 90% bướu giáp nhân được xác định là tổn thương lành tính, không đáng kể về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, trong 4% đến 6,5% trường hợp bướu giáp nhân có thể là ung thư tuyến giáp. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu giáp nhân là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình bướm, nằm ở giữa cổ, bên dưới thanh quản và phía trên xương đòn. Tuyến giáp có chức năng giúp sản xuất các hormone giáp (T3, T4), những hormone này có một số chức năng trong cơ thể như:

  • Trao đổi chất;
  • Thân nhiệt;
  • Tâm trạng và sự dễ kích động;
  • Mạch và nhịp tim;
  • Hệ tiêu hoá.

Bướu giáp nhân (thyroid nodules) là các nhân hình tròn hoặc bầu dục nằm bên trong tuyến giáp. Các nhân giáp có thể đơn độc (một nhân), đa nhân (nhiều nhân), dạng nang hoặc rắn.

Bướu giáp nhân khá phổ biến, được phát hiện ở khoảng 5% đến 7% dân số trưởng thành thông qua khám thực thể. Và hơn 90% các bướu giáp nhân được phát hiện là các tổn thương lành tính, không đáng kể về mặt lâm sàng. Các nhân giáp cũng có thể là ung thư tuyến giáp, trong khoảng 4% đến 6,5% các trường hợp bướu giáp nhân.

Mặc dù hầu hết các bướu giáp nhân không phải là ung thư, nhưng đôi khi chúng có thể gây ra các rối loạn hoặc bệnh lý của tuyến giáp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu giáp nhân

Hầu hết trường hợp bướu giáp nhân không gây ra triệu chứng. Trong trường hợp các bướu giáp nhân lớn hoặc nhiều, có thể gây ra các triệu chứng do chèn ép như:

  • Khó nuốt hoặc khó thở;
  • Khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói;
  • Nhìn thấy bướu ở phần cổ;
  • Đau ở phía trước cổ.

Đối với trường hợp các bướu giáp nhân ảnh hưởng đến sản xuất quá mức hormone giáp, còn được gọi là cường giáp, các triệu chứng có thể có bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh (hồi hộp đánh trống ngực);
  • Run hoặc lo lắng;
  • Sụt cân;
  • Tiêu chảy và đi cầu thường xuyên hơn;
  • Khó ngủ;
  • Mất kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt ít;
  • Bướu cổ.

Các bướu giáp nhân cũng có thể liên quan đến tình trạng nồng độ hormone tuyến giáp thấp, còn gọi là suy giáp, các triệu chứng của suy giáp có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Tăng cân;
  • Tê và ngứa ran ở tay;
  • Da và tóc thô;
  • Táo bón;
  • Trầm cảm;
  • Kinh nguyệt nhiều.
Bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Trong trường hợp bướu giáp nhân gây cường giáp, người bệnh có thể bị run tay

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bướu giáp nhân

Đối với trường hợp bướu giáp nhân không phải là ung thư, hầu như chúng không có triệu chứng hay biến chứng đáng kể nào. Trong trường hợp các bướu giáp nhân tăng cường sản xuất hormone giáp, tình trạng cường giáp là một biến chứng của bướu giáp nhân. Ở một số ít người bệnh, đặc biệt là người có tổn thương nang tuyến giáp, có thể có biểu hiện đau tuyến giáp, dấu hiệu của đột ngột xuất huyết.

Trong trường hợp bướu giáp là ung thư, biến chứng và tiên lượng bệnh tuỳ thuộc vào loại ung thư, tuổi lúc chẩn đoán, mức độ di căn của ung thư.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn nhận thấy một khối ở tuyến giáp (vùng cổ), điều quan trọng là bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng của mình. Mặc dù phần lớn các trường hợp bướu giáp nhân là lành tính và không gây ra các triệu chứng khác, tuy nhiên, việc được kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy cơ cũng như loại trừ ung thư tuyến giáp là cần thiết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp nhân hầu hết chưa được biết rõ, các bướu giáp nhân có thể hình thành do nhiều nguyên nhân và có nhiều loại khác nhau bao gồm:

  • Bướu giáp keo: Đây là sự phát triển quá mức của mô giáp bình thường, tình trạng tăng trưởng này là lành tính. Đây là loại u giáp phổ biến nhất, có thể phát triển lớn nhưng không lan ra ngoài tuyến giáp.
  • U nang tuyến giáp: Đây là các khối u chứa chất lỏng, hoặc một phần chất lỏng và một phần rắn. Các u nang tuyến giáp có nguy cơ ác tính thấp, và cần theo dõi hoặc sinh thiết khi cần.
  • Viêm tuyến giáp: Các nhân giáp có thể phát triển do tình trạng viêm của tuyến giáp.
  • Bướu giáp đa nhân: Đây là tình trạng có nhiều nhân giáp được hình thành, thường là lành tính.
  • Bướu giáp nhân tăng cường chức năng: Đây là tình trạng những nốt này sản xuất thêm hormone giáp, có thể dẫn đến phát triển cường giáp.
  • Ung thư tuyến giáp: Ung thư là mối lo ngại lớn nhất khi các u tuyến giáp được hình thành. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 4% đến 6,5% tổng số trường hợp nhân tuyến giáp.
Bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhân giáp là ung thư chiếm khoảng 4,5% đến 6% tổng số trường hợp bướu giáp nhân

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bướu giáp nhân?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bướu giáp nhân, kể cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, bướu giáp nhân phổ biến hơn ở nữ giới, với số liệu thống kê gấp khoảng 4 lần nam giới. Bướu giáp nhân cũng xuất hiện thường xuyên hơn ở những người sống tại các quốc gia nơi có nguồn thực phẩm không được bổ sung i-ốt.

Một nghiên cứu giám sát kéo dài 20 năm ước tính tỷ lệ mắc bướu giáp nhân lần lượt là 0,8% ở nam và 5,3% ở nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nam giới cao gấp đôi so với nữ giới (8% so với 4%).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu giáp nhân

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp nhân bao gồm:

  • Giới tính nữ;
  • Tuổi càng cao;
  • Thiếu i-ốt;
  • Tiền sử chiếu xạ vùng đầu cổ;
  • Đái tháo đường;
  • Thiết máu thiếu sắt;
  • Hút thuốc lá;
  • Mang thai;
  • Sử dụng rượu bia;
  • Hội chứng chuyển hoá;
  • U xơ tử cung;
  • Tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin (insulin-like growth factor-1).
Bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Thiếu i-ốt là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bướu giáp nhân

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bướu giáp nhân

Bên cạnh việc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán có thể xác định xem bướu giáp nhân là lành tính hay ung thư, từ đó có thể giúp định hướng điều trị. Không phải mọi người có bướu giáp nhân đều cần thực hiện tất cả các xét nghiệm.

Thông thường, các xét nghiệm được thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp, hormone kích thích tuyến giáp (TSH) có thể được thực hiện, tuỳ vào mức độ hormone mà bác sĩ có thể định hướng và đưa ra các xét nghiệm tiếp theo.
  • Siêu âm tuyến giáp: Nếu có nghi ngờ bướu giáp nhân, siêu âm tuyến giáp sẽ được thực hiện. Siêu âm tuyến giáp cung cấp thông tin về kích thước, giải phẫu tuyến giáp và các cấu trúc lân cận cũng như đặc điểm của nhân giáp.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Trong hầu hết các trường hợp, mức TSH bình thường và siêu âm tuyến giáp có nghi ngờ ung thư, chọc hút bằng kim nhỏ sẽ được thực hiện. Việc chọc hút bằng kim nhỏ nhằm lấy mẫu mô ra khỏi nhân tuyến giáp, sau đó được đem đi kiểm tra mô học đánh giá lành tính hay ác tính.
  • Xạ hình tuyến giáp: Mặc dù hầu hết mọi người không cần xạ hình tuyến giáp, nhưng xạ hình tuyến giáp có thể được thực hiện trong một vài trường hợp. Ví dụ như khi mức TSH thấp, xạ hình tuyến giáp sẽ được thực hiện sau xét nghiệm máu chứ không phải sinh thiết.
Bướu giáp nhân là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Trong một số trường hợp có nghi ngờ ung thư, chọc hút bằng kim nhỏ sẽ được thực hiện

Điều trị bướu giáp nhân

Điều trị tuỳ thuộc vào loại bướu giáp nhân, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Theo dõi: Nếu bướu giáp nhân không phải là ung thư, có thể bạn không cần điều trị gì. Bác sĩ sẽ cho bạn một lịch tái khám định kỳ để kiểm tra thường xuyên sự thay đổi của bướu giáp nhân (nếu có).
  • I-ốt phóng xạ: Bác sĩ có thể dùng i-ốt phóng xạ để điều trị trong một số trường hợp có chỉ định.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ nhân tuyến giáp hoặc cắt bỏ tuyến giáp có thể được thực hiện, tuỳ thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bướu giáp nhân

Chế độ sinh hoạt: 

  • Nếu bạn đã được chẩn đoán bướu giáp nhân và ở nhóm theo dõi chứ không điều trị gì, bạn cần đến tái khám thường xuyên, đúng hẹn để được theo dõi nhân giáp có thay đổi gì hay không. Từ đó có thể có các phương pháp điều trị thích hợp.
  • Nếu đang điều trị nguyên nhân dẫn đến bướu giáp nhân ở bạn, để hạn chế diễn tiến của bệnh, điều quan trọng là tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng: Điều quan trọng là việc đảm bảo đủ lượng i-ốt trong chế độ ăn của bạn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu i-ốt là không phổ biến, nếu bạn đã sử dụng muối ăn chứa i-ốt, bạn có thể đã cung cấp đủ lượng i-ốt.

Phòng ngừa bướu giáp nhân

Hầu hết nguyên nhân dẫn đến bướu giáp nhân vẫn chưa được biết rõ, do đó, không thể ngăn ngừa bướu giáp nhân trong hầu hết trường hợp.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển chúng bằng cách quản lý một số yếu tố nguy cơ nhất định. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy giảm cân hợp lý và duy trì cân nặng khoẻ mạnh. Hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc lá. Bên cạnh đó, đảm bảo việc bổ sung đủ i-ốt trong chế độ ăn của bạn.

Các câu hỏi thường gặp về bướu giáp nhân

Tôi bị bướu giáp nhân thì có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp không?

Trong hầu hết các trường hợp, khoảng hơn 90% các trường hợp bướu giáp nhân là lành tính. Tình trạng ung thư tuyến giáp chỉ chiếm khoảng 4% đến 6,5% tổng số các trường hợp bướu giáp nhân.

Tôi bị bướu giáp nhân lành tính thì có nguy hiểm không?

Tiên lượng của các bướu giáp nhân không phải ung thư (lành tính) là rất tốt. Hầu hết chúng không cần điều trị, chỉ khoảng 1% các bướu giáp nhân lành tính gây ra bệnh lý tuyến giáp và có thể điều trị được.

Tiên lượng của bướu giáp nhân là ung thư như thế nào?

Đối với các nhân giáp là ung thư, tiên lượng bệnh sẽ rất khác nhau tuỳ thuộc vào các yếu tố như loại ung thư, tuổi lúc chẩn đoán, kích thước của khối u, mức độ lan rộng sang các mô lân cận, hạch bạch huyết hay di căn ra các phần xa của cơ thể.

Tôi bị khối ở cổ thì có phải là bướu giáp nhân không?

Trong hầu hết các trường hợp xuất hiện khối ở phía trước cổ có thể là bướu giáp nhân lành tính, tuy nhiên vẫn cần loại trừ khả năng ác tính. Trong một số trường hợp, các khối ở cổ không phải là bướu giáp nhân, có thể chúng là các hạch bạch huyết sưng do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.

Bị bướu giáp nhân thì có cần phải điều trị phẫu thuật không?

Việc điều trị sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng xảy ra và tuỳ vào lựa chọn của bạn. Đối với các trường hợp ung thư hay nghi ngờ ung thư, phẫu thuật có thể được thực hiện. Trong một số trường hợp bướu giáp nhân quá lớn gây chèn ép như khó thở, khó nuốt, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. 

Nguồn tham khảo
  1. Thyroid Nodule: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK535422/
  2. Patient education: Thyroid nodules (Beyond the Basics): https://www.uptodate.com/contents/thyroid-nodules-beyond-the-basics/print
  3. What Are Thyroid Nodules?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-are-thyroid-nodules
  4. Thyroid Nodules: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13121-thyroid-nodule
  5. Thyroid Nodule: https://emedicine.medscape.com/article/127491-overview
  6. Thyroid nodules: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thyroid-nodules/symptoms-causes/syc-20355262
  7. Epidemiology of thyroid nodules: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19041821/